Nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam chỉ chiếm hơn 1% tổng số lao động

Minh Huy| 02/06/2023 03:07

Tỷ lệ nhân lực ngành công nghệ thông tin trên tổng số lao động quốc gia của Việt Nam hiện ước đạt 1,1% trong tổng số 51 triệu lao động, khá thấp so với các nước định hướng công nghệ như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%) hay Ấn Độ (1,78%).

Nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam chỉ chiếm hơn 1% tổng số lao động

Việt Nam có ưu thế cao nhờ cơ cấu dân số vàng với 69% trong độ tuổi lao động, nhưng vẫn đang gặp tình trạng thiếu hụt nhân lực số đáng kể. Theo báo cáo “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực số” mới đây của FPT Digital, Việt Nam có gần 400.000 kỹ sư công nghệ thông tin và hơn 50.000 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm. Tuy vậy, chỉ có khoảng 30% lực lượng nhân sự công nghệ thông tin này đáp ứng được yêu cầu thực tế của công việc.

Tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động quốc gia của Việt Nam ước đạt 1,1% trong tổng số 51 triệu lao động. Tỷ lệ này khá thấp so với các nước định hướng công nghệ như Mỹ, Hàn Quốc hay Ấn Độ. Cụ thể, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin của Ấn Độ là 1,78% trên tổng số lao động quốc gia, của Hàn Quốc là 2,5% và của Mỹ là 4%. Tuy nhiên, tỷ lệ này của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 2% và cùng với đó là nâng cao chất lượng kỹ thuật trong thời gian tới.

Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Mục tiêu đến đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP. Dự báo năm 2030, kinh tế số thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 7-16%, tương đương khoảng 28-62 tỷ USD.

Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp thực hiện thúc đẩy nền kinh tế số nước nhà, trong đó con người là một trong những yếu tố trọng tâm. Nguồn nhân lực mới với tư duy số và kỹ năng số sẽ là lực lượng chủ yếu để triển khai và hiện thực hóa, quyết định sự phát triển của nền kinh tế số.

Ở góc độ doanh nghiệp, nhu cầu tìm kiếm, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực số ngày càng cấp bách để có thể thành công chuyển đổi thành doanh nghiệp số. Theo khảo sát của FPT Digital, những doanh nghiệp có khối nhân sự số trưởng thành hơn sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn từ 12-20% so với khối doanh nghiệp có nhân sự số kém hoàn thiện hơn.

Đồng thời, với những doanh nghiệp áp dụng chiến lược nhân sự số thường đạt mức độ gắn kết của nhân viên tăng và tỷ lệ giữ chân nhân viên tăng lên hơn 20%. Những doanh nghiệp này có khả năng cải thiện nỗ lực tuyển dụng và có khả năng cải thiện quy trình quản lý tài năng của họ cao gấp 2-3 lần.

Hiện nay, nhu cầu về nhân lực số, nhất là ngành công nghệ thông tin tiếp tục tăng cao. Điều này cũng dễ hiểu khi Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư công nghệ cao. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ có nhận định Việt Nam đang trở thành cường quốc kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á.

Những hãng công nghệ lớn của thế giới như Samsung, Apple, LG, Foxconn, Cisco, Toshiba… đã hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam, bao gồm cả mảng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Bên cạnh đó, những sản phẩm, dịch vụ "make in Vietnam" trong lĩnh vực công nghệ (Fintech, Proptech...) cũng cho thấy tiềm năng phát triển đột phá của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khi đó, nhu cầu chuyển đổi số ngày càng tăng cao giữa các doanh nghiệp, các ngành nghề, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số trở thành bài toán khó. 48,8% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng gián đoạn và thất bại do thiếu nhân sự phục vụ chuyển đổi số. Khảo sát cũng cho thấy có ít doanh nghiệp lập kế hoạch nhân sự trong dài hạn. Cụ thể, chỉ 15% doanh nghiệp lập kế hoạch nhân sự dựa vào sự thay đổi về khoa học, công nghệ, nhu cầu sản phẩm và dịch vụ, quy mô vốn.

Khi xu hướng làm việc từ xa ngày càng được ưa chuộng, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước mở rộng tìm kiếm nguồn lao động tại các quốc gia có thị trường của họ, từ đó dẫn tới cuộc cạnh tranh nhân lực số ngày một gay gắt và khốc liệt: đẩy cao mức lương, tăng các điều kiện làm việc tốt hơn... dẫn tới tăng tình trạng lao động nhảy việc, dự án gián đoạn vì thiếu nhân sự chất lượng cao... ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam.

Chính vì vậy, doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh rõ ràng để xây dựng đúng lộ trình chuyển đổi số, đồng thời có kế hoạch dài hạn cho việc thu hút nhân tài và phát triển con người song song với sự phát triển của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam chỉ chiếm hơn 1% tổng số lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO