Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023

T.Hải| 19/03/2023 01:16

Bộ Công Thương vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 tại Quyết định số 204/QĐ-BC, ngày 9/2/2023.

Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 của Bộ Công Thương được ban hành với mục đích thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai và phối hợp thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng nhằm đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin pháp luật cho doanh nghiệp; tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp; tiếp nhận vướng mắc và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Thông qua đó giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, đầy đủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực nhà nước của Bộ Công Thương, tạo hành lang pháp lý an toàn, hiệu quả cho hoạt động và phát triển của doanh nghiệp theo quy định của Hiến pháp và Pháp luật.

Hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý trọng tâm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023, gồm: cung cấp thông tin; tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp nhận vướng mắc và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật.

-5421-1679199330.jpg

Theo kế hoạch, các hoạt động/lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 của Bộ Công Thương gồm: Cung cấp thông tin cho doanh nghiệp; công nhận và công bố mạng lưới tư vấn viên pháp luật ngành Công Thương; tiếp nhận, nghiên cứu các kiến nghị của doanh nghiệp, đề xuất sửa đổi, bổ sung ban hành mới hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 81/QĐ-TTg, ngày 19/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ theo điều 6 tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP

Điều 6. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.

1. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

2. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Như vậy, theo quy định mới của pháp luật thì tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có sự thay đổi như:

- Doanh nghiệp siêu nhỏ có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ hoặc nguồn vốn không quá 3 tỷ.

- Doanh nghiệp nhỏ: có số lao động tham gia BHXH bình quân không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ

- Doanh nghiệp vừa: Có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO