Dưỡng kinh doanh, nuôi sáng tạo

HẰNG NGUYỄN| 23/06/2009 00:50

Từng đạt nhiều giải thưởng trong ngành thời trang, thế nhưng “được sinh ra trên đời, đam mê vải vóc, tơ lụa, làm đẹp cho cuộc sống, cho con người mới là giải thưởng cao quý nhất”- nhà thiết kế (NTK) Hồ Trần Dạ Thảo, Giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang cao cấp Tsafari tâm sự.

Dưỡng kinh doanh, nuôi sáng tạo

Từng đạt nhiều giải thưởng trong ngành thời trang, thế nhưng “được sinh ra trên đời, đam mê vải vóc, tơ lụa, làm đẹp cho cuộc sống, cho con người mới là giải thưởng cao quý nhất”- nhà thiết kế (NTK) Hồ Trần Dạ Thảo, Giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang cao cấp Tsafari tâm sự.

Hồ Trần Dạ Thảo (thứ 3 từ phải qua) và các thí sinh tại cuộc thi “Doanh nhân thời trang trẻ quốc tế” ở Anh.

Năm 2001, Thảo tốt nghiệp cử nhân Anh ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đồng thời là thủ khoa ngành Thiết kế thời trang của Học viện TAFE (Úc), cùng khóa với NTK Võ Việt Chung. Sau đó, chị vào làm tại Công ty thời trang Việt (nhãn hiệu NinoMaxx) trong vai trò NTK chính.

Năm 2004, con đường sáng tạo thời trang riêng của Thảo được đánh dấu bằng giải nhất cuộc thi “Giải thưởng thời trang châu Á” do hãng xe Mercedes Benz tổ chức với bộ sưu tập Safari lấy cảm hứng từ thiên nhiên và tuổi thơ yên bình nơi Thảo đã sinh ra và lớn lên, đó là vùng cao nguyên Gia Lai.

Cũng trong năm đó, chị nhận được suất học bổng trị giá 10.000USD do Học viện Thiết kế Raffles Lasalle nổi tiếng của Singapore trao tặng. Năm 2005, Thảo đại diện VN tham gia Lễ hội Thời trang tại Singapore. Ước mơ xây dựng nhãn hiệu riêng có lẽ đã có từ lâu, nên sau chuyến đi này chị bắt tay làm ngay: mở một cửa hiệu để giới thiệu phong cách Tsafari.

Những sản phẩm do Thảo thiết kế độc đáo, vừa mang nét cổ điển, vừatheo xu hướng thời trang hiện đại, được biến tấu theo ý tưởng riêng của Thảo đã chiếm được cảm tình của khách hàng.

Mãi đến đầu năm 2008, Thảo mới chính thức thành lập Công ty Phong Cách Quốc Tế, chuyên thiết kế trọn gói các hợp đồng quảng cáo, đồng phục và các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực thời trang. Dù mới ra đời, nhưng nhiều người đã biết đến Công ty qua những giải thưởng lớn và thương hiệu Tsafari, điều đó giúp Thảo ký được nhiều đơn hàng thiết kế.

Vài tháng trước, chị là NTK đại diện của VN, lần đầu tiên tham dự cuộc thi “Doanh nhân thời trang trẻ quốc tế” tại Anh. Chuyến đi mở ra cho chị nhiều cơ hội hợp tác quốc tế, được tiếp cận với những công ty, nhân vật nổi tiếng trong giới thời trang Anh như TopShop, Simeon và các NTK đến từ Manchester, London...Cô cho hay, nếu làm được gì bằng cách áp dụng những kiến thức học hỏi được để giúp phát triển lĩnh vực thiết kế và thời trang VN, Thảo sẽ không ngần ngại.

Hiện nay, chị đang kết hợp với Hội đồng Anh để xây dựng một số chương trình giao lưu, trao đổi văn hóa, thời trang với các quốc gia khác. Đồng thời phác thảo một số chương trình nhằm liên kết với các nhà kinh doanh Indonesia, Thái Lan, Ả Rập, Ấn Độ, Sri Lanka, Ba Lan và Brazil với phương châm “Thời trang bền vững”, trong đó sẽ phát động phong trào thời trang và môi trường.Thảo đã xây dựng được sự hợp tác quốc tế thông qua chương trình Doanh nhân thời trang trẻ quốc tế và đã kết nối thành công.

Khi nói về ngành thời trang trong nước, chị cho rằng đã đến lúc ngành may mặc VN cần có những bước chuyển tích cực để hình thành nền công nghiệp thời trang bền vững. Những trang phục truyền thống như áo dài và các nhãn hiệu thời trang VN còn mờ nhạt về phong cách, trường phái...

Ngoài thị trường tràn ngập hàng hóa đủ loại nhưng phần “chất”, phong cách và nhu cầu lại xa rời nhau. Thị trường trong nước bị “loãng” dần với xu hướng chung của thế giới.Người tiêu dùng VN khá “khó tính” hoặc đôi khi không biết “mình muốn gì” khi mua sắm, nên hàng hóa thì mênh mông mà lại không mua được.Vì vậy, ngoài phương tiện truyền thông, lĩnh vực tư vấn thời trang nên được khai thác để ổn định thị trường.

Kiêm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, vừa là NTK cho nhãn hiệu, vừa là doanh nhân kinh doanh về thời trang, Thảo bày tỏ quan điểm rất thẳng thắn: “Nhà kinh doanh thì có thể kinh doanh bất kỳ thứ gì thấy có lợi nhuận. Còn NTK thì nhảy vào kinh doanh là để tìm đầu ra cho sản phẩm sáng tạo của mình. Nếu hai nhà này kết hợp lại thì sẽ đạt “siêu lợi nhuận”.

Kiểu kết hợp này đã mang lại thành công cho các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Nhưng ở VN, hình thức hợp tác lại được xem là phiền phức nhất trong kinh doanh, mặc dù một số NTK đã thử “kết hợp” nhưng rồi cũng chóng tan. Vậy nên doanh nhân trong lĩnh vực thời trang ở VN phải đảm đương cả vai trò kinh doanh lẫn thiết kế.

Đơn thuần chỉ kinh doanh, mua đi bán lại cũng được gọi là doanh nhân thời trang, nhưng NTK bước vào kinh doanh thời trang là điều đáng được ghi nhận. Vì họ sống hết mình với nghề, luôn gắn trách nhiệm với uy tín và không ngừng sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dưỡng kinh doanh, nuôi sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO