Giấc mơ trồng 100 triệu cây xanh cho TP.HCM

DNSG| 04/02/2023 08:00

Là người yêu thích cây xanh, đam mê trồng cây và từng là giám đốc một công ty kinh doanh về cây kiểng, doanh nhân Đặng Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Green+, Ủy viên ban chấp hành VCCI, Chủ tịch Quỹ Vì chất lượng cuộc sống, khởi xướng và phát động chương trình trồng 100 triệu cây xanh cho TP.HCM, đồng thời là thành viên Hội đồng Sách Doanh nhân, đã có nhiều hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường. Từ năm 2007, ông đã được thành phố mời góp ý kiến về việc trồng và chăm sóc cây xanh trên các con đường ở TP.HCM.

Ông Thành cũng là một trong những doanh nhân tâm huyết truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ trẻ qua hơn 70 cuốn sách về kinh tế, bí quyết kinh doanh. Sách Môi trường xanh và chất lượng cuộc sống là cuốn sách thứ 3 của ông về chủ đề cây xanh và môi trường nhằm hưởng ứng việc trồng 100 triệu cây xanh cho TP.HCM.

Cuốn sách Môi trường xanh và chất lượng cuộc sống, ngoài việc nhắc nhở mọi người về lợi ích của cây xanh đối với môi trường sống cũng như tác hại của biến đổi khí hậu, ông Thành đưa ra những giải pháp để huy động toàn xã hội vào việc trồng cây xanh, cũng như gìn giữ và bảo vệ những cây đã trồng để việc trồng cây làm sao đạt hiệu quả nhất.

* Đây là tập sách thứ ba của ông về chủ đề cây xanh và môi trường, ông kỳ vọng gì khi xuất bản những cuốn sách này? 

- Năm 2010 tôi ra cuốn sách đầu tiên mang tên Chuyên đề cây xanh, giá trị cuộc sống đích thực. Đến năm 2020, tôi viết cuốn Môi trường xanh và đề án trồng cây xanh tỉnh Bến Tre, nhân dịp phát động trồng 10 triệu cây xanh cho tỉnh Bến Tre. Đến nay nhân việc trồng 100 triệu cây xanh cho TP.HCM, tôi viết cuốn sách Môi trường xanh và chất lượng cuộc sống.

Trong cuốn sách thứ ba này, có Chủ tịch TP.HCM - ông Phan Văn Mãi viết lời giới thiệu. Công việc trồng cây xanh từ trước đến nay đã có nhiều người và nhiều công ty làm, nhưng tôi nhấn mạnh cách huy động được nguồn lực từ xã hội để hoàn thành công trình trồng cây xanh, tức là về nguồn cây, cách trồng và bảo dưỡng. Tất cả những chương trình đó phải có sự tổ chức, nòng cốt là thành lập được Ban điều hành trồng cây của từng địa phương, gồm sở, ban ngành, trong đó có lãnh đạo Đảng và lãnh đạo chính quyền, các doanh nghiệp tham gia. Cuốn sách Môi trường xanh và chất lượng cuộc sống giúp mọi người hiểu rõ hơn và kỹ hơn những lợi ích từ việc trồng cây xanh. 

cuốn sách Môi trường xanh và chất lượng cuộc sống.

Bìa cuốn sách Môi trường xanh và chất lượng cuộc sống

*Làm thế nào để đạt mục tiêu ông vừa mới chia sẻ là trồng 100 triệu cây xanh cho TP.HCM?

- Kinh nghiệm khi phát động trồng 10 triệu cây xanh cho tỉnh Bến Tre, có rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân không tham gia chương trình ngay từ đầu. Nhưng sau khi thấy chúng tôi triển khai thì họ như được chạm đến trái tim, ví dụ như Tập đoàn CP của Thái Lan. Đầu tiên họ không tham gia chương trình trồng cây xanh cho tỉnh Bến Tre nhưng bây giờ họ đang trồng hàng triệu cây mỗi năm. 

