GS Ngô Bảo Châu: Sẽ tiếp tục hành trình của Ai và Ky

QUÝ YÊN thực hiện| 05/09/2012 04:44

Sau khi làm nên hiện tượng khi đạt kỷ lục tiêu thụ 10.000 bản in chỉ trong vòng 1 tuần, tiểu thuyết toán học "Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình" liên tục tái bản, tiếp tục hành trình chinh phục độc giả.

GS Ngô Bảo Châu: Sẽ tiếp tục hành trình của Ai và Ky

Sau khi làm nên hiện tượng khi đạt kỷ lục tiêu thụ 10.000 bản in chỉ trong vòng 1 tuần, tiểu thuyết toán học Ai và Ky ở xứ sở những con số tànghình liên tục tái bản, tiếp tục hành trình chinh phục độc giả. Tuy nhiên, phía sau con số hơn 25.000 bản sách bán ra đến thời điểm này, là đơn đặt hàng cho phần tiếp theo của người đọc, khi mà điểm kết của tập sách là một kết cấu mở...

Trong buổi giao lưu cùng bạn đọc TP.HCM tại IDECAF vào chiều 30/8, đây chính là thắc mắc mà bộ đôi tác giả là Giáo sư Ngô Bảo Châu và nhà văn Nguyễn Phương Văn “bị” truy hỏi nhiều nhất.

GS Ngô Bảo Châu - Ảnh: QUÝ HÒA

* Đến tận bây giờ, khi Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình được bạn đọc khắp nơi đón nhận, tên của hai nhân vật chính vẫn gây tò mò. Tại sao lại là Ai và Ky chứ không là những cái tên nào khác, thưa giáo sư?

- Thành công của cuốn sách bắt đầu từ cái tên nhân vật. Khi chọn tên cho nhân vật của mình, tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều và thảo luận với đồng tác giả là Nguyễn Phương Văn rất kỹ. Ai và Ky ban đầu là Ay và Bi với hàm ý hai điểm A và B trong toán học.

Tuy nhiên, khi câu chuyện bắt đầu thì sứ mệnh của hai cái tên ấy lớn hơn dự tính ban đầu nên cái tên Ai và Ky sẽ thích hợp hơn. Tuy hai nhưng vẫn là một.

Viết một cuốn tiểu thuyết văn học đưa bạn đọc vào thế giới toán học, giáo sư có nghĩ rằng, sách giáo khoa toán không hấp dẫn trẻ nhỏ?

- Tôi cho rằng, sách giáo khoa toán của chúng ta không tệ. Cái cần thay đổi không phải là sách toán mà là cách dạy toán. Sách giáo khoa đáng quan tâm hiện nay là lịch sử.

Cách đây một năm, tôi có đọc sách lịch sử cấp 3 và thật sự băn khoăn vì nội dung của tập sách ấy. Người viết như sợ phê bình, sợ sai nên chẳng dám viết mà chỉ thuần là trình bày các con số. Vì điều này mà sách lịch sử rất khô khan.

Thực tế, sách lịch sử là một nguồn tư liệu tuyệt vời để học sinh suy nghĩ về con người, đất nước... và các con số, sự kiện chỉ là dữ liệu. Tôi không tin lịch sử là một vòng quay của ngày tháng, mà là cảm nhận của mỗi người trên cơ sở các dữ liệu.

* Hình như giáo sư đang đề cao vai trò của người trí thức?

- Tôi nghĩ đơn giản, người trí thức không phải là những người đi dạy người khác nên làm thế này hay thế khác, mà là những người có thể chỉ ra lựa chọn trong mỗi vấn đề. Không phải ai cũng có thể lựa chọn những vấn đề của cuộc sống. Người trí thức biết phân tích và lựa chọn tốt để những người khác có thể nhìn vào lựa chọn đó tham khảo.

* Trong Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình có sự xuất hiện của triết gia Diogenes. Tại sao lại có sự lựa chọn này trong khi ảnh hưởng của ông ấy đến toán học gần như không có?

- Triết gia Diogenes không ảnh hưởng đến toán học nhưng tinh thần và cách sống của nhân vật này rất đặc biệt. Ông luôn hướng thiện, sẵn sàng phản kháng để bảo vệ chân lý của mình, không bắt mình phải luồn cúi...

* Không chỉ Diogenes, trong tập sách còn rất nhiều nhân vật nổi tiếng khác. Mỗi nhân vật đều có đời tư ẩn ý, thưa giáo sư?

Bìa sách "Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình"

- Tôi muốn người đọc biết nhiều về đời sống của những nhân vật trong Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình. Không chỉ các nhân vật, những sự kiện trong sách đều có ý nghĩa riêng.

Hẳn rất nhiều người biết đến ý nghĩa của danh tác Alice lạc vào xứ sở thần tiên (Alice in wonderland). Đây là tác phẩm cung cấp cái sườn văn học cho Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình.

Như chuyện anh lực sĩ chạy đua với con rùa, sự đánh tráo giữa vô hạn và hữu hạn hiện diện rất nhiều. Đôi khi chúng ta bị viễn hoặc bởi lời nói hay phép tính nào đó và rơi vào trạng thái u mê. Cách hóa giải u mê chỉ đơn giản là một nụ cười trong trẻo.

* Nhưng, cái kết mở của Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình đang khiến người đọc không thỏa mãn?

- Tôi cùng tác giả Nguyễn Phương Văn đã có dự định sẽ có phần tiếp theo của tập sách này. Chúng tôi đang bắt tay vào việc này nhưng chủ đề của cuốn sách, thế giới mà Ai và Ky sẽ đến tiếp theo, chúng tôi xin giữ bí mật.

* Có bí mật như cách mà giáo sư học giỏi toán không, thưa ông?

- Thật sự tôi không có bí quyết nào để giỏi toán. Tôi chỉ đơn giản là chăm học!

* Vậy có bí quyết nào để giáo sư có thể đối mặt với khó khăn trong cuộc sống?

- Ai cũng có lúc khó khăn. Có khi, đó là ngõ cụt, không lối thoát. Để vượt qua khó khăn, tôi nghĩ, con người phải có sự kiên định. Khi gặp khó, tôi nhắc mình hãy để thời gian đi qua. Xung quanh mình vẫn còn gia đình, còn nhiều người đặt niềm tin vào mình. Sự tin tưởng của mọi người chính là xi măng gắn kết, củng cố cho động lực phấn đấu của mình.

* Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
GS Ngô Bảo Châu: Sẽ tiếp tục hành trình của Ai và Ky
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO