KDC đã qua thời kỳ khó khăn?

16/06/2019 01:26

Năm 2018, ngành FMCG của Công ty CP Tập đoàn KIDO (KDC) không tăng trưởng như kỳ vọng và dự báo trước đó đã ảnh hưởng đến ngành hàng lạnh của KDC. Nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp đặc biệt là sự thay đổi chính sách thương mại của Mỹ và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã có tác động tiêu cực đến ngành dầu ăn, vốn là ngành kinh doanh cốt lõi của KDC. Giá dầu thế giới liên tục sụt giảm, cùng với biến động tỷ giá đã khiến cho KDC bị “lỗ” ngay khi nguyên liệu giao về đến cảng.

KDC đã qua thời kỳ khó khăn?

Năm 2018, mức tăng trưởng của KDC không như kỳ vọng. Cụ thể, doanh thu thuần của KDC đạt 7.609 tỷ đồng, tăng 8,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 177 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt 133 tỷ đồng, chiếm 75% trong cơ cấu lợi nhuận và đạt tốc độ tăng trưởng 40% so với cùng kỳ. Cổ tức thực hiện 10% bằng tiền, tương đương dành 205,7 tỷ đồng để thanh toán cổ tức.

Trước bối cảnh đó, KDC đã chủ động thực hiện nhiều thay đổi mạnh mẽ để giảm thiểu tác động từ thị trường đến hoạt động kinh doanh và chiến lược tập đoàn. Cụ thể, đối với ngành hàng lạnh, KIDO chủ trương phát triển các sản phẩm cốt lõi của ngành kem và theo đuổi mục tiêu phát triển khẩu vị địa phương. KIDO đứng ngoài cuộc đua giảm giá, khuyến mãi trên thị trường sữa chua và thận trọng tập trung vào việc tung sản phẩm mới ngành thực phẩm lạnh.

Nhờ vậy, kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm của Tập đoàn đạt doanh số tăng trưởng tốt, hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận. Tuy nhiên, theo ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn, KDC và các công ty vẫn phải đặt kế hoạch thận trọng, bởi không thể lường hết được diễn biến của ngành dầu ăn.  Cụ thể, doanh thu dự kiến 2.665 tỷ đồng, lợi nhuận 137 tỷ đồng, tương ứng 46% kế hoạch cả năm.

Hiện nay, các mảng kinh doanh cốt lõi của KDC bao gồm mảng dầu ăn và đông lạnh, thông qua việc sở hữu các công ty thành viên, bao gồm 51% VOC, 75% TAC, 75% Golden Hope Nhà Bè, 60% KDF.Chiến lược của KDC trong 2019 là tập trung phát triển sản phẩm cốt lõi, cao cấp hóa sản phẩm, tung sản phẩm mới cần kết nối chặt chẽ với người tiêu dùng hơn và nâng cao quản trị. Ngoài ra, KDC cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư M&A và chọn lọc đối tác để thực hiện OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc).

Cũng theo ông Thành, tuy mới chuyển mình hai năm, nhưng trong ngành dầu thì KDC có thị phần tương đối cao. Thời kỳ KDC gặp khó khăn xem như đã qua và sẽ có những phát triển vượt bậc trong thời gian tới, cộng thêm đầu tư cho các ngành chuẩn bị tham gia và các khoản đầu tư khác sẽ mang lại hiệu quả xứng đáng. Ngành dầu đang tăng với tỷ lệ hàng năm cao, nhất là sau khi chiếm được thị phần tốt thì lợi nhuận sẽ ngày càng cao.  

Năm 2019, KDC đặt kế hoạch doanh thu thuần 8.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, tăng 70% so với năm 2018. Cổ tức dự kiến 12% bằng tiền mặt. Theo ban  lãnh đạo, KDC đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2019 thận trọng để dành nguồn lực tài chính để làm cơ sở hạ tầng, tìm kiếm cơ hội đầu tư M&A, chọn lọc đối tác thực hiện OEM. Ban điều hành KDC tin tưởng chắc chắn sẽ đạt được kế hoạch kinh doanh đã đề ra.

Trong chiến lược phát triển ngành dầu ăn, mỗi thương hiệu dầu của Tập đoàn sẽ hướng tới một phân khúc, nên không có sự cạnh tranh lẫn nhau. Trong đó, Tường An tập trung vào nhóm tiêu dùng - sản phẩm cao cấp; Vocarimex tập trung vô mảng bán buôn - kênh công nghiệp và kênh xuất khẩu; Golden Hope hướng đến phân khúc tầm trung.

Bên cạnh đó, mở rộng nhiều nguồn cung cấp nguyên liệu. KDC có lợi thế nhà mua nguyên liệu lớn nên có nhiều lựa chọn và chọn mua với giá cạnh tranh. KDC đi theo chiến lược cao cấp hóa sản phẩm do nhu cầu của người dân - chọn lựa sản phẩm có lợi cho sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
KDC đã qua thời kỳ khó khăn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO