Để được làm thủ tục nhanh, không phải đứng xếp hàng rồng rắn tốn thời gian, Vietjet và Bamboo Airways đã mở thêm dịch vụ PRCI với mức phí 100.000 đồng/khách/chặng nội địa. |
Ghi nhận của phóng viên tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 19/7, mặc dù khá đông người dân, du khách đứng xếp hàng để chờ làm thủ tục và qua cửa an ninh nhưng so với dịp cuối tuần trước, lượng khách không bằng. Ở một số quầy check-in tự động (dành cho khách không gửi hành lý) của các hãng hàng không, lượng khách tự làm thủ tục cũng không nhiều.
Tại khu vực làm thủ tục của Hãng Hàng không Vietjet, khách xếp 3 hàng đứng chờ tới lượt kéo dài rồng rắn ra tận khu vực nhân viên của hãng đứng hướng dẫn. Bạn trẻ Minh Khôi (22 tuổi) bay TP.HCM đi Huế nhưng sắp trễ giờ bay nên hỏi nhân viên hãng để nhờ hỗ trợ làm thủ tục nhanh.
Khách đứng xếp hàng dài để chờ tới lượt làm thủ tục tại quầy của hãng Vietjet. Ảnh: Nguyễn Nam chụp chiều 19/7. |
Theo chia sẻ của phía Hãng Hàng không Vietjet với Doanh Nhân Sài Gòn, dịch vụ làm thủ tục nhanh (PRCI) của Hãng đã áp dụng từ năm 2019. Theo đó, với mỗi khách hàng bay nội địa hoặc quốc tế, nếu có nhu cầu PRCI thì có thể đăng ký ngay trong quá trình đặt vé máy bay; mua trước giờ bay 3 tiếng (đối với mua online) hoặc tới sân bay liên hệ nhân viên Hãng để mua trực tiếp từ quầy làm thủ tục. Mức giá dịch vụ này là 100.000 đồng/khách/chặng đối với đường bay nội địa và 140.000 đồng/khách/chặng đối với chặng bay quốc tế, tất cả đều chưa tính thuế.
Tương tự, hãng Bamboo Airways cũng áp dụng cùng mức giá dịch vụ như trên (ngoại trừ sân bay Quy Nhơn không áp dụng dịch vụ này) và thời gian đặt dịch vụ ít nhất 4 tiếng so với giờ khởi hành dự kiến đối với chuyến bay quốc tế.
Sau khi đăng ký, khách hàng sẽ được nhân viên hướng dẫn đến quầy ưu tiên để làm thủ tục, chỉ mất khoảng vài phút để hoàn tất chứ không phải đứng xếp hàng để chờ đợi tới lượt, giúp rút ngắn được thời gian.
Tại quầy Bamboo Airways, nếu khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ làm thủ tục nhanh sẽ được hướng dẫn đến quầy dành cho hạng vé thương gia. Ảnh: Nguyễn Nam chụp chiều 19/7. |
Theo các hãng bay, dịch vụ này hiện chỉ áp dụng tại khu vực làm thủ tục của hãng, chưa triển khai ở các cửa an ninh, khởi hành. Khách có nhu cầu sẽ lựa chọn, trả phí và khoản này không mặc định trong thuế, phí cố định. Khi cung cấp dịch vụ này, phía hãng cân nhắc kỹ chi phí cũng như các quy định, để khách thấy thoải mái, tương xứng chi phí bỏ ra.
Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn, chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí cho rằng việc các hãng mở dịch vụ thu thêm tiền để làm thủ tục nhanh tại sân bay được hiểu như các bệnh viện thu phí dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.
“Bây giờ đi khám bệnh cũng có 2 cách: đóng tiền dịch vụ thì sẽ được đưa qua khu vực riêng, bác sĩ khám nhanh vì số lượng người bệnh có nhu cầu này ít, bệnh viện phối hợp với bác sĩ để thực hiện nhanh cho người bệnh; còn nếu đi khám bệnh theo hình thức thông thường (bảo hiểm) thì số lượng người đông nên phải chờ đợi”, ông Chí dẫn chứng và cho biết thêm, hàng không bán vé thường có rất nhiều dịch vụ lẻ lẻ.
Đang mùa cao điểm du lịch hè và nhu cầu đi lại của người dân sau dịch tăng cao nên lượng khách di chuyển bằng đường hàng không đã đông trở lại. Tuy nhiên, so với cuối tuần trước, lượng khách hôm nay ít hơn. Ảnh: Nguyễn Nam chụp chiều 19/7 tại khu vực ga quốc nội của sân bay Tân Sơn Nhất. |
Chẳng hạn đối với hãng bán vé trọn gói như Vietnam Airlines, khi khách mua vé thì tất cả các dịch vụ của cùng hạng vé sẽ được phục vụ như nhau; còn với các hãng giá rẻ, các dịch vụ lẻ đó, theo ông Chí sẽ được hãng chẻ nhỏ ra để kinh doanh, ngay cả vị trí chỗ ngồi trên tàu bay cũng đã được các hãng đưa ra bán.
“Điều này là do cơ chế quản lý”, ông Chí nói và dẫn chứng, chuyến đi Úc của bản thân ông, ngay từ khi làm thủ tục đã phải tự thực hiện (tự động). “Ai ra sân bay trước thì check-in trước, hoàn toàn bằng máy chứ không có nhân viên đứng quầy”, ông Chí nói và cho rằng, như vậy sẽ tạo được tính công bằng.
Trong khi đó tại Việt Nam, do nhiều người dân vẫn chưa biết cách sử dụng công nghệ nên cần phải có nhân viên hãng để hỗ trợ, hướng dẫn làm thủ tục. “Tất cả đều tính được thời gian nên dễ dàng quy thành tiền”, ông Chí nói và khẳng định, cuối cùng người sử dụng phải trả nhiều khoản chi phí.
Dòng khách xếp hàng chờ qua cửa an ninh để ra tàu bay. Ảnh: Nguyễn Nam chụp chiều 19/7. |
Đồng quan điểm này, một chuyên gia du lịch nổi tiếng (xin được giấu tên) tại TP.HCM cho biết thêm, có cung là có cầu. “Nếu xét theo khía cạnh kinh doanh thì hoàn toàn hợp lệ vì họ (các hãng hàng không - PV) làm những điều pháp luật không cấm”, vị này nói và cho biết, nhưng xét về mặt đạo đức nghề nghiệp thì “không được đẹp lắm vì dễ khiến khách hàng suy nghĩ nhân viên tại quầy thủ tục cố tình làm chậm để khách mua dịch vụ nhanh, gây nên sự bất bình đẳng giữa các khách hàng”.
Ngoài dịch vụ làm thủ tục có thu phí, các hãng hàng không còn cung cấp một số dịch vụ khác như hành lý trả trước, đón tiễn, bổ sung đặt suất ăn, mua hành lý ký gửi... khi khách có nhu cầu.