Bên cạnh đó là Công ty CP Sake Toàn Cầu, coi chương trình, họ thấy hay và đăng ký trồng cây. Còn có rất nhiều người khác nữa cũng hưởng ứng như họ. Tùy theo sức của mình, các doanh nghiệp và nhiều cá nhân đóng góp rất hiệu quả. 

* Tại sao ông cho rằng TP.HCM cần 100 triệu cây xanh? 

- Theo đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu từ năm 2021. Trong 1 tỷ cây xanh thì Bến Tre trồng 10 triệu cây, còn TP.HCM là một thành phố lớn cho nên số lượng sẽ nhiều hơn. 

* Ông lên kế hoạch thực hiện mục tiêu này như thế nào? 

- Toàn bộ công việc tổ chức trồng, bảo dưỡng, chăm sóc cây là của tất cả mọi người chứ không riêng một cá nhân hay một quỹ từ thiện. Các cá nhân hay quỹ từ thiện chỉ là góp thêm viên đá vô thôi và là một trong những người xung phong và nó còn tùy theo sức của mình. Tức là để làm sao từ 1, 2 người tới hàng ngàn người, hàng triệu, tất cả cùng tham gia, như vậy thì kết quả đó là của xã hội chứ không phải là sáng kiến của cá nhân. 

Hiện nay có rất nhiều các tập đoàn đồng hành cùng với chương trình này, ví dụ như Tập đoàn Sơn Nippon, Tập đoàn Green+, Tập đoàn Thành Thành Công, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Công ty Tập đoàn CP Thái Lan, Công ty Sake Toàn Cầu... Bên cạnh đó lực lượng đoàn thanh niên, hội phụ nữ, trường đại học, trung học, cao đẳng đều tham gia rất nhiệt tình. Để làm được điều này thì cần phải có sự đồng lòng của tất cả mọi người tham gia. Kể cả các bạn sinh viên, nếu hằng ngày họ truy cập vô trang mạng 100 triệu cây xanh càng ngày càng đông thì sẽ tạo ảnh hưởng, chạm đến trái tim của cộng đồng. Rất nhiều người có tấm lòng, có tiền của, có công sức họ sẽ đóng góp.

* Làm sao để 100 triệu cây xanh sau khi trồng có thể sống và phát triển tốt? 

- Sẽ có những đơn vị chuyên môn làm tham mưu cho lĩnh vực chọn giống cây gì để tránh trường hợp trồng xuống rồi sau này chặt bỏ, trồng lại. Thứ hai là tổ chức bảo dưỡng, công tác này cần huy động mọi nguồn lực. Cái hay của đề án này là không dùng đến kinh phí ngân sách mà từ xã hội đóng góp. Cho nên mỗi người đóng góp một ít tùy theo khía cạnh. 

Trong đó trường ĐH Nông Lâm là chuyên khoa về cây trồng. Sở Kiến trúc và Quy hoạch TP.HCM tham mưu là nên trồng ở đâu, trên loại đất nào. Sau khi trồng xong rồi, chia ra từng địa phương lo việc chăm sóc. Các hội đoàn sẽ đưa vô chương trình thi đua cho từng gia đình, khuyến khích họ bảo vệ cây trước nhà họ và như vậy thì cả cộng đồng lo chăm sóc cây chứ không phải chỉ một vài người. 

* Ông hình dung TP.HCM của chúng ta sẽ có diện mạo như thế nào khi hoàn thành mục tiêu như vậy?

- Chúng ta hình dung nếu 100 triệu cây xanh này được trồng lên rồi thì mật độ và lượng oxy ở đây sẽ dày đặc. Khi chúng ta mở cửa ra thì mọi người sẽ rất thoải mái. Lấy ví dụ khu vực Phú Mỹ Hưng, khi chúng ta mở cửa ra thì thấy không khí thoáng đãng vì mật độ cây xanh được trồng nhiều. 100 triệu cây xanh ở đây bao gồm cây trong nhà, cây trên tường, cây đường phố... 

Thứ hai là các cửa ngõ vào thành phố mình sẽ làm cho nó đẹp hơn và sẽ hấp dẫn du khách. Giống như Singapore, khi đi từ ngoài sân bay vô trung tâm thì có rất nhiều các loại cây, cây thấp, cây lùn, cây cao... nó không phải 1 - 2 cây mà có từ 10 loại cây. Quan trọng nhất là chất lượng cuộc sống cho chính chúng ta. 

Đặng Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Green+

Ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Green+

* Tình trạng xâm nhập mặn đang gia tăng tại các tỉnh thành miền Tây Nam bộ. Theo ông, chúng ta nên làm gì? 

- Vấn đề ngập mặn thì có rất nhiều các giải pháp và những giải pháp đó phần lớn sẽ tốn rất nhiều tiền. Nhưng trong đó có một giải pháp là tổ chức trồng cây, những cây phù hợp ngăn mặn. Đối với những chỗ thường xuyên bị ngập mặn thì cần phải có các loại cây ngăn mặn được trồng với số lượng nhiều hơn, dày hơn, để vừa giữ đất vừa cải tạo được đất. Nó sẽ làm giảm đi tác hại của biến đổi khí hậu. 

* Theo phân tích và dẫn chứng của ông, ngoài các lợi ích như ngăn lũ lụt, cải thiện khí hậu và cung cấp oxy, thì cây xanh còn tạo nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon. Vậy nên làm gì để có thể tận dụng lợi thế này? 

- Chúng ta phải hiểu rằng mình đang tìm giải pháp làm sao để có nguồn tiền từ xã hội mà không phải từ kinh phí nhà nước, đủ để tổ chức trồng cây, bảo dưỡng và một trong những nguồn tài chính đó là phát hành tín chỉ carbon. Như hiện nay, một số tỉnh đang thí điểm chương trình này, chẳng hạn Quảng Nam đã ký bán 6 triệu tín chỉ, thu về 30 triệu USD từ năm 2021- 2025. Thứ hai là theo cam kết của quốc tế, đến năm 2023, những công ty và đơn vị mất cân đối về khí thải nhà kính, ví dụ như ngành hàng không, sắt thép, nếu không có một số tín chỉ carbon thì không được bay qua nước khác. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp phải đi trồng rừng để họ có tín chỉ carbon nhằm cân đối với lượng khí thải nhà kính mà họ phát ra. Giá một tín chỉ carbon hiện nay là 5 USD, có thể sẽ tăng lên 5 - 10 lần trong tương lai, bởi vì rất nhiều người cần. Cho nên mình cần phải lưu ý đó là một nguồn thu để tổ chức trồng và bảo quản, chăm sóc cây.

* Câu hỏi của độc giả: Trong nhiều năm ông từng điều hành một công ty về cây kiểng, vậy điều gì khiến ông không tiếp tục kinh doanh ngành hàng này nữa ạ? 

- Tôi kinh doanh cây kiểng là do mình thích, thích nghiên cứu về các loại cây có thể cho thuê được. Tôi làm nghề này trong 15 năm, đó là một công việc rất thú vị. Sau này công việc rất nhiều nên tôi không có thời gian, phải tạm ngưng, để đi sâu vào việc nghiên cứu các giải pháp về cây xanh.

Năm 1994, tôi từng chứng kiến trước một tòa nhà rất lớn ở Nhật, có nguyên chiếc xe tải chở một bức tranh bằng cây trong 10 phút đồng hồ, họ đã làm thay đổi mặt tiền của cả ngôi nhà đó. Khi thuê cây, cứ mỗi hai tuần người ta sẽ đến thay đổi, cho nên lúc nào mặt tiền của tòa nhà cũng mới mẻ và làm cho con người làm việc hay giải trí trong đó cũng dễ chịu. Nếu các bạn bắt đầu từ ngành cho thuê cây kiểng, bạn sẽ kiếm ra tiền. 

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giấc mơ trồng 100 triệu cây xanh cho TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO