Hãy sống như một triệu phú thực sự

PHƯƠNG THANH tóm tắt| 27/07/2014 08:02

Bạn không thể lái con đường của mình đến hạnh phúc nhờ một chiếc xe. Tuy nhiên một số người tin vào điều ngược lại.

Hãy sống như một triệu phú thực sự

Bạn không thể lái con đường của mình đến hạnh phúc nhờ một chiếc xe. Tuy nhiên một số người tin vào điều ngược lại.

Đừng ra vẻ ta đây giàu có: Hãy sống như một triệu phú thực sự - Nguyên tác: Stop Acting Rich: And Start Living Like a Real Millionaire - Tác giả: TS Thomas J.Stanley - Người dịch: Trần Quân - Bản quyền tiếng Việt: Thái Hà Books.

VỀ TÁC GIẢ

Thomas J.Stanley là nhà nghiên cứu, nhà tư vấn và tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy như Triệu phú nhà bên (The Millionaire Next Door), Tư duy triệu phú (The Millionaire Mind). Những cuốn này cộng lại đã đứng vững 170 tuần trong danh sách bán chạy nhất của tờ Thời báo New York.

Ông cũng là tác giả của hơn 40 bài báo đã được xuất bản liên quan đến người giàu ở Mỹ.

Tiến sĩ Stanley là khách mời đặc biệt xuất hiện nhiều lần trên các chương trình The Today Whow, 20/20 và The Oprah Winfrey Show.

Những công trình của ông được trích dẫn trên phương tiện truyền thông quốc gia gồm Wall Street Journal, New York Times, Forbes, Fortune Time, Money…

Năm 1979, tiến sĩ Stanley lần đầu tiên khái niệm hóa phân nhóm “người giàu cổ xanh”, báo trước cho loại hình học triệu phú nhà bên, trong một bài phát biểu thay mặt Sở giao dịch chứng khoán New York; văn bản của bài phát biểu này sau đó được Hiệp hội Tiếp thị Mỹ xuất bản.

Năm 1980, tiến sĩ Stanley tiến hành cuộc khảo sát trên toàn quốc về đa triệu phú Mỹ - khảo sát đầu tiên về loại này. Kể từ đó, ông đã tiến hành nhiều nghiên cứu về người giàu và phỏng vấn nhóm chọn lọc những đáp viên có tài sản ròng cao cho đa số những định chế tài chính thuộc “top 50” của Mỹ.

Tiến sĩ Stanely cũng là Chủ tịch Viện Thị trường người giàu (Affluent Market Institute). Tại đó ông đã phát triển những chiến lược tiếp thị và bán hàng dựa trên kết quả nghiên cứu nhằm xác định, thu hút và giữ chân khách hàng giàu có.

Tiến sĩ Stanley nhận học vị tiến sĩ quản trị kinh doanh từ Đại học Gegorgia. Ông là giáo sư đại học trong 20 năm trước khi theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và viết sách về triệu phú Mỹ.

Trong Đừng ra vẻ ta đây giàu có – Hãy sống như một triệu phú thực sự, ông trình bày chi tiết tại sao có quá nhiều người không giàu nhưng lại chi tiêu quá mức cho những thứ xa xỉ.

NỘI DUNG CHÍNH

Khác biệt giữa giàu có và hành xử giàu có

Khi mới là một cậu thiếu niên, bố tôi làm công việc giao báo. Qua tiếp xúc với khách hàng, theo bố tôi, có sự khác biệt giữa việc có vẻ giàu và thực sự giàu. Hầu hết những người trông có vẻ giàu lại không giàu - họ sống trên mức thu nhập của mình, vì thế thường ít có sẵn tiền để hào phóng với người khác.

Từ 13 đến 17 tuổi, tôi làm nhân viên kéo bao gậy trên sân golf, luân phiên làm việc giữa hai sân hoàn toàn khác biệt: một sân công cộng, một sân thuộc về một CLB tư nhân.

Hầu hết những người chơi golf ở sân của CLB tư nhân thuộc lại người khác hẳn với những người tôi phục vụ ở sân công cộng, họ lái những chiếc ô tô danh tiếng, họ phải thuê và chi trả cho mọi dịch vụ chơi golf.

Mọi chuyện khác hẳn ở sân công cộng. Nhiều người trong số này thực sự là người làm thuê cho chính mình, từ nghệ nhân cho đến chủ những doanh nghiệp. Một vài người trong số họ cũng lái những chiếc xe cực sang hay mặc trang phục đánh golf hàng đầu như những người chơi ở CLB tư nhân.

Trong 4 năm phụ khiêng gậy, sau mỗi vòng chơi, khách hàng ở sân công cộng đều mời tôi bữa trưa với xúc xích và cô ca. Nhưng chỉ có khoảng một trong bốn người chơi ở CLB tư nhân làm điều đó. Ngoài ra, hai phần ba số khách hàng của tôi ở sân công cộng có bồi dưỡng tiền, trong khi hầu hết người chơi ở CLB tư nhân không bao giờ bồi dưỡng tiền cho người phụ mang gậy.

Giờ đây tôi đã hiểu rõ hơn cả hai kiểu người này.

Hầu hết những người thưởng hậu là những người tiêu pha lớn theo kiểu cổ điển. Hàng đầu là những chủ tập đoàn tư nhân cực kỳ thành công. Một vài người là viên chức điều hành cao cấp của các cơ quan nhà nước. Khách hàng tốt nhất của tôi là vợ chồng báx sĩ. Họ sở hữu một số bệnh viện và nhiều loại bất động sản thương mại khác. Họ luôn sảng khoái dù không có được một cú đánh bóng xuất sắc. Và họ thực sự hào phóng.

Người cực giàu có những phương tiện kinh tế cần thiết để tạo ra tài sản đáng kể đồng thời trang trải cho phong cách sống tốn kém. Trả phí CLB hay mời bữa trưa cho nhân viên kéo gậy không mảy may ảnh hưởng đến báo cáo tài chính của họ.

Còn kiểu người đánh golf khác mà tôi từng gặp là những người "khát khao thành đạt" - những người cư xử giàu có, muốn là người giàu nhưng lại thực sự không giàu. Họ thường cố sống theo những người cực giàu, tiêu pha nhiều nhưng lại hầu như không thể thực sự làm tất cả. Phần lớn thu nhập của người khát khao thành đạt đổ vào những hạng mục tiêu dùng được cho là của những người có địa vị nghề nghiệp cao và uy thế: nhà xe, áo quần, trang bị chơi golf đẳng cấp, và dĩ nhiên là hội viên của những CLB.

Những người khát khao thành đạt khác xa với những chủ doanh nghiệp mà tôi phục vụ ở sân golf công cộng. Những chủ doanh nghiệp này dường như luôn mang theo mình rất nhiều tiền mặt. Họ có đủ khả năng để hào phóng với những người phụ giúp mà họ thuê. Khác với những người khát khao thành đạt, họ không cảm thấy cần thiết phải trưng ra những huy hiệu đắt tiền được cho là thể hiện sự hơn hẳn về kinh tế. Họ mua những gì có thể chi trả, và hạnh phúc khi trả tiền cho điều đó. Họ không trả tiền để gia nhập CLB tư nhân khi sân công cộng cạnh đó tốt hơn nhiều.

Với kiến thức tôi có hiện nay về sự giàu có, đặc biệt là ở Mỹ, tính cả những gì tôi đã học được từ kinh nghiệm làm người kéo bao gậy, tôi kết luận: Hầu hết những người hành xử giàu có thì không giàu!

TS. Thomas J.Stanley

Số đo thực sự của giàu có

Hành vi mua sắm của những người cực giàu, đặc biệt là việc chọn lựa nhãn hiệu hoàn toàn trái ngược với những triệu phú chưa bao giờ có thu nhập hàng năm 100.000 đô la trở lên trong đời. Phong cách tiêu dùng của họ tương xứng với loại nhà và khu vực họ sinh sống.

Trong nhận thức méo mó của bối cảnh hiện đại về sự giàu có, xã hội của chúng ta dành rất ít sự quan tâm đối với những người đạt được thành công kỳ diệu bằng cách làm việc cần mẫn. Chúng ta không quan tâm đến việc bắt chước những doanh nhân ăn mặc giản dị, lái xe Toyota. Thay vào đó, chúng ta chọn hình mẫu là những ngôi sao, các danh thủ thể thao. Thay vì tìm hiểu vận may của họ, chúng ta lại nghĩ rằng nếu chúng ta hành xử giống họ, trông giống họ, lái xe giống họ thì chúng ta sẽ trở nên giàu có. Chúng ta đã phung phí tài sản của mình khi bị cuốn vào những chiêu trò phóng đại của giới tiếp thị, quảng cáo.

Trong thực tế, gia tăng chi tiêu không làm bạn thỏa mãn hơn với cuộc sống. Vậy ai là những người hạnh phúc? Thông thường, họ là những người chi tiêu thấp hơn khả năng của họ trong khi xây dựng sự giàu có và cuối cùng trở nên an toàn về tài chính.

Hầu hết người giàu trở nên giàu có và duy trì điều đó vì họ chủ định cần kiệm và đầu tư chứ không phải tiêu dùng.

Đối với một vài người, siêu tiêu dùng là một cố gắng để phần nào thay đổi sự khởi đầu tiêm tốn, về sâu xa là thay đổi quá khứ. Nhưng điều đó vô ích. Con người không thể thay đổi lịch sử. Trước tiên hãy xem sự gia tăng thu nhập như là cơ hội để đầu tư nhiều hơn và trở nên độc lập về tài chính. Nếu nhu cầu chi tiêu cho những sản phẩm cao cấp tăng lên, bạn nên trì hoãn việc chi tiêu cho đến khi mình đã là người giàu có chứ không phải trước đó. Ngược lại, bạn sẽ không bao giờ được an toàn về tài chính.

Nếu bạn vẫn chưa giàu nhưng muốn giàu có vào một ngày nào đó thì đừng bao giờ mua một căn nhà đòi hỏi một khoản vay lớn gấp đôi thu nhập thực hằng năm của gia đình bạn!

Mọi điều bạn nghĩ về giàu có đều sai

Chúng ta chắc chắn không thể trở nên giàu có bằng cách thực hiện phần hành xử trước khi có đủ nguồn lực tài chính để chi trả cho một cuộc sống ngọt ngào.

Hãy xem những triệu phú thực sự chi tiêu tiền bạc như thế nào và những gì họ trả cho hàng hóa, dịch vụ.

Triệu phú thực thụ trả khoảng 16 đô la (kể cả tiền bo) cho một lần cắt tóc ở một tiệm hớt tóc truyền thống - không phải hẹn trước, không phải chọn màu.

Chỉ có 5,7% triệu phú được khảo sát trên toàn nước Mỹ trả 1.000 đô la hay hơn cho y phục mà họ mua gần đây nhất. Thực tế, ngay cả những người rất giàu có (những người có tài sản ròng theo giá trị tài chính 10 triệu đô la hay hơn), trung vị giá trả cho một bộ trang phục chỉ là 482 đô la. "Trang phục góp phần tạo nên thành công" vẫn là câu cách ngôn có giá trị cho môi trường văn phòng, nhưng chi tiêu quá lố trước cả sự thịnh vượng tài chính trong tương lai sẽ không giúp ai trở nên giàu có.

Những người giàu có mua đồng hồ đắt tiền không? Trey có tài sản trị giá hơn 20 triệu đô la. Đồng hồ mà ông ấy mang hằng ngày mua ở cửa hàng Wal-Mart giá 15 đô la.
Jim H. ở Texas có tài sản ròng trên 30 triệu đô la. Jim và gia đình của mình cùng sáu con chó sống trong ngôi nhà làm bằng gỗ súc. Đồng hồ ông ấy chọn là nhãn hiệu Swiss Army giá 300 đô la.

Trey và Jim còn chia sẻ vài điểm chung khác. Cả hai đều cảm thấy tự hào khi được Hiệp hội thương mại ngành công nghiệp mà họ tham gia công nhận như những người chiến thắng. Ngược lại, họ hiểu rằng thật vô nghĩa để được những người lạ công nhận và ghen tị chỉ vì một chiếc đồng hồ. Họ giàu có và không cần khoe khoang điều đó với những người họ tiếp xúc trong công việc hằng ngày.

Những người giàu, những triệu phú cũng rất thích thú với đồ ăn và thức uống ngon, đúng không?

Carlton, người có tài sản đến hơn 30 triệu đô la. Ông là thành viên một nhóm đặc biệt gồm những người giàu chi khoảng 17 đô cho một chai rượu Scotch 1,75l. Họ cũng thường tiệc tùng và xem mình là những chủ nhân hiếu khách. Nhưng tiệc tùng của họ là để thắt chặt quan hệ xã hội chứ không phải để khoe những nhãn hiệu rượu mà họ chiêu đãi.

Tất cả những người thành đạt đều lái xe "xịn" đúng không?

Nhiều người tin rằng tất cả những người thực sự giàu và thành đạt đều lái những chiếc xe hơi cao cấp. Đó là lý do tại sao có quá nhiều người muốn thành đạt lái những loại xe này. Nhưng, trung vị về giá mua xe của những triệu phú được khảo sát là 31.367 đô la. Người giàu thực sự không lái BMW, họ lái Toyota.

Không uống Grey Goose hay mua rượu vang đắt tiền, cũng không lái xe hơi hiệu châu Âu. Chắc họ phải mua du thuyền!

Không! Đa số triệu phú ở Mỹ (70%) chưa bao giờ sở hữu một chiếc thuyền hay du thuyền, thậm chí là xuồng hơi.

Thế còn những triệu phú đã từng mua thuyền trong đời thì sao? Hầu hết đều mua một chiếc, bán đi và không bao giờ mua lại chiếc khác. Những người này nhận ra họ không có chút thỏa mãn nào khi sở hữu và điều khiển thuyền. Nhưng sự thỏa mãn với cuộc sống của họ tăng lên ngay sau khi vứt bỏ gánh nặng tàu thuyền.

Nhiều nông gia giàu có vì họ kiên định với quy tắc nền tảng để xây dựng ự giàu có: Dù bạn thu nhập bao nhiêu, hãy sống thấp hơn khả năng tiền bạc của mình. Điều này rất khó làm nếu bạn sống ở khu vực siêu tiêu dùng. Chuyển đến vùng giàu có, sống cận kề các bác sĩ, gia nhập các CLB thể thao, bạn sẽ giao du với những người siêu tiêu dùng. Nhưng không nên lầm lẫn điều đó với triệu phú thực sự.

Chiếc áo có làm nên thầy tu?

Người ta không đạt được thành công vì họ mang đôi giày 800 đô la. Phải là điều ngược lại. Hầu hết động lực của các triệu phú là nhu cầu độc lập về tài chính. Với họ, tiêu dùng chỉ là khía cạnh phụ của việc trở nên giàu có. Nếu phải chọn, họ sẽ sẵn sàng vứt bỏ những thứ tiêu dùng chứ không bao giờ từ bỏ sự độc lập tài chính.

Những người trở thành triệu phú trong độ tuổi 20 hay 30 thường trở thành người siêu tiêu dùng.

Hầu hết triệu phú không đạt ngưỡng triệu phú cho đến khi gần 50 tuổi. Họ trở thành triệu phú vì họ có phong cách sống tiết kiệm. Sau khi trở thành triệu phú, họ vẫn giữ thói quen tiết kiệm đó.

Một nữ triệu phú tiêu biểu không bao giờ trả hơn 140 đô la (trung bình) cho một đôi giày, dù mua cho mình hay bất kỳ ai. Nữ triệu phú thường mang hiệu giàu "chất lượng tốt" chứ không phải hiệu giày đắt tiền.

Hầu hết triệu phú, đặc biệt là những siêu triệu phú, dường như không nhạy cảm lắm với giá thành hay giá mua giày. Họ nhạy cảm hơn với chất lượng nên thường chú trọng vào sự khác nhau của vòng đời sản phẩm.

Hầu hết triệu phú hết sức hài lòng với thành công nên họ không cần phải mặc những bộ comple thuộc bộ sưu tập trị giá 4 chữ số. Rất hiếm có triệu phú nào mặc bộ comple 5.000 đô la. Hơn nữa, triệu phú thực sự sẽ mua y phục chất lượng với giá hợp lý. Họ không mặc vì sự thành công, mà vì công việc, tập trung cho công việc.

Một doanh nhân Texas có tài sản ròng ở khoảng giữa của tám chữ số mời tôi ăn tối sau cuộc phỏng vấn. Ông ấy hỏi tôi thích ăn món nào. Mexico là nguyện vọng của tôi. Al và vợ ông ấy đề nghị đưa tôi đến "điểm ăn tối ưa thích" của họ, cũng là điểm đến thường xuyên của các triệu phú sinh ra và lớn lên ở Texas.

Al và vợ đón tôi bằng chiếc Lincoln 10 tuổi cũ mèm của Al. Sau một quãng đường ngắn, chúng tôi dừng xe tại một bãi đỗ kế bên nhà hàng. Nó trông giống một nhà máy nhỏ hơn là một nhà hàng. Nơi này không có người chào đón, không quản lý trưởng, không áo đuôi tôm và không người phục vụ rượu. Chỉ có tấm biển ghi "Bạn tự tìm chỗ ngồi". Bàn và ghế đều sơn màu vàng sáng, loại ghế dài dã ngoại thường thấy ở các công viên. Ngoài ra, một số bẫy côn trùng bằng điện (loại để dùng ngoài trời) cũng được treo có tính toán trên xà nhà trong quán.

Al nhận thấy chút ngạc nhiên của tôi về thiết kế nên nói, "Đừng để vẻ bề ngoài của nơi này đánh lừa anh. Đây là nhà hàng Mexico ngon nhất Texas".

Niềm tin của tôi lại thêm lung lay khi nhìn vào thực đơn. Món đắt nhất có giá 9,95 đô la. Chỉ có hai loại vang được liệt kê: đỏ và trắng.

Sau khi người phục vụ dọn ra rổ bánh tráng ngô và nước sốt cay, Al đứng dậy và thọc tay vào túi áo khoác. Ông lấy ra từ áo khoác khoảng hơn một lạng bơ "thật" mang theo từ nhà. Al đặt nó giữa bàn dã ngoại và nói một câu mà tôi không bao giờ quên được: "Tôi ghét những thứ tổng hợp. Đó là điểm dở duy nhất của chỗ này, không có bơ. Dùng tự nhiên nhé!".

Bạn có thể tự hỏi tại sao một triệu phú lại mang bơ của mình đến nhà hàng. Tại sao một cặp đôi triệu phú nhiều đô la vẫn nghĩ đến việc ăn tối tại một nhà hàng toàn những chiếc bàn dã noại và "đồ tổng hợp", đến nỗi khách hàng phải tự mang đồ ở nhà theo. Tại sao những người tự do về tài chính như Al và vợ lại ăn tối ở một nơi mà món đắt nhất là 9,95 đô la? Câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này hết sức đơn giản, nhưng có vài ý mà nhiều người không thể hiểu được.

Không có mối tương quan hoàn hảo nào giữa mức độ thỏa mãn với món ăn mà khách hàng chọn và giá mà một nhà hàng tính cho nó. Al và vợ rõ ràng đã hiểu thấu đáo điều này. Hơn nữa, phán xét của họ về thức ăn của nhà hàng ưa thích không bị tác động tiêu cực vì những chiếc bàn dã ngoại, chọn lựa hạn chế về rượu vang hay ngay cả chuyện không có bơ.

Al và vợ ăn tối ở nơi mà họ muốn ăn chứ không phải ở chỗ những nhà phê bình ẩm thực chỉ bảo. Chắc chắn họ đủ khả năng để ăn tại nhà hàng bốn sao vào tất cả các ngày trong tuần. Nhưng theo Al thì đã nhiều năm rồi kể từ lần cuối cùng họ đặt chân vào cái gọi là nhà hàng bốn sao.

Một vài người có thể lập luận rằng Al và vợ không có gu ẩm thực. Họ có thể giàu nhưng họ không biết thưởng thức những thứ tinh tế trong cuộc sống.

Al và vợ không chỉ giàu, cả hai đều tốt nghiệp đại học "top 20". Nhưng họ không cần phải khẳng định mình bằng nơi họ ăn tối. Giống với hầu hết người giàu tự tay làm nên, họ làm những gì muốn làm và không hề bối rối về cách họ sống. Họ không lo sợ về giá trị của bản thân khi ra ngoài ăn tối trên chiếc bàn dã ngoại với thanh bơ mang theo từ nhà.

Bạn có muốn ngày nào đó trở nên giàu có? Nếu thực lòng muốn vậy, hãy hoãn việc tạo bộ sưu tập lớn rượu vang, hoãn việc ăn tối ở những nhà hàng cao cấp và không thuê người làm cho đến khi bạn trở nên độc lập về tài chính.

Đường đến hạnh phúc

Tony D. của Văn phòng diễn giả Washington gọi cho tôi ngay sau khi cuốn sách đầu tiên của tôi, Tiếp thị cho người giàu (Marketing to the Affluent), được Best of Business chọn vào danh sách 10 cuốn sách kinh doanh hàng đầu. Ông ấy có hai câu hỏi dành cho tôi: Thứ nhất, tôi có thể diễn thuyết tại hai hội nghị dành cho đại lý của MBW tại Bắc Mỹ không; và thứ hai, tôi thích nhận thù lao bằng BMW (lái một chiếc BMW trong một năm) hay bằng đô la Mỹ.

Không nghi ngờ gì, BMW nghĩ (hy vọng) rằng tôi sẽ thích lái một chiếc BMW. Có lẽ họ ngạc nhiên khi tôi chấp nhận thù lao bằng tiền mặt.

Tại sao tôi chọn cách nhận đô la mà không phải là giao dịch hàng đổi hàng? Có một số lý do: Lái một chiếc BMW làm tôi không thoải mái. Điều đó bất thường với phong cách tiêu dùng và niềm tin của gia đình tôi. Nó cũng có thể chứng minh cho một sự trượt dốc. Vì tôi được lái miễn phí chiếc BMW trong một năm, và điều tiếp theo mà bạn biết chắc là để “không trượt dốc” tôi buộc phải mua một chiếc BMW khác. Tôi phải trả tiền để mua. Quan trọng hơn cả, tôi biết một chiếc xe sẽ gây ra và không gây ra điều gì với một người.

Bạn không thể lái con đường của mình đến hạnh phúc nhờ một chiếc xe. Tuy nhiên một số người tin vào điều ngược lại.

Hầu hết những người thành công và tự do về tài chính không cần đến hàng hiệu để tự thuyết phục mình hay những người xung quanh họ về điều đó. Mức độ thỏa mãn cao với cuộc sống của họ cũng không dựa trên loại xe mà họ lái.

Có hai loại người lái những chiếc xe hơi danh tiếng: người giàu và người tỏ ra giàu.

Nhưng có một sự khác biệt chính yếu giữa kiếm được thu nhập cao và thực sự giàu có (nghĩa là độc lập về tài chính). Thu nhập không cùng đơn vị đo lường với giàu có. Nếu bạn không có những khoản đầu tư (trong đó ngôi nhà của bạn không quá 25%) trị giá 1 triệu đô la (tối thiểu), bạn không giàu. Bạn học đại học nào, trong bao lâu hay số lượng và loại bằng cấp bạn nhận được không quan trọng. Thành tích học vấn không phải là sự giàu có.

Đám đông BMW hành xử giàu có thường gồm những người tốt nghiệp đại học kiếm được thu nhập tốt. Họ có cảm giác bị buộc phải thể hiện những sản phẩm và nhãn hiệu mà họ nghĩ rằng nhiều người giàu thực sự sở hữu. Về bản chất, họ đã cường điệu mức độ giàu có thực sự của mình. Thường thì họ phải vật lộn thực sự để chi trả các khoản phí CLB, trả góp tiền mua xe hàng hiệu, khoản phải trả cho bất động sản thế chấp với lãi suất khủng, học phí trường tư của con cái… Họ là bậc thầy lừa dối khi lừa cả chính mình bằng cách tin rằng họ giá trị hơn rất nhiều so với những gì bảng cân đối tài sản thể hiện.

Việc mua sắm không đúng với thu nhập thực tế không những khiến chúng ta tự mình lái thẳng đến viện tế bần bằng chiếc ô tô cực đẹp.

Người giàu thực sự không chỉ có một chiếc xe thể thao đa dụng Mercedes mà họ còn có 10 chiếc khác. Mức tiêu dùng của họ còn trên hàng “top” vì sự giàu có của họ cũng vượt hơn hàng “top” – hơn nữa, ở mức đó thì vẫn còn thấp hơn nhiều khả năng tiền bạc của họ.

Liệu có sung sướng gì khi lái xe Mercedes, sống trong ngôi nhà đắt tiền, là thành viên của CLB đặc biệt và vung tiền cho rượu vang, rượu mạnh, nếu bạn luôn phải sống trên bờ vực của khả năng phá sản về tài chính hay không thể chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bố mẹ hay ông bà mình?

Hầu hết triệu phú biết rằng mua ô tô liên quan đến một số đánh đổi. Vì thế hãy xem xét hành động mà các triệu phú đã làm: Khoảng 40% triệu phú có khuynh hướng trung thành với một nhãn hiệu ô tô nhất định. Chính những người thu nhập cao nhưng không phải triệu phú, còn gọi là chỉ hành xử giàu có, chọn đại lý gắt gao nhất về giá cũng như đẳng cấp của nhãn hiệu xe. Chỉ có 34% kiểu người này trung thành với đại lý.

Hầu hết triệu phú là nhóm người sắc sảo có khả năng phán xét xuất sắc về cả sản phẩm và dịch vụ. Nếu không thỏa mãn, họ sẽ thay đổi và ngược lại.

Có một mối tương quan mạnh mẽ giữa việc đóng góp cho những mục đích từ thiện và sự thỏa mãn nói chung với cuộc sống. Những nhà nghiên cứu đã phát hiện một cách nhất quán rằng những người hạnh phúc thường có khuynh hưởng đóng góp một tỷ lệ cao hơn thu nhập của họ cho những mục đích cao quý so với những người ít thỏa mãn hơn với cuộc sống.

Những bức thư được trao đổi sau là lời nhắc nhở tất cả chúng ta nên dành thời gian để dừng lại và thưởng thức hương hoa hồng.

Bức thư của ông H. – một người giàu ở Florida:

"Tiến sĩ Stanley thân mến,

Tôi đã đọc xong cuốn sách của ông, Triệu phú nhà bên. Tôi cũng có một vài kinh nghiệm với các triệu phú nên tôi có thể nói rằng ông đã liệt kê rất đầy đủ về họ. Tôi chắc chắn không tin vào lối sống cao hơn khả năng tiền bạc và cũng không bao giờ chọn cách sống đó. Đầu tư vào chính doanh nghiệp của mình, vào cổ phiếu và bất động sản là ý tưởng tuyệt vời. Điểm sai lầm duy nhất tôi nhận thấy trong sách của ông là những điều đó được coi là mục đích tối hậu và là tất cả của cuộc sống.

Một chiếc Mercedes tuyệt đẹp đắt hơn một chiếc Ford, vì nó là chiếc xe tốt hơn.

Bộ comple số một của Oxford hay Hickey Freeman tốt hơn so với loại bán phổ biến của Sear.

Một chiếc áo đánh golf rẻ tiền ở Wal-Mart giá 6 đến 10 đô la sẽ dùng được khoảng 1 đến 2 năm nếu bảo dưỡng đúng cách. Một chiếc áo đánh golf Ralph Lauren 50 đô la có chất lượng tốt hơn nhiều và nếu giữ gìn tốt sẽ dùng được khoảng 20 năm.

Tôi biết những điều đó, vì tôi có cả hai loại.

Một kỳ nghỉ ở Emporia, Kansas…, Athens, Georgia…, đi xuyên qua miền Nam nước Pháp hay đến Athens của Hy Lạp… Tôi không cho rằng tất cả những địa điểm này là tương đương nhau, và tôi cũng đã đến tất cả những điểm này.

Đi mua sắm ở Wal-Mart hay Sear không thể nào có được cảm giác như khi mua sắm ở Neiman Marcus hay Saks Fifth Avenue.

Thật tuyệt vời khi làm ra tiền và tiết kiệm tiền bạc, nhưng nếu những điều này không nâng chúng ta lên và biết “thưởng thức hương hoa hồng” thì chúng há không phải là những thứ hơi điên khùng sao? Theo như tôi nhớ, Sam Walton đã sống một cuộc đời rất giống những gì mà ông dường như xem là tuyệt vời. Không may cho Sam Walton, dường như tôi nhớ rằng ông ấy mắc phải một vài dạng ung thư khủng khiếp nào đó và nhận lấy cái chết sớm. Tôi tự hỏi không biết ông ấy có nói với bác sĩ và những người thân của mình trước khi mất, “Này, tôi ước là mình đã dành nhiều thời gian hơn cho cửa hàng”. Ông nghĩ sao?

Trân trọng,"

Thư trả lời của tôi:

"Ông H. thân mến,

Tích lũy tài sản không phải là “mục đích tối hậu và là tất cả” của cuộc sống. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều khi tích lũy tài sản nếu bạn có được sự thỏa mãn to lớn từ những yếu tố trong cuộc sống của mình mà không cần phải siêu tiêu dùng. Có quá nhiều người tin rằng để ngửi hương hoa hồng, bản chất là hưởng thụ cuộc sống, họ phải mua hàng hiệu. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy rằng có tương quan rất ít giữa kiểu chi tiêu này và hạnh phúc. Những ai chi tiêu với hy vọng rằng hạnh phúc sẽ đến thì cũng sẽ thất vọng.

Căn bản của hạnh phúc là những nhân tố như sức khỏe, gia đình, công việc và các giá trị. Nếu bạn có sức khỏe tốt, một gia đình đáng yêu, bao bọc bằng một mạng lưới bạn bè tốt bụng, có một công việc yêu thích thì chuyện không có những thứ sang trọng chẳng có gì ghê gớm. Nhưng chuyện sẽ ra sao nếu công việc của bạn có lương cao nhưng không mang lại sự thỏa mãn? Bạn có thể nghĩ rằng chất đầy những thứ sang trọng có thể chữa lành nỗi bất mãn của mình. Nhưng siêu tiêu dùng chỉ làm mọi chuyện tồi tệ thêm. Trưng ra những nhãn hiệu xa xỉ có thể (hay không thể) gây ấn tượng với hàng xóm, nhưng nó sẽ không chuyển đổi một kẻ bất hạnh thành người hạnh phúc. Hay như nhiều triệu phú đã nói với tôi, “tiền bạc làm cuộc sống dễ dàng hơn nhưng không tốt đẹp hơn”.

Hầu hết triệu phú đều hạnh phúc ngay cả trước khi họ trở nên độc lập về tài chính. Họ đặt ra những mục đích và hoàn thành chúng. Một trong những mục đích của họ là tích lũy tài sản. Họ xây dựng sự giàu có của mình chậm nhưng chắc và kiểm soát chi tiêu thay vì đi con đường loanh quanh. Đó là những con người tự tin, những người kiểm soát được cuộc sống của mình. Sản phẩm và nhà cửa không kiểm soát họ.

Chắc chắn thưởng thức hương hoa hồng có liên quan đến việc cưới được người bạn đời tuyệt vời. Hầu hết triệu phú (91%) đều kết hôn (trung bình là 36 năm với chỉ một người bạn đời). Toàn bộ hai phần ba trong số đó không bao giờ ly hôn. Tôi thường nói rằng nếu bạn muốn sống mãi mãi, hãy cưới nhầm vợ/chồng. Hãy làm thế và mỗi ngày sẽ trở thành vô tận. Không có số lượng hàng hóa xa xỉ nào sẽ làm bạn hạnh phúc nếu mỗi ngày kéo dài vô tận. Nhưng nếu cưới đúng người bạn đời thì mỗi ngày là một niềm vui.

Triệu phú không phải là người bủn xỉn, đặc biệt là khi liên quan đến tiền bạc dành cho sự học hành của con và cháu (thậm chí cháu gọi bằng cậu hay chú/bác) cũng như ủng hộ cho những mục đích cao đẹp. Chắc chắn một phần hương hoa hồng là sự hiện thực việc giúp đỡ tài chính của bạn cho giáo dục của trường kinh doanh, trường y hay trường luật. Những loại hoa hồng phong phú này có hương thơm hơn hẳn việc sở hữu hàng chục chiếc xe đắt tiền, đồng hồ, comple, thuyền, hay thậm chí là những ngôi nhà nghỉ.

Những người cần kiệm trong chi tiêu có khuynh hướng sẽ rộng lượng nhất nếu làm từ thiện. Nhưng những người siêu tiêu dùng, còn lại rất ít tiền, nếu còn, để cho đi.

Ông đã lưu ý rằng người sáng lập Wal-Mart, Sam Walton, có thể đã không thưởng thức hương hoa hồng. Tôi chưa bao giờ có được vinh dự gặp Walton, nhưng từ những gì tôi đọc được, tôi có cách nhìn khác về người đàn ông này. Tôi thường tình cờ thấy đặc điểm và hình ảnh của ông ấy trên những ấn phẩm thể thao định kỳ hơn là trên những tờ báo về kinh doanh. Từ những đặc điểm sơ lược của ông ấy, tôi chỉ có thể phỏng đoán rằng Walton không phải là kiểu người “chỉ làm, không chơi”. Thường thì ông ấy được chụp hình trong những cuộc bắn chim, cùng với chiếc xe bán tải, súng săn Remington và chú chó săn ưa thích, Ol’Roy. Để tưởng nhớ Ol’Roy, ông có thể để ý tên của một nhãn hàng của một loại thức ăn riêng cho chó của Wal-Mart. Đúng vậy, đó là nhãn hàng Ol’Roy với nhiều kích cỡ và hình thức phong phú.

Không chỉ việc chọn xe của Walton, chiếc bán tải Ford, gây ấn tượng với tôi. Súng săn của ông ấy là loại Remington 870 Winmaster. Tôi đã mua cùng loại súng vì hình dung rằng nếu nó đáp ứng được cho một tỷ phú thì chắc chắn nó cũng đáp ứng cho tôi. Tôi không biết ông ấy mua khẩu Wingmaster bao nhiêu nhưng tôi đã trả 449,92 đô la cho khẩu của mình tại một cửa hàng Wal-Mart.

Bạn có thể trả 2.000, 5.000, 10.000 đô la hay thậm chí 50.000 đô la cho một khẩu súng săn, nhưng bạn không thể mua khẩu súng săn tốt hơn Remington 870. Tới nay đã có hơn 10 triệu khẩu 870 được bán ra. Đó là khẩu súng mạnh và cực kỳ đáng tin cậy. Nó mang đến cho tôi mọi đóa hồng mà mình cần, và tôi có cảm tưởng rằng Walton cũng có cảm giác như thế.

Gần đây tôi đọc một bài báo nhắc đến việc bán khẩu súng săn với giá 287.500 đô la. Nó vốn được chế tạo cho Nga hoàng Nicholas. Khẩu súng này không chỉ có nhiều ý nghĩa lịch sử mà nó còn được chạm khắc bằng tay toàn bộ. Đối với tôi nó rất xấu, giống như mạ vàng lên những lớp mạ vàng. Tôi hiểu rằng hầu hết những thứ mà Sa hoàng từng sở hữu đều là những nhãn hiệu tốt nhất. Ông ta dùng những “đồ” này để bảo cho thần dân và chính mình rằng ông ta đứng trên mọi người. À, chúng ta đều biết chuyện gì xảy ra cho ông ấy. (Vị hoàng đế hay Sa hoàng cuối cùng của Nga trị vì từ 1894 đến khi thoái vị vào ngày 15/3/1917, và sau đó bị giết chết cùng toàn bộ gia đình). Ngược lại, hầu hết những người giàu tự làm nên ở Mỹ không có cùng nhu cầu khẩn thiết là phải đưa ra bằng chứng chứng tỏ ưu thế của mình bằng cách thể hiện những nhãn hiệu danh tiếng.

Câu chuyện này nói cho chúng ta điều gì về những người cố hành xử giàu có bằng việc chi tiêu và trình diễn nhưng lại không giàu? Trong khi tìm kiếm hoa hồng để thưởng thức thì họ đã quá lố về trang phục, xe cộ và hành xử. Không, họ không phải là người mua sắm kiểu Wal-Mart. Nhưng họ sẽ tăng cường khả năng trở nên giàu có thực sự nếu thường mua hàng ở những cửa hàng như vậy…

Điều gì sẽ xảy ra khi việc sở hữu “những nhãn hiệu tốt hơn” lại được ưu tiên hơn khả năng thành đạt? Thành tựu cá nhân, dù nhỏ hay lớn, hôm nay hay ngày mai là những gì dẫn đến sự gia tăng tiêu chuẩn sống. Đó là những Bill Gates của những hãng làm ra những sản phẩm giúp cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn và hiệu quả hơn. Đó là những giáo viên cống hiến sức lực để dạy Toán cho học sinh lớp Năm. Đây là những thứ và những hoạt động dẫn đến sự cải thiện cuộc sống.

Ngắn gọn, khi chọn nhãn hiệu thì sẽ còn rất ít năng lượng và tiền bạc chi cho những thứ và hoạt động thực sự làm lợi cho con người.

Trân trọng,

TS Thomas J.Stanley”.

Download bản đọc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hãy sống như một triệu phú thực sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO