Triển lãm giới thiệu sản phẩm thủ công "Những thiết kế từ Kyoto" diễn ra vào sáng 9/5 tại TP.HCM là một trong chuỗi sự kiện nhằm đưa văn hóa Nhật ra thế giới. Ý tưởng triển lãm là của năm người trẻ nhiệt huyết, những nghệ nhân trong ngành nghề truyền thống về mỹ nghệ, đan lát hay dệt may, khát khao vực dậy ngành thủ công Kyoto đang "ngủ quên".
Từ chiếc thắt lưng Kimono Sản phẩm thủ công Nhật Bản. Ảnh: C.T
Nhân dịp Kỷ niệm năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản 2013, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam hợp tác với Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM và Vietnam Design House tổ chức một chuỗi các sự kiện có tên gọi "Đồ thủ công Nhật Bản: Những thiết kế từ Kyoto" tại Hà Nội và TP.HCM.
Trưng bày ở triển lãm là những mẫu thiết kế vải, hàng gia dụng, gốm sứ... của một nhóm các nghệ nhân trẻ, những người thừa kế sự nghiệp làm đồ thủ công truyền thống của gia đình tại Kyoto.
Mỗi sản phẩm được trưng bày đều gửi gắm tinh thần văn hóa của đất nước Mặt trời mọc, nhưng điều đáng chú ý là trên nền văn hóa ấy, các nghệ nhân đã kết hợp với các thương hiệu thời trang hàng đầu tại kinh đô thời trang Milan để tạo nên những chiếc áo vest sang trọng với chất liệu và hoa văn thường thấy ở những chiếc thắt lưng Kimono.
Người Nhật nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu sử dụng các sản phẩm thủ công tỉ mỉ và sự trân trọng công sức các nghệ nhân của người châu Âu. Tiêu biểu như hoa văn ở trang phục quân đội đang được các thị trường thời trang cao cấp ưa chuộng được tạo ra bởi kỹ thuật dệt truyền thống Nishijin.
Ông Masataka Hosoo, Giám đốc Thương hiệu của Hosoo Co., Ltd., nhận ra Kimono vốn là quốc hồn, quốc túy của Nhật Bản, phục vụ cho người Nhật hơn 1.000 năm nay và chỉ xuất hiện trong nước. Mang tinh túy ấy trải rộng ra thị trường thế giới, Masataka sở hữu chiếc chìa khóa vàng mở cánh cửa rộng lớn ra bên ngoài.
Ông cho biết, ở Kyoto có đến 3.600 ngành nghề thủ công, nơi còn nhiều nghề thủ công tồn tại nhất đất nước Mặt trời mọc. Nhưng thực tế là thủ phủ làng nghề thủ công Nhật đang vào buổi "hoàng hôn chợ chiều", nghệ nhân gặp không ít khó khăn.
Ở một góc độ khác, 3.600 ngành nghề ấy còn là một ẩn số thú vị với thế giới, là tiềm năng để họ tận dụng. Bà Noriko Kawakami, nhà báo chuyên về lĩnh vực thiết kế và đồng thời là Phó giám đốc của 21_21 Design Sight, nhận xét: "Đây là cơ hội rất lớn, vấn đề là các doanh nghiệp có nhận ra giá trị cạnh tranh thực sự của các sản phẩm địa phương hay không".
Đến tà áo dài Việt
Đây là câu chuyện không chỉ của Nhật mà còn của các nước châu Á với truyền thống lâu đời của các làng nghề thủ công. Dọc đường từ Bắc vào Nam, như Giám đốc Hosoo chia sẻ, Việt Nam có tiềm năng là các làng nghề thủ công như thổ cẩm, gốm... rất đặc sắc cộng với bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, chỉ là chúng ta còn chưa khai thác một cách hiệu quả.
Ý tưởng từ công ty địa phương liên kết với bên ngoài, thành lập doanh nghiệp để mở rộng thương hiệu, giới thiệu giá trị văn hóa rất đáng để thử nghiệm.
Tham dự triển lãm, ông chủ một cơ sở sản xuất quần áo thêu tay ở Bình Dương trăn trở: "Việt Nam thật sự chưa có nhiều cơ hội để giao thương, chưa tìm được tiếng nói chung để kết hợp giữa các ngành nghề thủ công như ở Nhật".
Vấn đề giữ được bản sắc, khi tiến ra thế giới thật sự khiến các nhà tiên phong phải cân nhắc. Ví như các sản phẩm dệt của Nhật hoa văn biến đổi nhiều để phù hợp với thị hiếu thời trang, chủ yếu giữ lại kỹ thuật tạo ra sản phẩm.
Nhưng đây lại là cơ hội quý để giới thiệu mình và kết hợp với các thương hiệu hàng đầu nên rất đáng giá. Ông Hosoo chia sẻ: "Nếu cứ tự đóng khung mình, dè dặt thì sẽ đánh mất cơ hội mở rộng ra các lãnh địa tiềm năng. Khi triển khai các kế hoạch trên toàn cầu cũng là thời điểm ta có cơ hội nhìn lại chính mình, xem giá trị của mình ở đâu rồi từ đó bảo tồn tốt hơn".
Cũng như Kimono, chiếc áo dài của Việt Nam mang trong mình câu chuyện văn hóa, nó cũng có cuộc đời riêng, tâm hồn riêng cần được đánh thức. Chiếc áo dài thật tuyệt vời, các chuyên gia văn hóa Nhật đều có sự hứng thú đặc biệt với chiếc áo truyền thống Việt Nam.
Nói như bà Noriko Kawakami, đằng sau tà áo dài là câu chuyện của chất liệu, dáng hình, đường thêu..., cần suy nghĩ thật tâm huyết sẽ bật ra những ý tưởng thú vị.
Trong khi kỹ thuật dệt Nishijin được cả thế giới ngưỡng vọng vì may mắn được đánh thức bởi những nghệ nhân tâm huyết, thì những sản phẩm dệt thổ cẩm đặc sắc của ta không biết đến bao giờ mới được sản xuất kết hợp với các thương hiệu thời trang, thoát khỏi tình trạng bán ở chợ manh mún?
Bao giờ chiếc áo dài mới được nâng lên một tầm mới? Bao giờ mới xuất hiện một thế hệ người Việt tiên phong lập nên những doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm mang bản sắc của riêng mình?