![]() |
Việc phát triển thị trường nội địa không chỉ là giải pháp bù đắp cho sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu, Garmex Sài Gòn còn nghĩ đến những điều xa hơn.
![]() |
Trong bối cảnh thị trường nước ngoài gặp khó khăn chồng chất, Garmex Sài Gòn đã tìm về với thị trường nội địa trong khi vẫn tìm kiếm khách hàng mới bên ngoài phục vụ xuất khẩu. |
Nếu năm 2010, Công ty Cổ phần May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn, GMC) phải từ chối đơn hàng do quá nhiều thì năm nay, những khách hàng lớn thân thiết tại thị trường châu Âu vốn có nhu cầu áo khoác rất lớn lại đang ngập ngừng chưa đặt đơn hàng mới. Thậm chí, một khách hàng lớn dù đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Garmex Sài Gòn trong 3 năm nhưng lại sẵn sàng đền bù tiền phá hợp đồng và không tiếp tục đặt hàng thêm trong năm nay. Đây đều là những nguồn khách hàng lớn khó thay thế của Công ty.
Xoay xở tìm đơn hàng xuất khẩu
Ngay khi thị trường xuất khẩu có dấu hiệu giảm sút, Garmex Sài Gòn phải tìm kiếm thêm khách hàng mới để bù đắp. Công ty đã chủ động tìm đến làm việc với một công ty bán lẻ lớn tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng 8.2011. Khách hàng này cũng đang tính đến phương án làm việc lâu dài với Garmex Sài Gòn vì họ đang có kế hoạch mở rộng ở Việt Nam.
Garmex Sài Gòn cũng đang làm việc với một khách hàng khác tại Nga đang quan tâm đến thị trường Việt Nam, nhằm tận dụng cơ hội để tiếp cận thị trường Nga rộng lớn. Theo Garmex Sài Gòn, doanh thu của nhãn hàng này đạt 150 triệu USD vào năm 2010 và có đến 70% sản phẩm của họ bao gồm các loại hàng may mặc đang được sản xuất tại Trung Quốc, Bangladesh và Pakistan.
Bên cạnh đó, Garmex Sài Gòn vừa tiếp cận với một công ty con phụ trách tìm nguồn cung ứng của chuỗi siêu thị nổi tiếng ở Đức, để tìm kiếm cơ hội. Đại diện công ty Đức này cho biết đang có tham vọng sẽ tăng tổng số siêu thị tại châu Âu lên đến 1.600 và dự kiến sẽ mang lại mức doanh thu khoảng 9 tỉ euro. Nếu thỏa thuận thành công, áo khoác của Garmex Sài Gòn sẽ xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.
Tìm về thị trường nội địa
Song song với việc tìm kiếm thêm khách hàng mới ở nước ngoài, GMC còn tham gia vào thị trường nội địa với quyết định hợp tác với nhãn hiệu Blue Exchange. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Garmex Sài Gòn, cho rằng Blue Exchange có hệ thống 140 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc và chỉ riêng năm 2010, doanh thu đã đạt 600 tỉ đồng. Thêm vào đó, quy trình mua đứt bán đoạn, không phải lo chi phí tồn kho, mặt bằng, nhân viên nên nếu có tác động xấu từ thị trường thì Garmex Sài Gòn không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, bài học năm xưa đã khiến Garmex Sài Gòn cẩn trọng hơn. Với thương hiệu Saga ra đời năm 1997-1998, Garmex Sài Gòn vất vả xây dựng đại lý nhưng đến 2004 vẫn không có lợi nhuận. Kết quả là Saga đã đóng cửa do không có kinh nghiệm xây dựng thương hiệu và lượng hàng tồn kho quá lớn. “Mua đứt bán đoạn” là tiêu chí mà Garmex Sài Gòn chọn khi hợp tác cùng Blue Exchange lần này. Từ lúc đưa ra chiến lược cho đến khi thực hiện chỉ diễn ra trong 3-4 tháng. Hai bên đã ký một đơn hàng giao trong 4 tháng với trị giá 130 tỉ đồng.
![]() |
Với 700 tỉ đồng xuất khẩu và 130 tỉ đồng tiền gia công nội địa, Garmex Sài Gòn đã hoàn thành chỉ tiêu trong năm nay, với tỉ suất lợi nhuận đạt 45-50 tỉ đồng. Đến năm 2012, GMC dự kiến sẽ nâng mức doanh thu trên 1.000 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu thương mại và dịch vụ chiếm 20%.
Ngoài vệc lấy thị trường nội địa làm giải pháp bù đắp cho sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu, cái đích Garmex Sài Gòn nhắm đến còn xa hơn nhiều. Với hệ thống văn phòng của Blue Exchange đặt tại Hồng Kông, Garmex Sài Gòn được sử dụng văn phòng này làm nơi giao dịch tìm kiếm nhà cung cấp nguyên phụ liệu cho Garmex Sài Gòn và phát triển hệ thống bán lẻ tại thị trường quốc tế.
Ngoài việc sản xuất cho Blue Exchange, hai bên cũng sẽ mở rộng hợp tác đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối khác. Theo đó bước đầu tiên sẽ là sản xuất hàng mang nhãn của bên mua, trên sản phẩm chỉ ghi là sản xuất tại GMC. Bước kế tiếp là tự phát triển mẫu, chào hàng cho khách, sản phẩm mang nhãn của Garmex Sài Gòn. Và bước thứ ba là trở thành nhà sản xuất chuyên nghiệp, có những mẫu thiết kế riêng để bán qua các hệ thống phân phối bán lẻ từ cửa hàng đến siêu thị, trung tâm thương mại… Hai khâu quan trọng mà Garmex Sài Gòn mới đầu tư mạnh trong 2 tháng qua là thành lập đội ngũ thiết kế và phát triển nguyên phụ liệu.
Để chuẩn bị cho sự phát triển của thị trường nội địa, Garmex Sài Gòn cho biết sẽ đầu tư thêm 6 dây chuyền may vào năm 2012 tại Vũng Tàu. Công ty cũng thành lập nhà máy Tân Bình liên kết giữa Garmex Sài Gòn và Blue Exchange tại Quảng Nam để nâng cao năng lực sản xuất vào năm sau.