Được ký kết vào năm 2018, CPTPP là FTA lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương, với khoảng 500 triệu dân và chiếm 13,5% GDP toàn cầu |
Tuần trước, Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào, nước này đã gửi đơn xin gia nhập CPTPP tới Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor (New Zealand hiện là nước chịu trách nhiệm tiếp nhận đơn xin gia nhập CPTPP) và cả hai đã có cuộc điện đàm để thảo luận các bước tiếp theo.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương rằng, nước này "muốn cân nhắc" tham gia CPTPP. Theo quy định về thủ tục liên quan, các nền kinh tế muốn gia nhập CPTPP phải đáp ứng tiêu chuẩn của hiệp định, tuân thủ quy trình, thủ tục gia nhập đối với thành viên mới. Và, để được thông qua, Trung Quốc phải được sự nhất trí của tất cả 11 thành viên hiệp định.
Kịch bản khi CPTPP có thêm Trung Quốc
Việc chính thức làm thành viên CPTPP sẽ tạo ra lực đẩy lớn đối với Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế này đã ký tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm 2019. Nếu được chấp thuận gia nhập, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất CPTPP - yếu tố giúp củng cố tầm ảnh hưởng của nước này, giữa lúc Mỹ bị đánh giá ngày càng rời xa vị trí vốn có.
Tờ New York Times nhận xét, gia nhập CPTPP được xem là nỗ lực của Trung Quốc nhằm tìm cách lôi kéo các đồng minh truyền thống của Mỹ. Việc Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập khối diễn ra đúng một ngày sau khi Washington công bố quan hệ đối tác an ninh mới với Anh và Australia ở Ấn Độ - Thái Bình Dương với liên minh có tên AUKUS. Dù vậy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói, việc xin gia nhập CPTPP "hoàn toàn không liên quan" tới AUKUS.
Link bài viết
Được ký kết vào năm 2018, CPTPP là FTA thế hệ mới gồm các thành viên Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Với 11 nền kinh tế này, CPTPP là FTA lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương, với khoảng 500 triệu dân và chiếm 13,5% GDP toàn cầu.
Nếu Trung Quốc tham gia, về mặt lý thuyết CPTPP sẽ là FTA có quy mô gần 31% GDP và 35% thương mại toàn cầu. Điều này có thể giúp GDP, xuất khẩu và thu nhập của các thành viên tăng lên. Theo Báo cáo năm 2019 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), việc Trung Quốc gia nhập hiệp định sẽ giúp thu nhập thực tế toàn cầu tăng 632 tỷ USD/năm trong thập niên tới, tức tăng 485 tỷ USD/năm (0,57% GDP toàn cầu năm 2020) so với việc không có Trung Quốc.
Gao Lingyun - chuyên gia tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh đánh giá, gia nhập CPTPP là bước phát triển quan trọng với Trung Quốc trong việc thiết lập các thỏa thuận kinh tế và thương mại quốc tế, giúp đưa nước này vào vị trí tốt hơn trong việc quyết định các quy tắc thương mại. Trong khi RCEP đang được phê chuẩn và phần lớn tập trung vào châu Á, CPTPP có tầm ảnh hưởng rộng hơn về mặt địa lý, đồng nghĩa "việc gia nhập có thể mở rộng vòng kết nối bạn bè" về mặt thương mại.
Tuy nhiên, lợi ích từ việc Trung Quốc gia nhập CPTPP đối với các quốc gia thành viên trên thực tế có thể không rõ ràng như đã nêu trên. Nếu tham gia, thì với việc Trung Quốc là nước chuyên xuất khẩu và có năng lực rất lớn về mọi mặt, CPTPP có thể trở nên mất cân bằng và lợi thế cạnh tranh sẽ nghiêng về phía doanh nghiệp Trung Quốc.
Đồng thời, chuỗi cung ứng khu vực sẽ khó tái cấu trúc hơn khi DN các nước phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Đại diện các nước tham gia CPTPP chụp hình chung sau lễ ký Hiệp định ở Santiago, Chile vào ngày 8/3/2018 |
Trung Quốc khó được các thành viên sáng lập chấp thuận
Ngay sau khi Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập, đã có những quan điểm trái chiều giữa các thành viên CPTPP. Singapore và Malaysia, những nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Bắc Kinh, chào đón Trung Quốc. Ngược lại, Australia phản đối và cho biết chỉ chấp nhận khi Trung Quốc chứng minh được nước này "luôn tuân thủ" các hiệp định thương mại quốc gia và giải quyết xong bất đồng trong thương mại song phương. Nhật Bản cho biết cần xác định xem liệu Trung Quốc đã sẵn sàng "đáp ứng các tiêu chuẩn cực kỳ cao" của CPTPP hay chưa.
