Đích nhắm của bà chủ nhỏ

Ý LỮ| 22/09/2008 02:35

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ chỉ có vài nhân viên, doanh số bán hàng mỗi ngày vài trăm hộp bánh flan, đến nay, Hoàng Thiên Hương đã là một doanh nghiệp hoạt động khá qui củ với trên 50 nhân viên.

Đích nhắm của bà chủ nhỏ

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ chỉ có vài nhân viên, doanh số bán hàng mỗi ngày vài trăm hộp bánh flan, đến nay, Hoàng Thiên Hương đã là một doanh nghiệp hoạt động khá qui củ với trên 50 nhân viên. Mạng lưới phân phối của Hoàng Thiên Hương phủ khắp các tỉnh thành, đặc biệt là các kênh siêu thị, các cửa hàng phân phối thực phẩm lớn tại thành phố, trường học, nhà trẻ, các bếp ăn công nghiệp... Sản lượngë bán ra mỗi ngày 40.000 - 45.000 hộp bánh, doanh thu hằng tháng gần 1 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Lâm Hương, chủ doanh nghiệp cho biết: “Để có được thành công như hôm nay, Hoàng Thiên Hương đã trải qua không ít lần thất bại. Cứ nghĩ một chiếc bánh flan làm rất dễ nhưng sản xuất với số lượng lớn, phân phối qua nhiều khâu và nhất là để chất lượng bánh được người tiêu dùng chấp nhận là không đơn giản chút nào.Những ngày đầu được các siêu thị đồng ý lấy hàng, chưa kịp mừng thì chị Hương đã được “cảnh báo”: “Bánh dễ bể, nếu không khắc phục, siêu thị sẽ không nhận hàng”.

Lo lắng, mất ngủ, cả tuần lễ chị Hương lao vào các nhà sách, lên mạng tìm “bí quyết”. Không có kết quả, chị tìm đến Khoa Công nghệ thực phẩm Đại học Bách khoa. Khi đến đây, chị may mắn gặp một thầy giáo rất nhiệt tình, ông đến cơ sở xem kỹ qui trình sản xuất, phát hiện ra những sai sót trong khâu kỹ thuật, bảo quản và giúp chị khắc phục.

Một trong những “bí quyết” mà thầy chỉ cho chị là sữa tươi sau khi vắt xong phải chế biến liền, không được trữ lạnh để tránh bị vi khuẩn xâm nhập làm bánh mau hư. Thầy còn nghiên cứu và cho chị công thức để bảo quản sản phẩm lâu hơn, bánh không bể, dập khi vận chuyển mà vẫn mịn, mềm, hương vị của bánh được nguyên vẹn.

Nhớ lại những mẻ sản phẩm không thành công phải đổ bỏ, chị Hương chia sẻ: “Làm việc gì cũng phải kiên trì. Nhìn những sản phẩm không đạt phải bỏ đi, khách hàng lấy sản phẩm ở nơi khác, tôi tiếc đứt ruột. Có lúc nản lắm, lại thêm ông xã “bàn ra”: “Trở lại làm viên chức như ngày xưa cho nhẹ đầu em ạ”, tôi cũng xiêu lòng nhưng lại nghĩ: “Làm gì cũng phải gặp khó khăn lúc đầu. Nếu dễ thì thiên hạ làm hết, đâu tới lượt mình. Hơn nữa, thị trường bánh còn rất rộng, mình cứ cố hết sức xem sao”.

Thế rồi nghề dạy nghề, càng làm chị Hương càng “sáng” ra nhiều điều và chắt lọc thành bí quyết riêng, chị kể: “Hồi mới tập tành vào nghề, tôi cứ nghĩ nguồn sữa tươi nào cũng có thể làm bánh và sữa bò vắt buổi sáng sẽ tốt nhất. Khi bánh làm ra, mặc dù không sai công thức nhưng vẫn không béo, không đậm đà. Nghĩ mãi, tìm hiểu mãi...Thì ra, sữa bò vắt buổi chiều mới là nguồn sữa tốt, có nhiều dinh dưỡng và độ đạm, độ béo cao. Điều này càng được chứng minh khi tôi đề nghị các trại bò sữa cung cấp sữa buổi chiều, họ đều đòi tăng giá”.

Để có được nguồn sữa tốt, ổn định, chị Hương phải tìm đến các trại nuôi bò sữa ở quận 12, Hốc Môn để đặt hàng. Ngày đầu sản lượng ít, có lúc khan hiếm nguồn sữa chị phải tự đi lấy. “Ngay cả trứng gà cũng phải “canh” để mua cho được trứng gà còn tươi, mới đẻ thì bánh làm ra mới ngon, nếu mua trứng để qua một, hai ngày thì chất lượng bánh, vị bánh sẽ khác hẳn”, chị Hương cho biết.

Từ vài chục lít sữa mỗi ngày, đến nay sản lượng sữa tiêu thụ của Hoàng Thiên Hương đã lên tới 1 tấn. Nếu những ngày đầu phải đi tìm mối bán, hàng gửi bán thu tiền sau cũng bị lắc đầu thì nay sản phẩm của Hoàng Thiên Hương chỉ đủ cung cấp các đơn đặt hàng lớn.

Song, chưa hài lòng với chất lượng đã đạt được, chị Hương tiếp tục nghiên cứu để cải tiến chất lượng sản phẩm. Biết đối tượng tiêu thụ bánh flan chủ yếu là trẻ em, chị Hương đã bổ sung thêm DHA vào bánh, bởi “Muốn kinh doanh bền vững thì nhà sản xuất phải liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm để đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất, bổ dưỡng nhất”.

Đang tập trung mở rộng thị trường bán lẻ, chuẩn bị kế hoạch năm 2009 sẽ xây dựng xưởng sản xuất với quy mô lớn hơn, đạt tiêu chuẩn HACCP, chị lại nghĩ: “Muốn phát triển thì phải đa dạng hóa sản phẩm”. Và chị bắt tay làm thêm dòng sản phẩm kem chuối gồm các vị sữa dừa, lá dứa, ca cao, đậu xanh, mít, sầu riêng... Lại thất bại, kem không đạt yêu cầu mẫu mã, hương vị, bị mềm, thâm đen.

Chị mày mò, lắng nghe ý kiến đóng góp của khách hàng để rút kinh nghiệm. Càng làm càng có kinh nghiệm như phải mua chuối ở các vùng miền Tây, không hột, ngọt thanh, không chát như chuối miền Đông, đặc biệt nhiệt độ bảo quản phải ổn định và đảm bảo độ lạnh thì kem mới không bị thâm đen và mềm.

Khi kem đã đạt chất lượng, được nhiều người khen, chị Hương lại nghĩ: “Sản phẩm ngon phải có bao bì đẹp”. Thế là chị đầu tư in ấn bao bì, mỗi hộp kem chuối của Hoàng Thiên Hương có 5 loại mùi vị khác nhau, để trong một chiếc hộp giấy trông rất vệ sinh và bắt mắt.

Nhờ vậy, chỉ sau vài tháng tung ra sản phẩm mới, doanh thu các sản phẩm kem chuối đã đạt vài trăm triệu đồng/tháng.

Gặp chị Hương vào một ngày cuối tháng Tám, những tưởng chị đã hài lòng với những gì đang có nhưng trái lại chị tỏ ra ưu tư: “Sản xuất càng phát triển lại càng lo về khâu nhân lực, quản lý, điều hành. Làm sao để nhân viên “chung thủy” với mình; làm sao để quy trình sản xuất đi vào bài bản, nề nếp; làm sao để chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo và cải tiến để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng...

Bao nhiêu câu hỏi đặt ra khiến tôi luôn băn khoăn, suy nghĩ. Song, “phóng lao thì phải theo lao”. Và đích nhắm của bà chủ nhỏ là Hoàng Thiên Hương phải trở thành một thương hiệu tên tuổi trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đích nhắm của bà chủ nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO