HUBA: Kiến nghị để cùng phát triển cộng đồng doanh nghiệp

LÊ LOAN - THANH VÂN| 12/07/2016 04:20

Vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ là thị trường bán lẻ đang bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp nước ngoài mà còn hiện diện sự khó khăn về nguồn nhân lực.

HUBA: Kiến nghị để cùng phát triển cộng đồng doanh nghiệp

Sau 5 ngày kể từ khi Lãnh đạo Thành ủy và UBND TP.HCM gặp gỡ doanh nghiệp (DN) để triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, trong đó nêu rõ vai trò và nhiệm vụ của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), nhất là phương thức hoạt động, nhiều DN đã tích cực nêu kiến nghị nhân Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và Phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2016 của HUBA. 

Đọc E-paper

Bộn bề khó khăn

Báo cáo tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 và Phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2016 của HUBA diễn ra ngày 8/7, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Thường trực HUBA cho biết, đã có nhiều chủ trương, chính sách mới được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, cụ thể là Nghị quyết 09/NQ-BCT của Bộ Chính trị, Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư...

HUBA cũng đang từng bước đổi mới phương thức hoạt động và phát triển hội viên, đi cơ sở để nắm bắt tình hình DN nhằm kịp thời phản ánh, kiến nghị góp phần giúp Chính phủ điều chỉnh chủ trương, chính sách, tạo hành lang thông thoáng cho DN hoạt động.

Nhận định về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2016, HUBA đã nêu nhiều vấn đề cho thấy DN Việt vẫn đang đối mặt trước sức ép thị trường.

Theo HUBA, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Diễn biến cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước đang ở cả ba cấp độ, gồm sản phẩm, DN và quốc gia, trong đó đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng và môi trường kinh doanh.

Trước sức ép cạnh tranh, một số DN sau thời gian chuyển đổi, tái cơ cấu đang rơi vào hai xu hướng, một là vươn lên phát triển, hai là giải thể, phá sản. Bên cạnh đó, khó khăn trực tiếp đối với DN bán lẻ Việt Nam, DN sản xuất hàng hóa phục vụ trong nước và DN xuất khẩu vẫn còn rất lớn, không chỉ về thị trường mà còn thiếu hụt nguồn nhân lực.

Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch HUBA cho rằng, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay của DN Việt Nam không chỉ là thị trường bán lẻ đang bị thâu tóm bởi các DN nước ngoài mà còn hiện diện sự khó khăn về nguồn nhân lực. Để cải thiện tình hình, các DN Việt Nam không thể không hợp tác cùng nhau.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, HUBA đã đề xuất những vấn đề chuyên sâu để Nhà nước điều chỉnh chính sách về thuế, hải quan, vốn và kiến nghị một số giải pháp đẩy mạnh các chương trình giúp DN nâng cao sức cạnh tranh.

HUBA đã tập trung khai thác thế mạnh của các tổ chức thành viên để hỗ trợ về pháp lý, vốn, đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp thông tin hội nhập; thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước thông qua các hội chợ, hội thảo và qua các đoàn nước ngoài đến làm việc với HUBA để tìm kiếm đối tác; thực hiện tốt vai trò liên kết, hợp tác với các cơ quan chức năng, với các tổ chức thành viên, với các tổ chức, đối tác trong và ngoài nước.

Dịp này, HUBA kết nạp thêm 21 hội viên và một hội thành viên, nâng tổng số hội thành viên lên 63 hội, câu lạc bộ.

Theo ông Lý Thành Sinh - Tổng giám đốc Công ty CP May Thêu Minh Long Hưng, điều đáng buồn về nguồn nhân lực là cử nhân, thạc sĩ làm việc cho DN hầu như phải đào tạo lại. Thế nhưng sau thời gian vững tay nghề, có người lại tìm tới những DN có mức lương cao hơn, tiềm năng phát triển tốt hơn.

"Cùng với mục tiêu gia tăng số lượng DN khởi nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Lãnh đạo Thành phố nên có chính sách thật cụ thể cho DN tồn tại" - ông Sinh nhấn mạnh. Theo ông Sinh, thời gian qua Thành phố thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng, nhưng với DN, tổ chức này không hiệu quả, vì muốn vay vốn, DN phải có tài sản thế chấp. "Nếu cần phải có tài sản thế chấp mới được vay vốn thì chẳng có DN nào cần đến Quỹ Bảo lãnh tín dụng" - ông Sinh khẳng định.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu N.P.T thì cho rằng, khó khăn của DN nhỏ và vừa trên địa bàn TP.HCM là "không có đất", bởi các DN nhỏ rất khó để thuê được khoảng 200m2 đất tại các KCN để đặt nhà máy, trong khi thuê đất bên ngoài thì quy định không được phép đặt nhà máy tại trụ sở. DN tìm đến giải pháp mua đất ở vùng xa trung tâm như huyện Bình Chánh thì lại rơi vào quy hoạch đất nông nghiệp.

Bức xúc trước vấn đề này, ông Vũ đặt câu hỏi: "Với việc thiếu nước và đất phèn như ở huyện Bình Chánh thì dự kiến sẽ trồng được cây gì?". Ông Vũ nói thêm, Việt Nam chỉ có hai hệ thống bán lẻ tương đối mạnh là quá ít. "Khi các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam, họ sẽ ưu tiên cho hàng hóa nước họ, như vậy hàng hóa DN Việt Nam sản xuất sẽ bán ở đâu?" - ông Vũ lại đặt câu hỏi.

Viện dẫn điều này, ông Vũ cho hay, hiện nay đã có hàng trăm DN sản xuất mật ong, nhưng tại Co.opmart chỉ có 5 thương hiệu mật ong được bày bán. Trước những khó khăn này, đại diện phía N.P.T kiến nghị, Nhà nước nên tìm quỹ đất ở khu vực ASEAN để DN đầu ngành của Việt Nam khai thác, đưa hàng Việt bán sang các nước. Đó là cách tạo dựng thị trường, nếu không 500.000 DN ra đời có thể được, nhưng sẽ chỉ gia công, không thể nào sánh vai được với DN các nước khác.

Theo bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), quyết tâm của Thành ủy và UBND Thành phố đối với việc tạo điều kiện tốt nhất cho DN sản xuất, kinh doanh thì rất cao, nhưng khi thực thi, đặc biệt là khối phòng ban, các sở, quận, huyện thì vẫn chưa cho thấy sự quyết tâm đó.

Lãnh đạo HUBA tặng kỷ niệm chương, kết nạp hội viên mới - Ảnh: T.Vân

Cùng tìm hướng đi

Theo ông Đỗ Long - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bitas), để đồng hành cùng DN, các hội ngành nghề, đặc biệt là HUBA, phải có chuyển biến song hành với DN.

Chẳng hạn, khi nói đến việc DN cần Chính phủ hỗ trợ để có thể phát triển sản xuất, kinh doanh thì quá chung chung, ông Long đã góp ý HUBA tự tìm kiếm nguồn quỹ để hỗ trợ DN.

Ông Long cho biết, vừa qua có một nhóm DN đã tự động đóng góp và tạo ra một số quỹ tài chính tư nhân nhằm hỗ trợ vốn cho DN. Theo đó, đã có hai DN khởi nghiệp được hỗ trợ bằng nguồn vốn này, lần lượt là 1,5 triệu USD và 800 ngàn USD. Theo ông Long, các hội ngành nghề, DN cần linh động, tự chủ tìm kiếm nguồn vốn cho DN chứ không chỉ có cập nhật, báo cáo lên cấp trên vì sẽ khó kịp thời hỗ trợ DN.

Nhằm tạo điều kiện cho DN Việt Nam đưa hàng vào hệ thống bán lẻ, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho biết, tới đây Saigon Co.op sẽ cải tổ cách thức mua hàng của phòng kinh doanh để nhiều mặt hàng được vào Co.opmart hơn.

Cụ thể, Saigon Co.op sẽ tách bạch bộ phận tiếp nhận hàng hóa và bộ phận kinh doanh. Theo đó, bộ phận tiếp nhận cứ 2 tuần/lần sẽ làm báo báo chuyển qua phòng kinh doanh, phòng kinh doanh sẽ có hồi đáp là nhận hàng hay không nhận hàng.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Vũ Kim Hạnh cho hay, từ tháng 7/2016 đến tháng 6/2017, BSA sẽ tổ chức khoảng 50 phiên chợ hàng Việt về các tỉnh nhằm đưa hàng Việt về nông thôn. BSA rất mong các DN có nhu cầu phát triển đại lý cũng như có nhu cầu tìm kiếm thêm đơn hàng ở các tỉnh hãy cùng BSA xây dựng những điểm bán hàng cố định ở nông thôn. Nếu làm được như vậy, DN đã khẳng định được mình thay vì lo ngại về tình hình thị trường bán lẻ hiện nay.

>Cộng đồng doanh nghiệp: Muốn phát triển, phải liên kết

>Cộng đồng doanh nghiệp góp ý Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XII

> Chính sách kinh tế cần tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
HUBA: Kiến nghị để cùng phát triển cộng đồng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO