Gần 800 doanh nhân Việt Nam được cấp giấy phép hoạt động tại Lào trong tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, ông Trần Bảo Giám - Tham tán Công sứ Việt Nam tại Lào - cảnh báo các doanh nghiệp (DN) nên xem xét kỹ nội lực khi quyết định có nên "đi ra bên ngoài" hay không?
Đọc E-paper
* Lào là một trong những thị trường các doanh nhân Việt tập trung đầu tư theo đề án "Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài" của Chính phủ năm 2009. Ông nhận định thế nào về tình hình đầu tư của các DN Việt tại thị trường này?
- Lào là quốc gia đứng đầu trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam. Hiện tại, có khoảng gần 800 doanh nhân Việt Nam (gồm cả doanh nhân là Việt Kiều) được cấp giấy phép hoạt động tại Lào trong tất cả các lĩnh vực.
Những năm gần đây, hoạt động của các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào tăng cả về số lượng, chất lượng và quy mô dự án, được Chính phủ Lào ghi nhận và đánh giá cao.
* Lào là một trong những thị trường truyền thống của nước ta, nhưng mức đầu tư của DN Việt tại đây không cao, quan hệ thương mại chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Theo ông, tại sao có thực trạng này?
- Thực ra, việc kết nối hai nền kinh tế cả về thể chế, cơ sở hạ tầng còn chậm, đang trở thành nút nghẽn trong phát triển hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Năng lực của một số nhà đầu tư vẫn là vấn đề phải bàn nếu nhìn vào một số dự án chậm tiến độ, phải gia hạn nhiều lần hay những dự án hiệu quả chưa cao, chất lượng chưa tốt.
Bên cạnh đó, sự phối hợp trong quản lý nhà nước giữa các cơ quan chưa chặt chẽ, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư cũng như uy tín của chủ đầu tư, việc tạo điều kiện cho hàng hóa, vật tư, phương tiện và người qua lại biên giới hai nước chưa thực sự thông thoáng, còn nhiều phiền hà cho DN. Mô hình kiểm tra, kiểm soát "Một cửa, một điểm dừng" mới được triển khai ở một cửa khẩu. Mô hình này cần được triển khai thêm ở các cửa khẩu khác.
* Cộng đồng ASEAN đã hình thành, theo ông, giải pháp nào có thể xử lý những tồn tại cũng như tăng được đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Việt vào Lào trong tình hình mới?
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số vốn Việt Nam đầu tư vào Lào đạt khoảng 5,28 tỷ USD (đã cấp phép cho 262 dự án), trong đó vốn của nhà đầu tư Việt Nam là 4,97 tỷ USD. |
- Tôi cho rằng, cần khởi động lại mối quan tâm về đầu tư của Việt Nam vào Lào. Chính phủ cần khuyến khích, ưu tiên sử dụng hàng hóa, vật tư, máy móc thiết bị và dịch vụ của DN Việt Nam trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Lào.
Hiện tại, các DN Việt Nam đang hoạt động đầu tư tại Lào đóng góp không nhỏ cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Lào. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu và sắt thép của các công ty xăng dầu, công ty sản xuất sắt thép Việt Nam tại Lào chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào.
Nếu như năm 2011 là 42,4%, năm 2012 là 49%, năm 2013 là 45,58%... thì 11 tháng đầu năm 2015 là 40,7%. Ngoài ra, còn các mặt hàng phân bón, cáp điện, nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, lương thực thực phẩm phục vụ thực hiện các dự án khác.
Các ngành liên quan tiếp tục thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào. Thời gian qua, Chỉ thị này đã mang lại hiệu quả nhất định, nhưng cần tổ chức triển khai mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, thúc đẩy hơn nữa việc tuyên truyền, giúp DN có đầy đủ thông tin về luật pháp, chính sách đầu tư hiệu quả vào thị trường này, như sớm tuyên truyền, phổ biến Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào (ký tháng 3/2015) và Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào (ký tháng 6/2015); thiết lập hệ thống phân phối hàng hóa, trung tâm xúc tiến thương mại tại Lào nhằm giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh.
* Cảm ơn ông!
>Thị trường Kuwait: Cơ hội kinh doanh và những điều cần biết
>Văn hóa kinh doanh Hàn Quốc