![]() |
Năm 2016, thị trường smartphone toàn cầu chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các thương hiệu đến từ Trung Quốc, và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Đọc E-paper
Trong khi số lượng bán ra quý I/2016 của các ông lớn Samsung, Apple sụt giảm lần lượt là 0,6% và 16,3% so với cùng kỳ năm 2015 thì các thương hiệu của Trung Quốc như Huawei, Oppo, Vivo lại tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt là 58,4%, 153,2% và 123,8%.
Tại thị trường Việt Nam, thị phần của Oppo đã tăng nhanh chóng, từ 2,7% năm 2014 lên 15,1% năm 2015 và 21,5% trong 5 tháng đầu năm 2016.
"Tiên hạ thủ"
Tháng 7/2016, thị trường Việt Nam chứng kiến hàng loạt sự kiện các thương hiệu smartphone Trung Quốc ra mắt giới truyền thông và kinh doanh. Cụ thể là hai hãng Gionee, Oukitel đã thông qua nhà phân phối chính thức là Công ty PHTD có buổi gặp gỡ giới truyền thông và đại lý kinh doanh. Cùng thời điểm, hai thương hiệu Elephone và Infinix cũng giới thiệu thương hiệu và sản phẩm dự kiến bán tại Việt Nam. Trong khi đó, hai thương hiệu dẫn đầu của Trung Quốc là Huawei và Vivo cũng có một buổi giới thiệu sản phẩm thuộc phân khúc trung cao (giá từ 5,5 - 11 triệu đồng) thông qua hai đại sứ thương hiệu là Mỹ Tâm và Trấn Thành.
Như vậy, thị trường điện thoại di động Việt Nam đang tràn ngập các thương hiệu mới đến từ Trung Quốc bên cạnh các thương hiệu đã có mặt trước đây như Oppo, Meizu, Xiaomi, Lenovo, Philips... Cuộc đổ bộ này đã phủ kín các phân khúc sản phẩm từ thấp đến cao.
Lý giải vì sao tháng 7 các hãng Trung Quốc đều phải ra quân, ông Trần Quân, một đại lý kinh doanh điện thoại, cho biết: "Đây là tháng khởi đầu cho kinh doanh của 2 quý còn lại trong năm 2016 nên việc lựa chọn thời điểm này là hợp lý nhất bởi số liệu và báo cáo 6 tháng đầu năm đã được các hãng điện thoại nghiên cứu khá kỹ lưỡng. Ngoài ra cũng có thông tin bên lề về việc hai đại gia Samsung và Apple sẽ ra quân trong tháng 8 và 9 cho loạt siêu phẩm mới, nên các hãng điện thoại Trung Quốc phải "tiên hạ thủ” nếu muốn tồn tại tại thị trường Việt Nam".
Ông Quân chia sẻ thêm: "Các thương hiệu Smartphone Trung Quốc thường vẫn dùng "chiêu thức" đánh theo lô. Nhà phân phối sẽ lựa chọn một mẫu sản phẩm và nhập khoảng 1.000 - 3.000 sản phẩm/tháng, kinh doanh thông qua kênh trực tuyến như Lazada, hoặc bỏ mối trực tiếp cho các đại lý, cửa hàng. Nếu chiến lược thăm dò thành công trong khoảng 6 tháng, thì họ sẽ chuyển sang bước hai là lập văn phòng đại diện hoặc chọn nhà phân phối chính thức để hoàn thiện dịch vụ khách hàng và kết hợp các hoạt động nhận biết thương hiệu cho người tiêu dùng. Trường hợp thất bại, họ sẽ âm thầm rút lui không kèn không trống, chờ đợi một cơ hội khác để vào thị trường hoặc tái cơ cấu, quay lại bài toán lựa chọn đối tác phân phối phù hợp hơn".
Chẳng hạn như thương hiệu điện thoại Alcatel thuộc sở hữu của Tập đoàn TCL, Trung Quốc đã phát triển tại thị trường Việt Nam từ rất lâu nhưng sau động thái tái cơ cấu cuối năm 2015, Hãng đã thay đổi thương hiệu thành Flash vào từ năm 2016, tập trung kinh doanh qua Lazada với mẫu điện thoại Flash 2 có giá khoảng 2 triệu đồng cho cấu hình gồm bộ xử lý 8 nhân và RAM 2GB. Doanh số khá tốt nên cuối tháng 6, Hãng tiếp tục giới thiệu Flash Plus 2 có giá 3,2 triệu đồng với thiết kế khung kim loại và cấu hình mạnh hơn.
Tương tự, hãng Infinix đã âm thầm vào Việt Nam vào cuối năm 2015, và thông qua kênh bán hàng qua mạng Lazada giới thiệu mẫu HotNote với giá bán 2,7 triệu đồng, kế đến là mẫu Zero 3 với giá 4,7 triệu đồng trong quý I/2016. Đến tháng 7 là sản phẩm Hot 3 với giá bán 2,7 triệu đồng.
Tất cả cho thấy những bước đi đầy tính toán và chiến lược khi các hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc đều đã nghiên cứu khá kỹ hành vi tiêu dùng của người Việt Nam thông qua các số liệu và dữ liệu thị trường.
Nhìn chung, người dùng vẫn ưa thích những mẫu sản phẩm có cấu hình mạnh, thiết kế đẹp và mức giá dưới 5 triệu đồng. Đây cũng là toan tính chung của những thương hiệu sản phẩm mới khi vào Việt Nam. Chẳng hạn như Hãng Elephone khi giới thiệu sản phẩm P9000 chỉ nhấn mạnh là màn hình dùng của LG, bộ nhớ của Samsung, thiết kế nhôm nguyên khối và mức giá chỉ 4,9 triệu đồng, hoặc là dòng giá rẻ S1 với bộ khung nguyên khối 2 mặt kính trước và sau kết hợp cảm biến vân tay, giá "không tưởng" 1,9 triệu đồng.
Chất lượng vẫn là câu hỏi
Ông Brent Samuel Loree - đại diện cho Vivo toàn cầu cho biết: "Năm 2016, thị trường Việt Nam sẽ có sự thay đổi khi các thương hiệu Trung Quốc dẫn đầu vào và bắt đầu giới thiệu hàng loạt mẫu điện thoại ở phân khúc trung cao, sản phẩm hoàn thiện hơn...". Chẳng hạn, Oukitel giới thiệu loạt sản phẩm K4000 Pro được trang bị lớp kính cường lực cho màn hình cảm ứng dày gấp đôi so với các đối thủ, đồng nghĩa màn hình có thể chống va đập tốt hơn, hoặc sản phẩm K10000 có pin dung lượng 10.000mAh đảm bảo nghe gọi trong 3 ngày. Philips Mobile (Trung Quốc) đã giới thiệu với người dùng công nghệ SoftBlue, một giải pháp loại bỏ ánh sáng xanh trên màn hình bằng phần cứng bên trong điện thoại nhằm bảo vệ đôi mắt tốt nhất.
Còn Coolpad thì giới thiệu Coolpad Max, điện thoại đầu tiên có hai vùng dữ liệu, người dùng chỉ cần chạm vào một tính năng trên màn hình thì sẽ chuyển đổi qua một không gian lưu trữ hoàn toàn khác trên điện thoại, thậm chí khi cắm vào máy tính cũng không thể chép được dữ liệu ra. Đây là giải pháp an toàn cho người dùng cần một không gian riêng tư.
Trong khi đó, Infinix khi ra mắt điện thoại Hot 3 lại có bộ phụ kiện là vòng đeo tay thông minh và tai nghe khử tiếng ồn. Bà Lily Wang, đại diện Infinix, cho biết: "Thay vì chạy đua về cấu hình và giá thì chúng tôi cố gắng tạo một giải pháp dành cho người dùng hiệu quả hơn. Chẳng hạn điện thoại Hot 3 kết hợp với vòng đeo thông minh có thể theo dõi tình trạng tim mạch, đếm bước đi và theo dõi giấc ngủ. Ngoài ra, tai nghe khử tiếng ồn là một công nghệ chỉ có ở các sản phẩm cao cấp, tai nghe này ngoài dây cắm còn cần sạc pin cho hệ thống khử tiếng ồn, hoạt động liên tục 10 tiếng đồng hồ... Đây mới là xu hướng sử dụng điện thoại tương lai vì kết hợp được nhiều lợi ích phục vụ cho nhu cầu cuộc sống".
Các thông tin quảng cáo nghe rất kêu. Tuy nhiên, với cách làm "có thể biến mất bất kỳ lúc nào" của các thương hiệu smartphone đến từ Trung Quốc trước đây nên người tiêu dùng vẫn cần có thời gian trải nghiệm. Bởi các hãng điện thoại Trung Quốc vẫn chưa xây dựng được cộng đồng người dùng trung thành như Apple hay Samsung.
>Huawei: Bí quyết trở thành hãng smartphone lớn thứ 3 thế giới
>Thị trường smartphone Việt Nam: Ẩn số Oppo
>Xiaomi và chiến lược "bắt chước - làm tốt hơn"