Được biết, trong quy chế xem xét gia nhập CPTPP, có yêu cầu về việc nước đó sẽ phải tham vấn song phương nếu 1 trong 7 nước thành viên là Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand và Việt Nam không đồng ý. Trong đó, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada có quan hệ mật thiết với Mỹ. Chưa kể, Australia vừa cùng Mỹ và Anh nâng cấp quan hệ thông qua liên minh AUKUS.
Link bài viết
Một rào cản nữa với Trung Quốc là Canada và Mexico, khi 2 nước này, với tư cách thành viên của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ mới (USMCA), có thể từ chối sự tham gia của Bắc Kinh theo một điều khoản của USMCA. Cụ thể, USMCA quy định không một nước thành viên nào được ký thương mại với các nền kinh tế "phi thị trường", trong khi Trung Quốc vẫn chưa đạt được sự thừa nhận tư cách này từ cả Mỹ và châu Âu.
Ngay sau khi Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc lại điều này: "Chúng tôi hy vọng, những hành động thương mại phi thị trường của Trung Quốc và việc Bắc Kinh sử dụng chính sách kinh tế cưỡng ép đối với các quốc gia khác sẽ là yếu tố quyết định liệu đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc có được phê chuẩn hay không".
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn với các tiêu chuẩn cao do CPTPP đặt ra, khi chúng không chỉ bao gồm việc xóa bỏ thuế quan mà còn cả các quy định về tiếp cận thị trường, quyền của người lao động. Thêm vào đó, CPTPP cũng có nhiều điều khoản chặt chẽ về vấn đề trợ cấp cho DN quốc doanh và các thỏa thuận mua sắm công khai của chính phủ, cho phép nước ngoài tham gia cạnh tranh.
Ví dụ, CPTPP kêu gọi chấm dứt phân biệt đối xử giữa công ty nước ngoài và nội địa trong hoạt động mua sắm chính phủ. Song, Bắc Kinh đã ban hành hướng dẫn "mua hàng hóa của Trung Quốc" thuộc hoạt động mua sắm của chính phủ đối với một số sản phẩm nhất định. Hướng dẫn này yêu cầu "nội địa hóa 100%" với hàng trăm sản phẩm thuộc hoạt động mua sắm chính phủ của nước này, tạo nên những rào cản mới đối với các nhà cung cấp nước ngoài.
"Khó có khả năng Trung Quốc đồng ý tuân theo yêu cầu của CPTPP, cũng như các nước thành viên khó lòng tin Trung Quốc tuân theo tiêu chuẩn dù đã cam kết" |
Về khả năng gia nhập của Trung Quốc, chuyên gia về các FTA và luật thương mại tại trường Đại học Trung Quốc (Hồng Kông) Bryan Mercurio cho rằng không có "cơ hội xa xỉ" nào cho việc nước này sẽ thay đổi chính sách để đáp ứng tiêu chuẩn của CPTPP.
Theo ông Mercurio, Trung Quốc sẽ phải chật vật để đáp ứng mức cam kết cần thiết với CPTPP trong một số lĩnh vực, nhất là trợ cấp DN nhà nước, thương mại kỹ thuật số và có thể cả lĩnh vực đầu tư.
Trong khi đó, một giáo sư giấu tên tại Bắc Kinh cho rằng, khó có khả năng Trung Quốc đồng ý tuân theo yêu cầu của CPTPP, cũng như các nước thành viên khó lòng tin Trung Quốc tuân theo tiêu chuẩn dù đã cam kết. "Rất có thể đây là một biện pháp ngoại giao, thay vì theo đuổi tính toán kinh tế dài hạn. Điều này cũng giống như cơ sở để ký Hiệp định Toàn diện về Đầu tư với Liên minh châu Âu. Có lẽ chính phủ Trung Quốc cảm thấy họ cần phải gửi thông điệp này tới Mỹ, rằng Trung Quốc không dễ bị áp lực", vị giáo sư cho biết.
Đó là chưa kể đến việc Mỹ tìm cách thúc giục các thành viên ngăn không cho Trung Quốc gia nhập, khi nước này có quan hệ mật thiết với 4/7 thành viên "sáng lập đầy đủ" của CPTPP. Thế nên, con đường gia nhập FTA mới này của vẫn còn xa với Trung Quốc, chừng nào quốc gia này vẫn đặt lợi ích lên hàng đầu, cũng như chưa có được lòng tin và xóa tan mối nghi ngờ về khả năng tuân thủ quy tắc từ các thành viên.