Biết đủ không có nghĩa là dừng lại

DNSG| 21/01/2023 08:00

Nhằm lan tỏa văn hóa đọc và viết trong cộng đồng, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn kết hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) cùng Công ty CP Tập đoàn Hành Trình Kim Cương thực hiện chương trình Cuốn sách cuộc đời.

Trong số 2 chương trình Cuốn sách cuộc đời là cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hải Bình - nhà đồng sáng lập của Học viện đào tạo Genius, Công ty Đầu tư Tài sản Khôn Ngoan Waier, đại diện nhóm tác giả (bao gồm LS. Đậu Quyên và nhà đào tạo Nguyễn Bình Minh) cuốn sách Tay hòm chìa khóa - Bí quyết quản lý tài sản dành cho người chưa giàu.

* Lý do nào mà bà và nhóm cộng sự lại đặt tên cuốn sách là Tay hòm chìa khóa?  

- Ba chúng tôi đều là những đứa con của miền Bắc, hiểu được ý nghĩa của câu “Tay hòm chìa khóa” chính là chỉ bà mình, mẹ mình - người giữ linh hồn của túi tiền cũng như là bữa cơm manh áo của gia đình. Vì thế chúng tôi quyết định lấy tên cuốn sách là như vậy.

uốn sách “Tay hòm chìa khóa - Bí quyết quản lý tài sản dành cho người chưa giàu”.

Bìa cuốn sách Tay hòm chìa khóa - Bí quyết quản lý tài sản dành cho người chưa giàu

* Từ những chương đầu, cuốn sách Tay hòm chìa khóa đã khẳng định “tiền đâu là đầu tiên” chỉ đúng với những việc nhỏ, với những người chưa có tiền. Còn đối với những người nghĩ lớn, làm việc lớn thì tiền lại là yếu tố đến sau cùng. Bà có thể lý giải rõ ràng hơn?

- Với đại đa số thì câu hỏi đầu tiên luôn là tiền đâu, làm gì cũng cần tiền, chẳng hạn: tiền cho con đi học, tiền hôm nay ăn gì, tiền ngày mai biếu ông bà cha mẹ như thế nào... Rất nhiều người đã hỏi rằng tiền đâu rồi lại để đó, người ta sẽ không đi tìm câu trả lời. Có một sự khác biệt rất lớn giữa những người tạm gọi là chưa giàu với những người đã thành công, giàu có. Có nhiều người rất hay hỏi câu “tiền đâu là đầu tiên” nhưng hỏi xong thì người ta để đó. Còn có người không hỏi nhưng đi tìm câu trả lời và đạt được thành công hoặc ít ra cũng có những kết quả tuyệt vời. Điều đó thể hiện “tiền đâu” không phải là đầu tiên, nhất là đối với những việc lớn. 

* Điều này giống như sự khác biệt giữa tư duy của người đã giàu và chưa giàu? 

- Có thể người ta chưa thực sự giàu có lắm, nhưng nếu bắt đầu bằng tư duy như vậy thì ít ra cũng thay đổi được quan niệm về tiền bạc. Câu hỏi “tiền đâu là đầu tiên” phần nào sẽ giảm bớt sự sáng tạo. 

* Trong sách có nhắc đến triết lý “biết đủ là đủ” nhưng mấy ai hiểu rõ thế nào là đủ, vì biết đủ ở mức tối thiểu thì chúng ta sẽ không muốn phấn đấu, còn nếu biết đủ ở mức tối đa thì sẽ không bận tâm đến tiền nữa. Vậy liệu ta có rơi vào vòng luẩn quẩn giữa việc bán sức khỏe, tuổi trẻ, thời gian để kiếm tiền và lại dùng tiền để mua lại sức khỏe ở tuổi xế chiều hay không? 

-5309-1674216490.jpg

- Câu chuyện của việc đủ hay không đủ phụ thuộc vào từng hoàn cảnh. Trong tài chính, không có công thức làm giàu nhanh cho tất cả mọi người nên mỗi người sẽ có những cột mốc, mục tiêu khác nhau để phấn đấu. Ở từng cột mốc, “đủ” được đặt ra hợp lý để bảo đảm an toàn và độc lập. Sau đó, tiến tới cột mốc cao hơn để cảm thấy tự do, tự chủ.

Lưu ý rằng không nên bán sức lao động quá mức khi còn trẻ để rồi sau này dùng chính số tiền đó mua lại sức khỏe. Thực sự, khi đưa những điều này vào trong cuốn sách thì thông điệp chúng tôi hướng tới là sự bình an, đó là cái đích cuối cùng. 

* Vậy xin phép được hỏi bà là tại thời điểm này, bà đã biết đủ hay chưa? 

- Bản thân tôi làm về tài chính thì luôn biết hoạch định cuộc sống theo đúng mục tiêu. Và tại thời điểm này, tôi dù biết đủ nhưng sẽ không dừng lại bởi vì cuộc đời tôi còn phải trả ơn rất nhiều, bằng việc lan tỏa những điều mình biết. Biết đủ, không có nghĩa là dừng lại. 

* Tôi thường nghe tiết kiệm là một cách để giàu hơn. Tuy nhiên, người giàu lên nhờ tiết kiệm thì cũng không thể đạt được tự do tài chính bằng việc tạo ra nhiều nguồn thu nhập. Chẳng hạn như có một số người nhiều tiền rồi nhưng vẫn không dám ăn ngon hay đi du lịch, mua gì cũng phải đắn đo, cân nhắc. Bà nghĩ thế nào?

- Giống như bạn nói có rất nhiều người nhiều tiền nhưng cuộc sống vẫn không sung sướng, nguyên do có thể là hoàn cảnh kinh tế, thói quen về tiền bạc. Giống như từ bé mình đã được dạy phải biết chắt góp, không được tiêu xài hoang phí. Điều đấy đúng ở một mức độ nào đó. Còn nếu muốn trở nên thật giàu có, tiền đẻ ra tiền thì tiết kiệm sẽ không làm được.

Tiết kiệm không phải là cách để đẻ ra nhiều tiền, nhưng tiết kiệm sẽ là bước đầu để chúng ta có tiền mà đầu tư. Quan trọng quá về tiền bạc cũng là điều không tốt, nên cần có sự cân bằng. Nhưng để thực sự thịnh vượng và giàu có hơn thì tiết kiệm không phải là con đường đúng đắn nhất. Mọi người cần phải trang bị thêm kiến thức về đầu tư, về quản lý tiền bạc... thì chúng ta mới có thể bước lên tầng cao mới. 

* Phụ nữ thường được giao giữ “tay hòm chìa khóa” nhưng thực tế nhiều người không có kỹ năng quản lý tài chính nên dễ làm mất hòa khí. Theo bà, làm sao có thể dung hòa được điều này, giao cho ai thì hợp lý và bà có đang là người giữ tay hòm chìa khóa trong gia đình mình?

- Không có công thức chung là nam hay nữ, là chồng hay vợ giữ “tay hòm chìa khóa” trong gia đình, vấn đề là ai phù hợp nhất. Đôi khi ở trong gia đình mặc dù các bà vợ giữ tiền nhưng người quyết định các khoản chi lớn lại là ông chồng. Chồng là kế toán trưởng, còn vợ chỉ là thủ quỹ.

Trong tài chính thì không có một công thức chung nào cho tất cả gia đình. Tôi nghĩ rằng trong gia đình, chồng hay vợ giữ “tay hòm chìa khóa” cũng được, nhưng cần ngồi lại với nhau bàn bạc khi đưa ra quyết định. Còn trong gia đình tôi, mặc dù tôi là thủ quỹ nhưng các khoản lớn thì “kế toán trưởng” là chồng tôi vẫn phải duyệt, đấy là sự bàn bạc, chia sẻ trong gia đình.

* Một câu hỏi của bạn đọc gửi đến như sau: Bản thân bà đã chọn đầu tư vào kênh nào để nhân tiền lên một cách an toàn và hiệu quả?”.

- Mình cũng là một nhà đầu tư, vừa đầu tư dài hạn, vừa đầu tư ngắn hạn và là một nhà giao dịch. Đối với người làm nghề tài chính như mình thì thị trường biến động không là vấn đề, ở đâu cũng thấy cơ hội. Mình luôn luôn tìm được những cơ hội ở trong thị trường.

Từ những khoản đầu tư ngắn hạn mình có thể chuyển sang những khoản đầu tư dài hạn như mua đất, mua tài sản về lâu dài. Nhưng để làm được chuyện đó thì cần phải có kiến thức, có thời gian để chúng ta đầu tư kiến thức vào bản thân mình. Đầu tư vào kiến thức đã, xong sau đó mới có kết quả được.

* Thêm một câu hỏi nữa: “Em hoang mang khi thấy bạn bè làm ra nhiều tiền, mua nhà, mua xe trong khi lương mình thì ba cọc, ba đồng. Em cảm thấy mình hay bị so sánh học nhiều mà không kiếm tiền được bao nhiêu và thấy nhiều người làm ăn bất chấp mà chẳng hề hấn gì. Chị có thể gợi mở thêm cách để vượt qua?”.

- Tốt hơn hết là mình không nên hoang mang nữa, sau đó nên tập trung vào bản thân mình. Đó là trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, biết cách quản lý tài chính và biết cách tiết kiệm đúng mức. Chỉ có tiết kiệm thì mới có một khoản tiền nào đó để đầu tư, sau đó cùng với các kiến thức chúng ta học được, từng bước làm cho khoản tiền đó sinh sôi nảy nở.

Bạn đừng nên hoang mang mà hãy tập trung, tin tưởng vào mình, người ta làm được, mình sẽ làm được. Các bạn trẻ phải vừa chăm chỉ, vừa thông minh. Làm việc thông minh thôi chưa đủ, tuổi trẻ phải làm việc chăm chỉ, cộng với sự thông minh thì sẽ đẩy nhanh tốc độ để có được thành công từ sớm. Một trong những điều làm cho mọi người chưa thành công theo mình là do có quá nhiều sự phân tán. Vì thế làm điều gì thì phải tập trung vào điều đó.  

* Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Biết đủ không có nghĩa là dừng lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO