Khó với nguyên liệu sản xuất

Minh Hào| 10/11/2021 01:30

Trở lại sản xuất, doanh nghiệp (DN) lại phải đối diện với những khó khăn mới, đặc biệt là việc đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên nhiên liệu ồ ạt tăng cao.

Giải quyết ba cái khó của doanh nghiệp khi trở lại sản xuất

Tưởng sẽ "dễ thở" khi trở lại sản xuất, kinh doanh sau giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhưng không, doanh nghiệp (DN) lại đối diện với những khó khăn mới khi thiếu hụt lao động, cạn kiệt nguồn tiền và nhiều loại chi phí tăng cao.

Giá nguyên nhiên liệu liên tục tăng

Ông Phan Văn Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng. Cụ thể, đơn vị cung cấp lon đóng hộp đã tăng giá từ 15-30%, hương phụ liệu tăng 20%. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn do Covid-19 đã khiến nhiều loại nguyên liệu nhập khẩu tăng giá.

"Dù giá tăng nhưng nhà cung cấp vỏ hộp đóng lon không cam kết đủ số lượng theo đơn đặt hàng dài hạn của chúng tôi mà sẽ giao theo từng tháng. Họ bảo khó cam kết được vì phải phụ thuộc đầu vào sản xuất. Sức mua yếu, giá xăng dầu tăng cao, Vissan lại tham gia bình ổn giá thị trường nên phải gồng mình gánh thêm chi phí", ông Phan Văn Dũng chia sẻ.

Ông Bùi Thanh Tùng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido cũng cho biết công ty đang gặp khó về nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, giá dầu từ mức 14.000 đồng/kg nay đã tăng lên 32.000 đồng/kg, tăng hơn 100%. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động của DN cũng tăng cao do dịch bệnh đã tác động đến giá thành sản phẩm. 

Cũng theo ông Bùi Thanh Tùng, khi DN sản xuất "ba tại chỗ", chi phí quản lý tăng 12-15% so với bình thường. Đã vậy, khi xăng dầu tăng giá, chi phí vận chuyển, logistics cũng tăng đáng kể, tạo áp lực tăng giá hàng hóa lên DN. 

Không bị áp lực sản xuất cuối năm nhưng DN ngành gỗ cũng chịu sức ép rất lớn từ nguyên liệu sản xuất. Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), hiện có 95% DN ngành gỗ trở lại hoạt động nhưng cũng chỉ mới hoạt động với khoảng 70-75% lao động. Nhiều DN còn thiếu lao động, kể cả lao động văn phòng, lao động gián tiếp.

Hiện, nguyên liệu sản xuất đồ gỗ đều tăng giá. Trong đó, gỗ tràm, cao su tăng 10-20%, gỗ nhập tăng từ 30-60%. Sơn cũng tăng giá mạnh vì sản phẩm này tăng theo giá dầu (sản phẩm dùng dung môi, hóa chất, phụ gia). Các nhà cung cấp đã báo giá tăng một số nguyên liệu trong tháng 11 này và sẽ tiếp tục tăng trong đầu năm sau. Các nguyên liệu khác như bao bì, sắt, thép giá cũng tăng mạnh.

DN-kho-khan-6355-1636514624.jpg

Hãm cơn sốt giá

Trước áp lực tăng giá nguyên nhiên liệu, DN đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm kéo giãn việc hình thành mặt bằng giá trong thời gian tới. Trong đó, Kido tìm cách quay vòng nhanh hàng hóa, quản lý hiệu quả vận chuyển hàng hóa. "Công ty đẩy mạnh việc đưa sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại song song với việc mở rộng bán hàng qua kênh thương mại điện tử để giảm chi phí, hạ giá thành", ông Bùi Thanh Tùng cho biết. 

Để thu hút lao động, từ đầu tháng 10, Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đã tăng lương 10-20% cho công nhân. Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho hay: "Chúng tôi cần tuyển thêm công nhân nữa nhưng do sức mua yếu, thị trường phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh nên đành phải tạm ngưng".

Ông Nguyễn Chánh Phương cho biết, hiện nay đơn hàng cho ngành gỗ khá nhiều nhưng để giảm áp lực tăng giá, DN đang cơ cấu lại ngành hàng, đơn hàng, thậm chí là khách hàng, phải chọn những khách hàng có thanh khoản tốt, ký những hợp đồng ngắn hạn (3-6 tháng) hoặc ký với số lượng hạn chế. 

Không chỉ đưa ra giải pháp ngắn hạn, các DN ngành gỗ đang tính đến phương án đường dài. "Để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, nhiều DN trong ngành đang tính đến phương án vay vốn ngân hàng để đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, việc đầu tư chỉ có thể thực hiện được trong năm 2022. Hiện tại, do sức mua trong nước không cao, trong khi đó, ngành gỗ xuất khẩu phục vụ mùa Noel đã không còn kịp", ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ về các giải pháp của DN gỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khó với nguyên liệu sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO