HUBA kiến nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ doanh nghiệp

Tâm An| 30/03/2023 07:30

Trước khó khăn của các doanh nghiệp (DN) trong quý I/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa có báo cáo gửi Thường trực UBND TP.HCM và kiến nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội (VBSP) hỗ trợ DN.

HUBA kiến nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ doanh nghiệp

DN sụt giảm doanh thu vì thiếu đơn hàng

Theo báo cáo của HUBA, trong quý I/2023 vừa qua, hầu hết mọi ngành nghề đều sụt giảm doanh thu vì thiếu đơn hàng. Ngay như ngành lương thực thực phẩm, tuy có sự tăng trưởng sản phẩm đồ  uống và một số loại thực phẩm, nhưng doanh thu toàn ngành lại sụt giảm khoảng 2%. Dù Sở Công Thương TP.HCM và các DN đã liên kết thực hiện nhiều  chương trình kích cầu nhưng không mấy khả quan. Dự báo trong quý II/2023, doanh thu toàn ngành ước giảm khoảng 4,07%.

Bên cạnh khó khăn của từng ngành, HUBA cũng tiến hành khảo sát các DN trong Hiệp hội. Kết quả: 41,2% số DN được hỏi gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp; 17,6% bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng; 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp; 17,6% thiếu vốn kinh doanh; 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất - kinh doanh; 6,5% gặp các khó khăn khác. Tổng số DN trả lời ổn định được hoạt động kinh doanh chiếm tỷ lệ 52,9%, còn số DN giảm sút doanh thu là 41,2%. 

Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết, thời kỳ trước dịch, doanh số xuất khẩu của công ty chiếm 12%, hiện tại doanh số xuất khẩu đang giảm 50%, do thị trường bị thu hẹp, chỉ còn Singapore và Trung Quốc. 

Trong lĩnh vực mỹ nghệ và chế biến gỗ, doanh thu xuất khẩu hiện đang giảm khoảng 15%, trong đó các sản phẩm dăm, viên nén, pallet, đồ gỗ giảm đến 45%. Thị trường nội địa cũng không khả quan khi các sản phẩm nội thất cung cấp cho các dự án đóng băng hoàn toàn về công việc và dòng tiền, còn doanh số bán lẻ sụt giảm. Ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất - Thương mại Sài Gòn, đánh giá đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của các DN ngành gỗ. Quý I vừa qua, các DN ngành bất động sản "đóng băng", kéo theo công trình thi công bị đình đốn, ngành cung cấp đồ gỗ nội thất hoàn toàn mất nơi tiêu thụ. 

Trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, lãi suất cao. Ông Nguyễn Minh Hoàng - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển ADB, chia sẻ, là DN phân phối các sản phẩm nhôm công nghiệp, doanh thu của công ty đang giảm 30% vì đơn hàng ít ỏi, trước tình hình các công trình đều dừng xây dựng khiến nhu cầu về nhôm công nghiệp giảm. 

Một số ngành khác như dệt may, cơ khí điện, du lịch cũng chả khá hơn. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may  giảm trên 8% so với cùng kỳ. Nhiều DN dệt may đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Ngành cơ khí điện, thậm chí có DN giảm doanh thu đến 50%. Các DN ngành cơ khí điện Việt Nam đa số là DN nhỏ và vừa, phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động, nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, cố gắng tồn tại.

Trong bối cảnh chung đó, khó khăn nhất là ngành vật liệu xây dựng, với khoảng 40% DN rơi vào tình trạng "tê liệt", không hoạt động.

-6300-1680162118.jpg

Trước khó khăn của các DN, HUBA đã tổ chức nhiều chương trình để bàn cách tháo gỡ

Kiến nghị VBSP hỗ trợ DN

Trong báo cáo của HUBA gửi Thường trực UBND TP.HCM đã nhấn mạnh: "DN gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất từ 1,5-2%. Tài sản thế chấp là đất nông nghiệp được định giá rất thấp và giá trị tài sản bảo đảm nói chung giảm đến 30%, đòi hỏi phải bổ sung tài sản thế chấp trong khi doanh nghiệp gần như cạn kiệt tài sản".

Để giải quyết cấp bách cho các DN, HUBA kiến nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội (VBSP) hỗ trợ cho DN vay lãi suất thấp để trả lương cho người lao động, kích thích sức mua của thị trường. Hiện nay, lãi suất vay các ngân hàng thương mại dịch vụ hầu hết đều trên 10%/năm, rất khó cho DN sử dụng đòn bẩy nợ vay.

Ngoài ra, HUBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời tiếp tục chính sách gia hạn nợ vay một năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.

Mặt khác, HUBA cũng kiến nghị NHNN có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ "biên độ lãi ròng" ở mức 3%, và cho rằng đây là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay, khi hạ lãi suất cho vay.

Sau cùng, HUBA kiến nghị thành phố thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 và Thông tư 03 của NHNN, chỉ đạo tăng cường kết nối DN và ngân hàng, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
HUBA kiến nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO