Khi ngành “công nghiệp không khói” nghênh đón các tỷ phú thế giới

Nguyễn Văn Mỹ| 31/01/2020 06:00

Nhiều tỷ phú trên thế giới đã đến Việt Nam du lịch, tổ chức đám cưới, tham dự sự kiện... Ngành du lịch Việt Nam có thêm cơ hội quảng bá vẻ đẹp duyên dáng của quê hương, nhưng thực tế vẫn cần nỗ lực hơn nữa để có thể khai thác các tour đặc biệt này.

Khi ngành “công nghiệp không khói” nghênh đón các tỷ phú thế giới

Những vị khách sang trọng

Tháng 5/2019, một số nông dân miệt vườn ở Cần Thơ bất ngờ đón một vị khách đặc biệt: tỷ phú người Anh Joe Lewis - ông chủ của đội bóng Tottenham Hotspur đang thi đấu ở Giải ngoại hạng Anh. Tỷ phú Joe Lewis đã trải nghiệm những cảm giác thú vị như xay bột, làm bánh khọt, du ngoạn sông nước ở miền Tây...

Trong thời gian ở Việt Nam, Joe Lewis đã sử dụng du thuyền Aviva (dài 98m trị giá 150 triệu USD) tham quan nhiều thắng cảnh như Hạ Long (Quảng Ninh), Bà Nà (Đà Nẵng), Hội An (Quảng Nam), Phú Quốc (Kiên Giang), TP.HCM, Cần Thơ, trong hành trình khám phá nét văn hóa đặc sắc của nhiều vùng miền ở Việt Nam.

4-1-1543-1579690668.jpg

Nhưng ồn ào hơn cả là đám cưới siêu sang của tỷ phú Ấn Độ, cô dâu Kaabia Grewal và chú rể Rushang Shah diễn ra tháng 3/2019 ở đảo ngọc Phú Quốc. JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay đã vinh dự được chọn làm địa điểm tổ chức tiệc cưới đặc biệt này. 

Năm 2015, tỷ phú người Singapore là Brian và cô dâu Jocelin sau khi tổ chức lễ cưới tại đảo quốc sư tử đã chọn Đà Nẵng làm điểm đến cho lễ cưới thứ hai kết hợp du lịch. Khu nghỉ dưỡng được cặp đôi này lựa chọn là InterContinental Danang Sun Peninsula Resort. 

Một năm sau (2016), người đứng đầu chuỗi nhà hàng cao cấp tại Hồng Kông - tỷ phú John Liang cũng chọn InterContinental Danang Sun Peninsula Resort để làm đám cưới với cô dâu Janice Ho. Các đám cưới như thế này, không chỉ là chuyện trong nhà của “quan viên hai họ” mà còn tốn nhiều giấy mực của báo chí, truyền thông quốc tế.

Nhiều tỷ phú, chính khách, những gia đình sao nổi tiếng thế giới... cũng chọn Việt Nam làm điểm đến cho một kỳ nghỉ riêng tư và đặc biệt của họ. Cuối năm 2011, nhà sáng lập của Facebook, tỷ phú trẻ tuổi Mark Zuckerberg cùng bạn bè bất ngờ chọn Việt Nam cho kỳ nghỉ Giáng sinh. Cuối năm 2012, tỷ phú người Mỹ, George Soros cùng gia đình cũng du lịch Hà Nội nhân kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới.

Còn tham dự sự kiện thì có khá nhiều tỷ phú nổi tiếng thế giới đã đặt chân đến Việt Nam. Cuối năm 2013, cả thế giới từng ồn ào khi hàng chục chuyên cơ khủng của các chính khách, tỷ phú thế giới đến Đà Nẵng để tham gia hội nghị tài chính quốc tế (họp kín) tại InterContinental Danang Sun Peninsula Resort. Còn có thể kể những lần các tỷ phú đến Việt Nam dự các sự kiện khác như Richard Branson (Anh) năm 2015, Jack Ma (Trung Quốc) năm 2017...

3-2-2539-1579690668.jpg

Rất mừng là các sự kiện, tour VIP (Very Important Person) đều thành công, mở ra tiềm năng to lớn cho phân khúc thị trường này. Với những khách này, giá tour bao nhiêu không quan trọng. Vấn đề là sự hài lòng.

Các tỷ phú Mỹ, châu  Âu và những nhân vật nổi tiếng thường chọn sự yên tĩnh cho cá nhân và gia đình. Tiêu chuẩn riêng tư được đặt lên hàng đầu bên cạnh đẳng cấp dịch vụ. Càng gần gũi thiên nhiên và thân thiện với môi trường càng tốt.

Họ tối kỵ các khối nhà bê tông, đám đông và sự ồn ào. Tỷ phú các nước Trung Đông, châu Á, nhất là Ấn Độ thì ngược lại. Trong những xã hội mà sự giàu có liên quan phẩm chất xã hội, các tỷ phú thích chứng tỏ đẳng cấp và muốn được nhiều người thừa nhận. Họ dám thuê cả cruiser hay chuyên cơ, bao trọn resort có bãi biển riêng, để tổ chức sự kiện riêng của gia đình. 

Kỳ vọng mới với tour VIP

Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của giới nhà giàu, chính khách và tỷ phú thế giới. Đây là thị trường hẹp, phân khúc thành những nhóm khách khác nhau, thể hiện qua lối sống cũng như cách chi tiền.

Có nhóm thích tiện nghi xa hoa, hình ảnh lộng lẫy, phô trương công chúng. Có nhóm muốn tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ, khác lạ so với cuộc sống hằng ngày. Có nhóm thích tận hưởng sự sang trọng và các dịch vụ độc, lạ. Có nhóm thích sự tĩnh lặng và biệt lập tuyệt đối. 

Nét chung của các nhóm là sự độc đáo, mới lạ, đẳng cấp và thân thiện. Tùy theo nhóm khách mà có sản phẩm tương ứng và đồng bộ. Không chỉ là lưu trú và ăn uống mà còn vận chuyển, tham quan, giải trí, mua sắm, môi trường sống, an ninh xã hội. Chất lượng nhà tổ chức và hướng dẫn viên là những nhân tố quan trọng, quyết định sự thành công của tour VIP. 

1-1-7645-1579690668.jpg

Trong quy hoạch du lịch vùng, cần tính tới những dịch vụ này cho các địa phương có điều kiện. Không thể làm tour VIP đại trà, kiểu phong trào. Nên tận dụng các cơ ngơi hoành tráng, có ý nghĩa văn hóa lịch sử để làm du lịch VIP. 

Nhà nước cần có những chính sách cụ thể để khuyến khích loại hình xuất khẩu tại chỗ của du lịch VIP. Có thêm những khuyến mại ý nghĩa và đặc trưng.

Chẳng hạn, những tour VIP, sự kiện có doanh thu cao sẽ được tặng quà lưu niệm của lãnh đạo ngành, địa phương và cấp kỷ niệm chương của du lịch Việt Nam... Từ những sự kiện này, ngoài việc hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được quảng bá hiệu quả, còn là dịp rất tốt để kết nối cơ hội kinh doanh giữa các địa phương Việt Nam với thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi ngành “công nghiệp không khói” nghênh đón các tỷ phú thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO