Bán công ty: 3 bài học từ nhà sáng lập startup HeyKuya

VÂN THẢO| 06/05/2016 06:50

Nhà khởi nghiệp cần vứt bỏ suy nghĩ rằng công ty bị mua lại sẽ yếu thế hơn trên bàn đàm phán, bởi mục đích sau cùng mà các bên nhắm tới là kinh doanh.

Bán công ty: 3 bài học từ nhà sáng lập startup HeyKuya

Được vận hành từ tháng 10/2015, HeyKuya là một ứng dụng miễn phí chuyên đáp ứng yêu cầu của khách hàng, từ giao thức ăn đến hỗ trợ mua hàng, đặt vé du lịch. Khách hàng chỉ cần gửi tin nhắn SMS đến HeyKuya, hệ thống sẽ xử lý và làm thay công việc chuẩn bị sau đó gửi kết quả xác nhận về cho khách hàng.

Ứng dụng này được phủ sóng khắp vùng thủ đô Manila (Metro Manila, Philippines).

Với hơn 15.000 người dùng và hơn 500 yêu cầu được gửi đến mỗi ngày, "trợ lý cá nhân" HeyKuya nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều hãng công nghệ, và mới đây vào tháng 3/2016, ứng dụng này đã được mua lại bởi đối thủ YesBoss - dịch vụ trợ lý cá nhân ảo đầu tiên có mặt tại Indonesia.

Shahab Shabibi - nhà sáng lập, CEO của HeyKuya chia sẻ: "Chúng tôi biết Công ty có những hạn chế về nguồn lực và hiểu rằng thương vụ mua bán này vừa có thể phát triển HeyKuya, vừa giúp YesBoss phát triển kinh doanh đồng thời tiết kiệm chi phí marketing cho họ. Bây giờ, Công ty có thể tiếp cận đến nhiều doanh nghiệp, từ những tập đoàn logistics hùng mạnh cho đến cửa hàng pizza dưới phố".

Tuy nhiên, điểm mấu chốt vẫn là đem lại sự lựa chọn đa dạng cho khách hàng.

Ví dụ, nếu khách hàng đang tìm chỗ mua pizza, HeyKuya sẽ cung cấp nhiều cửa hàng bán pizza gần đó cho họ, kiểu như: "Theo thông tin [dẫn nguồn] này, thì cửa hàng [tên thương hiệu 1] có loại bánh pizza ngon tuyệt mà tôi có thể phục vụ bạn. Ngoài ra, còn có cửa hàng [tên thương hiệu 2] nhận được sự tín nhiệm của nhiều khách hàng và bạn sẽ được giảm 10% nếu mua tại đây. Bạn thích chỗ nào hơn?".

Shabibi cho biết hiện Công ty đang tập trung chia sẻ kiến thức cho thị trường và hoàn thiện sản phẩm. Anh nhận thức được rằng khả năng mở rộng công ty phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của ứng dụng này và việc bán lại HeyKuya cho YesBoss phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài của Công ty.

Trên trang Inc-asean, Shabibi chia sẻ 3 bài học phát triển công ty quan trọng dành cho các nhà khởi nghiệp mà anh rút ra được từ thương vụ mua bán trên:

1. Tìm đối tác có cùng mục đích

HeyKuya được xây dựng và nhận vốn đầu tư ban đầu từ quỹ Machine Ventures - nơi Shabibi là nhà đồng sáng lập - cùng một số nhà đầu tư tư nhân khác. Tuy nhiên, để phát triển kinh doanh, họ cần nhiều vốn hơn trong khi các công ty đối thủ trong khu vực cũng đang tìm kiếm điều tương tự. Thêm vào đó, Shabibi nhận ra anh cần chia sẻ kiến thức và công nghệ mới này cho nhiều startup khác nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng - điều mà HeyKuya không thể thực hiện được nếu chỉ có một mình.

"Mọi chuyện trở nên rất rõ ràng khi YesBoss cũng muốn chia sẻ những giá trị của họ cho chúng tôi và thấu hiểu đích đến mà cả hai cùng nhắm tới", anh nói.

2. Đừng biến mình thành kẻ yếu

Shabibi cho biết, ngay từ giai đoạn đầu đàm phán, nhà khởi nghiệp cần vứt bỏ suy nghĩ rằng công ty bị mua lại sẽ yếu thế hơn, bởi mục đích sau cùng mà hai bên nhắm tới chỉ đơn thuần là kinh doanh. Bạn cần chứng minh rằng công ty đã đưa ra những đề xuất giá trị đúng đắn.

Riêng với HeyKuya, Shabibi chỉ ra 3 giá trị mà công ty hướng đến: 1/ HeyKuya phải cung cấp những kiến thức và công nghệ gì. 2/ YesBoss cần biết những gì. 3/ Họ có thể đạt được những gì khi hợp tác với nhau.

"Bây giờ chúng tôi là một nhà lãnh đạo thị trường, không chỉ tại Philippines mà còn cả Indonesia, và có tận hai nguồn lực để sử dụng, phục vụ cho hoạt động kinh doanh và phát triển công nghệ - những thứ giúp chúng tôi chạm đến tương lai", anh nói.

3. Không để hoạt động "rà soát đặc biệt" cản trở hoạt động kinh doanh

Shabibi chia sẻ: "Tôi thấy rất nhiều doanh nhân bỏ nhiều công sức cho việc huy động vốn và quy trình rà soát đặc biệt mà thực sự quên đi việc quan trọng cần làm là xây dựng công ty". 

Anh cho biết, dù chính HeyKuya là bên khởi xướng đàm phán với YesBoss nhưng Công ty cũng yêu cầu rằng quá trình đàm phán không được làm gián đoạn hoạt động hàng ngày của HeyKuya - ngay cả khi họ đang trong giai đoạn rà soát đặc biệt.

Rà soát đặc biệt ((Due Diligence) là quá trình cung cấp những số liệu chính xác nhất về hoạt động, hiệu quả của công ty, để bên mua xác định giá trị của công ty và nhận diện những rủi ro hiển hiện hoặc tiềm ẩn.

Đa số các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) hiện nay gặp thất bại là do các bên thiếu thông tin cần thiết, chẳng hạn họ mua - bán cái gì, giá bao nhiêu, trình tự và thủ tục như thế nào... Để trả lời cho các câu hỏi đó, các bên, đặc biệt là bên mua, cần nhận được thông tin đầy đủ và chính xác. Đó là cơ sở cho hoạt động rà soát đặc biệt.

Shabibi cho biết thêm, anh đã gặp may mắn khi biết rằng YesBoss cũng muốn mọi việc tiển triển nhanh chóng và sớm kết thúc thương vụ.

"Nếu bên thâu tóm muốn công ty của bạn hạn chế hoạt động chỉ để vượt qua giai đoạn rà soát đặc biệt thì có lẽ bạn nên suy nghĩ về quyết định bán lại công ty", anh chia sẻ.

>Mặt trái của các thương vụ M&A Việt

>Xu hướng mua bán sáp nhập sẽ tập trung vào ngành nào?

> “M&A không phải là thâu tóm"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bán công ty: 3 bài học từ nhà sáng lập startup HeyKuya
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO