Văn học Việt Nam: Tìm đường du ngoại

V.LONG| 15/01/2010 05:34

Hơn 100 nhà văn, dịch giả, đại diện nhà xuất bản (NXB) của 32 nước cùng 11 NXB và các nhà văn, nhà nghiên cứu trong nước đã tề tựu về Hội nghị quốc tế Giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài...

Văn học Việt Nam: Tìm đường du ngoại

Hơn 100 nhà văn, dịch giả, đại diện nhà xuất bản (NXB) của 32 nước cùng 11 NXB và các nhà văn, nhà nghiên cứu trong nước đã tề tựu về Hội nghị quốc tế Giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài lần thứ hai, diễn ra từ 5 - 10/1, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị này cho thấy, hành trình giới thiệu diện mạo văn học Việt Nam ra thế giới còn rất nhiều việc phải làm.

Chậm chạp và ít ỏi

Trong hơn 100 nhà văn nước ngoài đến Hà Nội, đáng chú ý có đoàn 17 nhà văn Mỹ với những tên tuổi nổi tiếng như: Kevin Bowen, Bruce Weigle, Jean Weigl, George Evans, Paul Wright... Nhà thơ Alex Fleites từ Cuba đã gửi bản tham luận sớm nhất đến ban tổ chức hội nghị. Thành phần khách mời khoảng 300 người, ngoài những dịch giả trong và ngoài nước đã có công góp phần giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, còn có những nhà văn đã nhiều năm gắn bó và sáng tác về Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử; một số NXB trong và ngoài nước đã tích cực giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài; một số nghiên cứu sinh, thực tập sinh và sinh viên nước ngoài đang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam...

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, giao lưu văn học là một bộ phận quan trọng trong xu thế hội nhập quốc tế. Văn học thế giới đến Việt Nam được mô tả là tấp nập và đa dạng, nhưng văn học Việt Nam ra thế giới còn ít ỏi và chậm chạp. Ngoài những khó khăn về địa lý và ngôn ngữ, còn có khó khăn về tổ chức và kinh nghiệm. Và đã đến lúc phải đặt vấn đề giới thiệu văn học Việt Nam với bạn bè quốc tế một cách có hệ thống, trên một tầm nhìn mới, với tư thế chủ động và tích cực.

Những tác giả Việt Nam được các đại biểu nước ngoài biết đến, phần lớn cũng chỉ quanh đi quẩn lại một số tên tuổi quen thuộc: Tô Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Trần Đăng Khoa... Điều này chứng tỏ, quá trình xuất ngoại của văn học Việt Nam diễn ra rất chậm, rất nhỏ giọt và quá ít ỏi so với lượng tác phẩm, tác giả nước ngoài xuất hiện ồ ạt hằng năm ở Việt Nam.

Dịch giả, GS. Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc) cho rằng: “Văn học Việt Nam không thiếu tác phẩm hay và khả năng dịch của tôi cũng không quá tồi”. Từ việc dịch thành công Ông cố vấn, ông rút ra ba điều tâm đắc: Tác phẩm văn học phải rất Việt Nam, được hỗ trợ bởi cơ quan công quyền về bản quyền và phải có sự liên hệ giữa dịch giả và tác giả. Ông nêu lên một thực trạng đáng suy nghĩ: Tại Trung Quốc, ít bóng dáng văn học Việt Nam, nhưng ở Việt Nam thì văn học Trung Quốc được dịch nhiều. Vì lợi nhuận dịch văn học ở Trung Quốc rất thấp, 30 tệ cho 1.000 chữ, trong khi dịch tài liệu và sách kinh tế là 200 tệ cho 1.000 chữ.

Quảng bá văn học: Tại sao chưa?

Tại Hội thảo Giao lưu và giới thiệu văn học trẻ do nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng các nhà văn, nhà thơ trong Ban Công tác Nhà văn trẻ làm chủ tọa, nhiều câu hỏi được đặt ra cho những dịch giả và những nhà nghiên cứu văn học Việt Nam: Tiêu chí nào để xác nhận giá trị những tác phẩm được dịch; nhà văn trẻ được phát hiện qua “kênh” nào; người dịch văn học hiện cần gì, muốn tìm hiểu điều gì ở các cây bút trẻ... Khá nhiều ý kiến cho rằng, sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau sâu sắc mới khiến cho việc dịch thuật và giới thiệu nền văn học một nước ra nước khác thực sự có hiệu quả.

Bà Hàm Anh, Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đề nghị, Hội Nhà văn và Bộ Ngoại giao nên thành lập một kênh thông tin văn hóa để có thể hợp tác hiệu quả trong việc này. Bà đề xuất thành lập tủ sách văn học Việt Nam tại các đại sứ quán Việt Nam ở các nước. Để làm được việc này, nên có cơ chế cụ thể và một khoản tài chính nhất định. Đó cũng là một trong những cách quảng bá văn học ra nước ngoài đơn giản mà hiệu quả.

Bà Catherine Cole (Úc), giáo viên văn, bày tỏ những khó khăn trong việc tìm các bản dịch thơ tiếng Anh của các tác giả Việt Nam, nhất là các cây bút người Việt ở nước ngoài. “Việc liên lạc với tác giả để mua bản quyền rồi mới tiến hành dịch, đối với chúng tôi cũng là một điều bất cập. Qua hội nghị này, chúng tôi muốn tìm kiếm thông tin, địa chỉ liên lạc của các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn trẻ, để có thể trao đổi từ xa”, bà nói.

Qua các hội thảo, có thể nhận thấy, dù tác phẩm Việt Nam dịch ra tiếng nước ngoài còn nhỏ lẻ, chưa quy củ, chưa hệ thống, nhưng văn học Việt Nam vẫn có sức thu hút riêng. Về tiểu thuyết còn khá khiêm tốn, nhưng về thơ và truyện ngắn thì đã có một số thành tựu ở phạm vi thế giới. Nhiều ý kiến đề xuất lập một quỹ dịch văn học và khuyến khích dịch giả Việt Nam kết hợp với người nước ngoài để có nhiều tác phẩm dịch hơn.

Hội Nhà văn Việt Nam đã ký kết hợp tác dịch văn học Việt Nam từ nay đến năm 2015 với các nhà xuất bản, dịch giả từ 10 nước. Đây đã là cây cầu nối giúp dịch giả, nhà nghiên cứu, NXB nước ngoài hiểu sâu hơn về lịch sử, giá trị và bề dày của văn học Việt Nam, để có cái nhìn toàn diện, đúng đắn về diện mạo văn học Việt Nam, chọn giới thiệu được những tác phẩm tiêu biểu của Việt Nam ra thế giới. Hội nghị cũng là cơ sở cho việc tiếp cận, lựa chọn tác giả, tác phẩm; xây dựng kế hoạch giới thiệu văn học Việt Nam với bạn bè quốc tế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn học Việt Nam: Tìm đường du ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO