Bước lệch nhỏ, ước mơ lớn

NGUYỄN ĐẶNG THỤC QUYÊN| 08/07/2010 04:56

Khởi đầu từ công trình của một nhóm sinh viên, đến nay, SSDG đã trở thành một trong những công ty cung cấp phần mềm đóng gói có thành phẩm nhiều và có hệ thống phân phối rộng nhất hiện nay.

Bước lệch nhỏ, ước mơ lớn

Khởi đầu từ công trình của một nhóm sinh viên, đến nay, SSDG đã trở thành một trong những công ty cung cấp phần mềm đóng gói có thành phẩm nhiều và có hệ thống phân phối rộng nhất hiện nay.

Bước lệch duyên nợ

Cuối năm 2001, bộ CD Cẩm nang học sinh, sinh viên có mặt trên thị trường. Cung cấp kiến thức tổng hợp, hình ảnh, âm nhạc và nhất là kho câu hỏi trắc nghiệm xây dựng trên rất nhiều lĩnh vực, được in, đóng bìa hẳn hoi nhưng giá bán chỉ 15.000 đồng, nhỉnh hơn giá của một CD phần mềm không bản quyền chỉ vài ngàn..., nên bộ CD này bán rất chạy.

“Đó là sản phẩm làm thử, in có 1.000 bản để thăm dò thị trường. Không ngờ lại được các bạn trẻ đón nhận như vậy”, anh Trần Quý Thịnh, Giám đốc Công ty Phần mềm Sinh viên (SSDG) giới thiệu thành phẩm đầu tiên trên con đường kinh doanh của mình.

Theo truyền thống gia đình, Quý Thịnh chọn sư phạm là con đường phát triển. Chính anh cũng không ngờ một giáo viên dạy công nghệ thông tin như anh vẫn có thể trở thành... ông chủ. Thịnh kể, ngày đó mê nghiên cứu, sáng tạo phần mềm, anh tham gia các diễn đàn và tìm thấy những người bạn có cùng đam mê, rồi họ kết hợp lại để kinh doanh một... cửa hàng phần mềm cho thỏa chí.

Vốn liếng không nhiều, kinh nghiệm làm ăn là con số không, cùng nhau mày mò viết phần mềm, rồi tự đóng gói, phân phối, nên nhóm bạn này thường xuyên lâm vào thế khó. “Khó nhất là đem sản phẩm đến chào bán tại các nhà sách. Là hàng ký gửi, phân phối để lấy chiết khấu mà không cần thanh toán trước, nhưng vì chưa có thương hiệu nên sản phẩm của nhóm thường bị đặt ở những vị trí khuất”, Quý Thịnh nhớ lại.

Tiến đến thành lập công ty mang tên Phần mềm Sinh viên, một mặt, nhóm tập trung vào viết ứng dụng, mặt khác lại tập trung gây dựng thương hiệu bằng cách in ấn bao bì chỉn chu, bắt mắt để thuyết phục các đơn vị phân phối. Cũng may, nhờ tính ứng dụng cao, các phần mềm của Công ty thường xuyên nhận được giải thưởng công nghệ thông tin trong nước, nên người mua cũng bắt đầu đón nhận.

Thông qua các diễn đàn tin học, sản phẩm của công ty được khách hàng khắp nơi biết đến nhưng việc liên lạc để phát triển thị trường, đưa sản phẩm ra khỏi TP.HCM lại là chuyện chẳng dễ dàng. Quý Thịnh tiết lộ: “Giải pháp của chúng tôi rất thủ công. Đó là chia nhau chạy xe máy từ Nam ra Bắc để vừa tìm hiểu thị trường, vừa kiếm tìm đối tác”.

Kết quả là sản phẩm của SSDG đã có mặt tại 400 nhà sách của 63 tỉnh, thành trên cả nước. Nói về những tháng ngày gian khổ, Thịnh và các đồng nghiệp không giấu vẻ tự hào: “Ngày đó chỉ biết lao đầu làm việc với niềm tin. Cũng nhờ không ngại khổ và không tiếc công, việc phân phối sản phẩm mới có thể phát triển đến như vậy”.

Nỗi lo muôn thủa

Thăm “tổng hành dinh” của SSDG phải qua nhiều con hẻm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, TP.HCM mới đến nơi. Điều này đồng nghĩa với việc đối tác rất khó tìm đến. Tuy nhiên, có đến nơi này mới thấy được không khí làm việc đoàn kết và nhiệt tình của những người trẻ. Gần 50 con người cùng nhau tranh luận, sáng tạo...

Thịnh cho biết, bình đẳng là nguyên tắc gây dựng mối liên kết giữa các nhân viên để SSDG có một tập thể đồng lòng, đồng sức có thể cho ra đời bình quân mỗi tháng hai phần mềm mới. Không dừng lại ở các hiệu ứng tin học, hiện nay, SSDG còn mạnh dạn đầu tư vào khâu đồ họa để tung ra thị trường những sản phẩm chạy được trên cả máy vi tính lẫn đầu đĩa VCD, DVD thông thường, phục vụ đối tượng khách hàng thiếu nhi.

“Tâm lý của số đông phụ huynh khi cho con tiếp xúc với máy vi tính là sợ con bị tật về mắt, vì vậy, muốn có được nguồn khách hàng nhí, chúng tôi phải đầu tư để khắc phục nhược điểm này”, Quý Thịnh chia sẻ.

Sở hữu gần 150 sản phẩm phần mềm, trong đó 70% là phần mềm giáo dục, nên SSDG cũng phải đối mặt với tình trạng xâm phạm bản quyền. Tuy nhiên, Quý Thịnh cho biết, chống in lậu và chống đĩa lậu không phải là mục tiêu hàng đầu của Công ty. “Giá phần mềm bản quyền tại Việt Nam tương đối thấp, chỉ từ 20.000 - 40.000 đồng. Người Việt hiện nay rất khéo trong chi tiêu, tôi chỉ ngại họ không có dịp so sánh giữa đĩa bản quyền và đĩa lậu để có thể lựa chọn”, anh phân tích.

Theo Thịnh, khi quan sát người mua đĩa tại các nhà sách, anh thấy khách hàng rất dễ đón nhận những sản phẩm chính hãng, có bảo hành..., chỉ cần người bán tích cực giới thiệu với họ. Đây chính là điều kiện tốt để không chỉ phần mềm, mà tất cả các mặt hàng đều có thể tận dụng để tìm kiếm khách hàng trong nước.

Thế là thầy giáo dạy công nghệ thông tin Trần Quý Thịnh của Viện Nghiên cứu Châu Á chính thức rời bục giảng, tập trung vào công việc kinh doanh. “Nhớ trường, nhớ học sinh lắm nhưng đã đến lúc tôi phải tập trung vào con đường chính của mình”, Thịnh chia sẻ. Con đường ấy lệch đi một chút so với nghề nghiệp truyền thống của gia đình nhưng vẫn khiến anh thanh thản bởi đến nay, Thịnh vẫn trung thành với mục tiêu chính của mình: phát triển phần mềm giáo dục Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bước lệch nhỏ, ước mơ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO