Đừng làm khẩu hiệu!

HOA PHẠM| 10/06/2009 09:10

Gần đây, khách hàng của một siêu thị uy tín thường thấy một khẩu hiệu rất hay tại các quầy thu ngân: “Tiết kiệm bao bì là bảo vệ môi trường”. Những ai có chút quan tâm đến vấn đề môi trường đều trân trọng động thái này.

Đừng làm khẩu hiệu!

Gần đây, khách hàng của một siêu thị uy tín thường thấy một khẩu hiệu rất hay tại các quầy thu ngân: “Tiết kiệm bao bì là bảo vệ môi trường”. Những ai có chút quan tâm đến vấn đề môi trường đều trân trọng động thái này. Khi toàn nhân loại đã thực sự đối mặt với những hệ lụy nặng nề bởi môi trường thiên nhiên và môi trường sống bị xâm hại nghiêm trọng, thì ý thức và hành động cụ thể của doanh nghiệp trong việc kêu gọi nhận thức, sự hưởng ứng của người tiêu dùng rất đáng được ghi nhận. Do vậy, khẩu hiệu trên chắc chắn nhận được sự ủng hộ của nhiều khách hàng.

“Tiết kiệm bao bì là bảo vệ môi trường”.

Tuy nhiên, một khách hàng của siêu thị nói trên đã phải “than” trên: Khẩu hiệu trên chỉ là... khẩu hiệu, bởi khi mua hàng tại đây, dù chỉ một vài trái ớt hay một trái chanh, vẫn phải sử dụng những bao nylon cỡ lớn hơn nhiều so với nhu cầu. Dù khách hàng có thấy quá lãng phí và muốn “tiết kiệm bao bì” để bảo vệ môi trường như lời kêu gọi, thì siêu thị này cũng không cung cấp cho khách hàng những lựa chọn tương ứng...

Phản ánh này nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình và chia sẻ của những người khác. Điều đó cho thấy siêu thi này đang bị “gậy ông đập lưng ông”, một khẩu hiệu tốt đẹp như trên đã xoay chiều tác dụng, tuyên truyền nhận thức, kêu gọi hành động nhưng không có giải pháp thấu đáo, cụ thể. Điều đó cũng có nghĩa là đối với siêu thi này, triết lý bảo vệ môi trường cũng chỉ mới là nhận thức nửa vời.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Ở VN cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, vấn đề môi sinh đã trở nên nhức nhối. Thậm chí, cái giá phải trả còn lớn hơn giá trị phát triển kinh tế. Do lạc hậu về công nghệ và nhận thức, các quốc gia này còn gây lãng phí lớn về kinh tế và hậu quả lâu dài cho môi sinh khi sử dụng quá nhiều túi nylon và các loại bao bì làm từ vật liệu khó phân hủy như nhựa, kim loại.

Riêng tại VN, các chuyên gia về môi trường ước tính mỗi ngày có khoảng 800 tấn rác khó phân hủy bị thải ra, trong đó có một lượng lớn được làm từ các loại vật liệu mà phải đến 1.000 năm sau mới phân hủy hết. Nhận thức của xã hội nói chung và giới doanh nghiệp nói riêng về vấn đề này chưa tương thích với mức độ nghiêm trọng của nó.

Hầu hết đều xem đây là chuyện của tương lai hay trách nhiệm của ai đó và chi tiền cho hệ thống xử lý vệ sinh, nước thải, rác thải, công nghệ xanh để tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu... vẫn còn là hạng mục lãng phí, cần cắt giảm, chứ không phải là khoản đầu tư bắt buộc, thiết yếu.

Một số doanh nghiệp cũng thể hiện nỗ lực hướng tới bảo vệ môi trường, nhưng phần nhiều trong số đó mới chỉ dừng lại ở nhận thức lưng chừng hay những khẩu hiệu trên các tấm bảng, băng-rôn, chứ rất ít doanh nghiệp có được sự nhận thức và đầu tư thấu đáo. Nhiều người VN nói đùa rằng: “Sức khỏe của người tiêu dùng VN còn chưa được bảo vệ, nói gì tới bảo vệ môi trường!”. Lời nói đùa này nghe mà xót xa!

Một xu hướng tích cực trong giới tiêu dùng tại nhiều quốc gia, ngay cả ở những quốc gia chưa phải đã phát triển cao về kinh tế, là ủng hộ, yêu chuộng công nghệ xanh và sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây chính là yếu tố cạnh tranh mới giữa các nhãn hiệu, doanh nghiệp trong việc chiếm lĩnh lòng tin và quyết định lựa chọn của khách hàng.

Trên thế giới đã từng xảy ra những trường hợp nhãn hiệu, hàng hóa bị tẩy chay do doanh nghiệp xâm phạm đến môi sinh, ý thức bảo vệ thiên nhiên kém. Hiện nay, khái niệm “phát triển bền vững” - phát triển kinh doanh nhưng chú trọng đến các giá trị tự nhiên, nhân bản, bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sống cho tương lai - đang được tuyên truyền mạnh mẽ và trở thành phương châm hành động của giới kinh doanh toàn cầu.

Tại VN, đã rất cấp bách để nâng cao nhận thức và hành động về vấn đề này, nhất là trong giới doanh nghiệp. Đây là lực lượng tạo ra hàng hóa, sản phẩm cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của xã hội và vì vậy, họ cũng chính là nhân tố đầu tàu tạo nên nhận thức và khuynh hướng hành động cho công chúng. Và vì thế, vấn đề bảo vệ môi sinh đừng chỉ thể hiện ở những khẩu hiệu hoặc những kế hoạch trong tương lai mà phải là hành động cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đừng làm khẩu hiệu!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO