Thời gian qua, giá bán sơ cấp loại hình nhà liền thổ (nhà xây sẵn) và căn hộ chung cư tại TP.HCM đồng loạt tăng mạnh do chênh lệch lớn giữa cung - cầu, quỹ đất khan hiếm và chi phí đầu vào tăng.
Tình trạng giá nhà đất tăng quá cao trong thời gian dài đã dẫn đến việc thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là thiếu nhà ở có giá vừa túi tiền cho người lao động thu nhập thấp, đồng thời đẩy chi phí thuê mặt bằng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tăng cao.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), một nghịch lý hiện nay của thị trường bất động sản tại thành phố là nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền (dưới 2 tỷ đồng/căn) và nhà ở xã hội dành cho người lao động có thu nhập thấp luôn trong tình trạng khan hiếm, trong khi các dự án bất động sản cao cấp như biệt thự nghỉ dưỡng, biệt thự biển… lại dư thừa.
Trên thị trường liên tục xuất hiện những ngôi nhà liền thổ hoặc căn hộ cao cấp hạng sang có giá lên đến hàng trăm tỷ đồng trong khi người lao động lại không thể tìm ra những ngôi nhà trị giá 1-2 tỷ đồng phù hợp với mức thu nhập của bản thân.
Thống kê của HoREA cho thấy, loại nhà ở bình dân dưới 30 triệu đồng/m2 tại TP.HCM trong năm 2020 chỉ chiếm 1%; từ năm 2021 đến thời điểm hiện tại gần như “tuyệt chủng” căn hộ có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2, còn các dự án nhà ở với mức giá từ 25-30 triệu đồng/m2 cũng chỉ có một số ít tại những khu vực xa trung tâm thành phố.
Việc này tác động trực tiếp đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở của TP.HCM cho đa số người yếu thế trong xã hội là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị.
Trong khi đó, số lượng nhà ở cao cấp lại tăng vọt, chiếm đến 74% tổng số nhà ở trên địa bàn TP.HCM với các dự án nhà liền thổ quy mô lớn như nhà phố thương mại SOHO tại thành phố Thủ Đức và The Rivus Elie Saab - dự án biệt thự bên bờ sông Đồng Nai cùng hàng loạt dự án căn hộ cao cấp.
So sánh kết quả 6 tháng đầu năm 2022 với cùng kỳ năm 2021 cho thấy, phân khúc căn hộ cao cấp tại TP.HCM tăng 111,29%; phân khúc căn hộ trung cấp giảm 34,41%; phân khúc căn hộ bình dân bằng 0%.
Giá bán căn hộ cao cấp trong quý 2 năm 2022 dao động từ khoảng 36-348 triệu đồng/m2. Đối với các dự án biệt thự và nhà phố có mức giá lần lượt là 255 triệu đồng/m2 và 216 triệu đồng/m2.
Những bất cập từ sự lệch pha trong cung - cầu cùng với việc khách hàng mua nhà và cả chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở hiện rất khó khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng đã khiến thị trường bất động sản TP.HCM có dấu hiệu giảm tốc, trầm lắng trong thời gian qua, nhất là trên thị trường bất động sản thứ cấp.
Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại TP.HCM là ngành duy nhất tăng trưởng âm, giảm 5,82% so với cùng kỳ năm 2021; giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản của thành phố cũng giảm 79% trong quý 2 năm 2022.
Theo HoREA, những thách thức trên là dấu hiệu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản không đồng đều, thiếu ổn định tại TP.HCM hiện nay.
Để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển bền vững, cân bằng thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền của đại bộ phận khách hàng có nhu cầu phải giữ ở tỷ lệ cao nhất; tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp; còn phân khúc cao cấp chỉ nên chiếm tỷ lệ nhỏ nhất.
Để hiện thức hóa mục tiêu này, HoREA đã kiến nghị chính quyền Thành phố đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; trong đó, ưu tiên đấu thầu dự án cho thuê đối với các phần diện tích đất công thuộc các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được quy hoạch để phát triển khu lưu trú dành cho công nhân, khu nhà ở chuyên gia.
Mặt khác, HoREA cũng đề nghị thành phố cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có thể được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án hoặc hoán đổi 20% quỹ đất này bằng số lượng nhà ở xã hội, diện tích đất ở tương đương.
Các doanh nghiệp cũng nên được phép đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê là phòng trọ, nhà trọ nhằm tăng nguồn cung cho thị trường và thêm nhiều sự lựa chọn cho người dân.