Khát vọng người lính

Nguyễn Loan| 13/05/2020 01:26

Tên tuổi của ông gắn liền với thương hiệu HPT trong suốt một phần tư thế kỷ qua và luôn ở vị thế những cánh “chim đầu đàn” ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam. Với ông, làm chủ công nghệ, dịch vụ là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp (DN) tồn tại và phát triển bền vững. Bất kể vận hội hay thử thách, khát vọng đổi mới, vươn lên của vị thuyền trưởng một thời mang áo lính luôn cháy bỏng. Ông là Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT.

Ong-Ngo-Vi-Dong-2-6291-1589343278.jpg

Ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT

* CNTT luôn có tốc độ phát triển nhanh và yêu cầu cao về sự sáng tạo, đột phá. Theo ông, tốc độ phát triển là cơ hội hay áp lực?

- CNTT đang ở giai đoạn phát triển rất nhanh. Nhìn ở góc độ kinh tế học, mỗi năm, ngành này đem lại doanh thu không dưới 1.000 tỷ USD trên toàn thế giới. Sức bật ấy trước hết phải kể đến đóng góp của CNTT truyền thống (bao gồm cơ sở hạ tầng, phầm mềm, dịch vụ viễn thông). Tuy nhiên, sự đột phá lại tập trung vào công nghệ mới, sản phẩm mới. Chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây.

Không nằm ngoài trào lưu chung, CNTT ở Việt Nam đang có những thay đổi mạnh mẽ. Điều dễ nhận thấy là hạ tầng viễn thông tăng trưởng tương ứng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong giai đoạn đã qua và luôn đòi hỏi đầu tư đúng mức để sức mạnh không bị suy giảm. Ở các nước phát triển, số tiền đầu tư phát triển công nghệ mới rất lớn, còn nước ta lại lấy ứng dụng làm chính, tức ứng dụng nhiều hơn phát minh. Khác biệt căn bản này cho thấy nước ta chưa có những tập đoàn đủ mạnh giữ vai trò dẫn dắt thị trường.

Text-2-8679-1589358259.jpg

CNTT thay đổi quá nhanh cũng có thể biến kinh nghiệm của hôm qua thành lỗi thời hôm nay. Sức trẻ giàu sáng tạo nhưng thiếu bề dày kinh nghiệm. Thực tế này đòi hỏi DN phải liên tục đổi mới, nâng cấp để nắm bắt tốc độ phát triển công nghệ mới, dịch vụ mới. Đặc thù của DN CNTT là hoạt động càng lâu càng dễ bị “già”. Trải nghiệm là nền tảng nhưng lặp lại thì sẽ thất bại. Cho nên, DN CNTT phải luôn làm mới mình bằng cách cập nhật kiến thức, làm chủ công nghệ mới và đầu tư đào tạo nguồn nhân lực.

* “Đổi mới - Sáng tạo - Quyết liệt - Hành động” là slogan của HPT. Ông có thể cho biết so với 25 năm qua, tinh thần đổi mới, sáng tạo của HPT có những bước đột phá nào?

- Năm 2020 là dấu mốc quan trọng của HPT bởi tròn 25 tuổi. Chặng đường một phần tư thế kỷ tồn tại và phát triển của một công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực mang tính thời đại chuyển đổi số với trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn với sự cạnh tranh khốc liệt, làm thay đổi mọi mặt của đời sống nhân loại như HPT đã là một thành công. Cuộc cạnh tranh “ai thắng ai” hiện nay gần như phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ, vào Internet.

Một phần tư thế kỷ khẳng định con đường chúng tôi đã đi - con đường lao động và phấn đấu mà HPT đã đóng góp cho xã hội, cho đất nước và cho chính những thành viên công ty là niềm tự hào. HPT đã lớn mạnh, đã tạo dựng được bản sắc riêng và luôn tin vào tương lai công ty gắn liền với tương lai của đất nước. Ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình phát triển, tinh thần “Đổi mới - Sáng tạo - Quyết liệt - Hành động” vẫn là mục tiêu phấn đấu và là động lực để HPT lớn mạnh hơn.

Tầm nhìn chiến lược không dễ gì thực hiện thành công nếu không có quyết tâm và biết cách biến quyết tâm thành hành động thực tiễn. Kế hoạch cụ thể phải đi đôi với những giải pháp công nghệ, kỹ thuật và phương thức quản trị khôn ngoan, phù hợp. Hai mươi lăm năm qua chúng tôi đã có va vấp, đã nếm trải không ít thất bại mới có được thành công. Thành công hôm nay vẫn phải đối mặt với môi trường kinh doanh luôn biến động, đòi hỏi mỗi cá nhân và cả đội ngũ không được phép dừng lại.

* Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra từng ngày trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. HPT đã bắt đầu hành trình đó cho chính mình và cho khách hàng như thế nào, thưa ông?

- Vấn đề đặt ra là làm sao nắm bắt được cái mới, tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, phòng ngừa rủi ro trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh và nhiều thách thức. Định hướng của HPT là bám sát thị trường, không ngừng đổi mới, tăng cường hợp tác quốc tế, luôn giữ vai trò là DN CNTT hàng đầu ở Việt Nam, từng bước sánh vai với các công ty cùng ngành trong khu vực và trên thế giới. Trở thành công ty dịch vụ CNTT, truyền thông và phát triển phần mềm đẳng cấp quốc tế là mục tiêu song hành cùng khách hàng của HPT trong cuộc cách mạng chuyển đổi số đang diễn ra từng ngày. HPT phải làm chủ công nghệ, đáp ứng yêu cầu cao nhất của khách hàng và đòi hỏi của thị trường, tập trung phát triển ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực CNTT và luôn thấu hiểu sự phồn vinh của khách hàng là thành công của HPT.

Ong-Ngo-Vi-Dong-1-4186-1589343278.jpg

* Nguồn nhân lực luôn là vấn đề nóng bỏng đối với DN CNTT. Với HPT thì sao, thưa ông?

- Tôi tâm niệm rằng, bất kỳ tình huống nào cũng luôn xây dựng được đội ngũ chuyên gia CNTT có năng lực, có vị thế trên thương trường. Hiểu và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế phải đi đôi với công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề ngang tầm các công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Muốn vậy, người đứng đầu phải dành hết thời gian, tiền bạc và ý chí cho nó. Chỉ có thể bứt phá, chỉ có thể đạt được mục tiêu khi HPT đủ năng lực, đủ tri thức và kỹ năng vượt trội để phục vụ khách hàng, phục vụ các yêu cầu ngày càng cao của thị trường và cũng là đòi hỏi của sự phát triển chung của đất nước. Chỉ có một con đường duy nhất đi đến thành công là lao động trí óc cật lực để trở thành công ty có đội ngũ am tường công nghệ, thấu hiểu thị trường.

Tôi rất tự hào vì ở HPT, tuổi trẻ là trụ cột, là nòng cốt để thực thi các chương trình ứng dụng CNTT. Họ luôn nỗ lực học tập, nắm bắt công nghệ mới nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng và thị trường. Họ có nhiệt huyết, có khát vọng vươn lên chứng minh năng lực bản thân, và HPT luôn là bệ đỡ, là chỗ dựa cho các tài năng trẻ.

Tôi tự hào HPT có môi trường làm việc tốt, luôn tạo điều kiện để lớp trẻ phát triển tài năng, trí tuệ với tinh thần tự do cao nhất.

* Như ông nói, HPT đã trải qua không ít thất bại. Công ty rút ra được bài học nào từ những thất bại đó?

- Có ba bài học từ những thất bại mà HPT đã trải qua. Thứ nhất là thiếu người tài, thiếu đội ngũ lãnh đạo, quản lý giỏi, dù biết không dễ có nhiều người giỏi một lúc. Điều này càng đòi hỏi nguồn nhân lực phải có tinh thần học hỏi để đủ khả năng thực hiện các dự án. Thứ hai là thiếu tập trung. Thiếu tập trung bởi ôm đồm nhiều lĩnh vực trong khi lĩnh vực CNTT lại quá rộng lớn. Vì vậy, nhất thiết phải chọn một vài hướng đi cốt lõi, phải “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nếu muốn tồn tại trong thế giới cạnh tranh gay gắt hôm nay. Bài học thứ ba để tránh thất bại là biết động viên, chia sẻ và xây dựng đội ngũ thật tốt trong bất kỳ công việc hay  dự án nào. Dự án chỉ thành công khi có sự chung sức của tập thể. Vì thế, mỗi thành viên phải được cung cấp đầy đủ thông tin, điều kiện làm việc và trách nhiệm rõ ràng. Thành viên phải có tinh thần tập thể, năng lực làm việc nhóm và phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm tạo sự ủng hộ và giúp đỡ cần thiết.

* Ông có thể chia sẻ về quan điểm sống, triết lý kinh doanh?

- Theo tôi thì triết lý sống, triết lý kinh doanh phải được bắt đầu từ nền tảng văn hóa. Cho dù trong cuộc sống hay kinh doanh, mỗi người phải thành thật với chính bản thân mình, phải dũng cảm nhận ra những thiếu sót, sai lầm. Khi ở vai trò nhà lãnh đạo, nhà quản lý, người đứng đầu luôn biết cầu thị, phải là tấm gương cho cấp dưới noi theo. Người lãnh đạo phải sâu sát với cộng sự và nhân viên dưới quyền, thấu hiểu, đồng cảm, giúp đỡ họ vì sự nghiệp chung. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi con người hãy cố gắng là một công dân tốt, một người tử tế, có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng.  

* Đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, làm đảo lộn đời sống và sản xuất, kinh doanh, DN phải gánh chịu thiệt hại trực tiếp. Ông có đối sách nào để góp phần giúp đồng nghiệp qua giai đoạn khó khăn này?

- Covid-19 là thảm họa mang tính toàn cầu. Nhưng cá biệt có những DN sinh lợi, song đó là điều mà theo tôi họ không hề mong muốn. Nhìn tổng thể, ngành CNTT bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng lại mở ra cơ hội cho DN khai thác các ứng dụng công nghệ số, như thương mại điện tử, hệ thống truyền dẫn và chia sẻ phần mềm, giao diện... Trong khi nhiều dự án của các DN lớn bị chậm triển khai, lùi thời hạn, thậm chí phá sản thì một bộ phận DN nhỏ lại nắm bắt cơ hội triển khai nhiều dịch vụ CNTT.

Thương mại điện tử là lĩnh vực rất quan trọng và đang phát triển mạnh, nhưng ở Việt Nam, nó có sinh lời không lại là câu hỏi không dễ trả lời. Nếu đầu tư lớn, ví dụ đầu tư phần mềm quản lý kho hàng, logistics thì không đơn thuần là khai thác kinh doanh mà phải đảm bảo cơ sở hạ tầng, hậu cần, nhân lực. Cho nên điểm mấu chốt vẫn là quản trị DN. Phần mềm là yếu tố nền tảng, phục vụ khách hàng thế nào lại tùy thuộc vào quản trị. Muốn biết kết quả kinh doanh ra sao phải phân tích dữ liệu, phải có hệ thống quản trị thông minh, trí tuệ nhân tạo...  Đó là sự đầu tư rất lớn và cũng là thách thức không hề nhỏ đối với DN trong giai đoạn hiện tại. Nên tôi cho rằng, phải xác định mục tiêu khách hàng để hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp giúp DN tồn tại qua giai đoạn này rồi mới tính đến chiến lược phát triển.

* Người ta nói ông là “linh hồn” của HPT...  

- Hai mươi lăm năm phát triển và trưởng thành, chúng tôi tự hào và hạnh phúc vì đã tạo dựng nên một DN CNTT có uy tín, có thương hiệu, được khách hàng, đối tác tin tưởng. HPT hôm nay có cơ ngơi hiện đại, có nhiều chuyên gia giỏi, nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn ở phía trước, đòi hỏi phải nỗ lực hơn, tài giỏi hơn. Chúng tôi xác định phải kiên định với sứ mệnh để vững bước trên con đường nhiều thử thách phía trước. Tôi luôn có niềm tin tương lai tươi sáng sẽ thuộc về chúng tôi - những con người HPT biết sống và làm việc cho lợi ích chung và riêng.

Text-3-4797-1589358259.jpg

Không có bí quyết nào ngoài việc kiên trì với chiến lược kinh doanh sát đúng, thể hiện vai trò của một DN CNTT top đầu Việt Nam. Chúng tôi tiếp tục xây dựng công ty đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, xứng đáng là công ty tiên phong trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, trong chuyển đổi số và trong cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra khắp nơi.

Mặt khác, chúng tôi cần làm tốt trách nhiệm với những con người đang ngày đêm lao động vì sự nghiệp của HPT, phải tạo môi trường văn hóa kinh doanh gắn bó để mỗi thành viên đều phát huy được năng lực, chứng minh giá trị của mình. Họ xứng đáng có cuộc sống tinh thần, vật chất ngày một tốt hơn. Chúng tôi còn có trách nhiệm với cổ đông, những người đặt niềm tin vào HPT, sẵn sàng đầu tư cho sự phát triển của HPT. Hôm qua, hôm nay và cả mai sau, chúng tôi luôn ý thức trách nhiệm với khách hàng - những người đã góp phần làm nên HPT. Trong đó phải tự hào nói thêm rằng, HPT có nhiều khách hàng quan trọng nắm giữ những trọng trách xây dựng kinh tế và bảo vệ tổ quốc, khách hàng uy tín ở nước ngoài. Tôi cam kết rằng, HPT luôn nỗ lực vì sự phát triển của khách hàng, đối tác bằng thái độ cầu thị và sự hợp tác chân thành, cùng có lợi.

* Ông luôn tự hào vì sự lựa chọn mang tên HPT...

- Không chỉ riêng tôi mà mọi thành viên trong HPT đều tự hào, tin tưởng vào tương lai tốt đẹp mà chúng tôi đang bước tới. Ở đó, mọi người đều có sự lựa chọn cách sống và làm việc, là sự kết hợp hài hòa giữa khát vọng của cá nhân gắn liền với khát vọng của tổ chức, khát vọng vươn lên cùng đất nước. Tương lai của HPT là tương lai của con người HPT, của các cổ đông HPT và khách hàng, đối tác của HPT.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khát vọng người lính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO