Hợp tác Việt - Hàn: Cơ hội cho ngành xử lý nước thải

Khởi Vũ| 13/08/2019 06:00

Vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại Việt Nam. Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi bảo vệ môi trường và nguồn nước, ô nhiễm càng lúc càng trầm trọng.

Hợp tác Việt - Hàn: Cơ hội cho ngành xử lý nước thải

Bên cạnh đó, tình trạng quy hoạch các khu đô thị chưa gắn với vấn đề xử lý nước thải đã khiến ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn, khu công nghiệp ở mức báo động. Đồng thời, việc phần lớn đô thị tập trung dọc theo các con sông lớn, song hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội lại quá tải, chưa đồng bộ, kết hợp với sự phát triển dân số đã làm nảy sinh nhiều áp lực lên nguồn tài nguyên nước.

Đây là khó khăn nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường nói chung và xử lý nước thải nói riêng, nhất là khi năng lực thu gom và xử lý nước thải của các cơ sở hiện tại còn rất hạn chế. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, toàn quốc hiện có khoảng 39 nhà máy/trạm xử lý nước thải tập trung được xây dựng tại các đô thị từ loại III trở lên, và dự kiến đến năm 2020, sẽ có thêm 50 nhà máy nữa, nhưng lúc đó tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải cũng chỉ đạt khoảng 20%.

Do đó, để thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp về ngành nước và xử lý nước thải tại Việt Nam, cũng như giới thiệu nhiều sản phẩm tiên tiến trong lĩnh vực này, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2) cùng Tổng Công ty Môi trường Daegu (Hàn Quốc) đã tổ chức “Hội thảo và Kết nối Giao thương (B2B) Việt - Hàn về sản phẩm và công nghệ xử lý nước tiên tiến”.

Diễn ra chiều 12/8, chương trình đã thu hút sự tham gia của nhiều đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp hoạt động trong ngành xử lý nước thải ở cả Việt Nam và Hàn Quốc. Bên cạnh nội dung báo cáo về hiện trạng, tương lai của ngành công nghiệp môi trường tại Việt Nam cũng như định hướng chính sách từ phía đại diện Việt Nam, 6 doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia sự kiện là GETEC, Green Tech, Moonchang, Samjin, Suntech Engineering và Yussung Engineering đã giới thiệu nhiều sản phẩm, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xử lý nước.

Chia sẻ tham luận tại sự kiện, Tiến sĩ Lê Hoài Nam - đại diện Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Nam cho biết, Việt Nam hiện có khoảng gần 4.000 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực môi trường như thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thông thường và chất thải nguy hại.

“Tuy nhiên, kết quả điều tra, khảo sát trong năm 2015 của Hiệp hội Công nghiệp môi trường cho thấy phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp môi trường có quy mô nhỏ, vốn dưới 5 tỷ đồng - chiếm khoảng 52,6% tổng số doanh nghiệp môi trường. Còn số lượng doanh nghiệp có quy mô lớn, vốn trên 500 tỷ đồng không nhiều, chỉ chiếm khoảng 2,84%” - ông Nam cho biết.

Đồng thời, theo Niên giám thống kê năm 2014, tổng sản phẩm theo giá hiện hành của doanh nghiệp môi trường năm 2014 chỉ tương ứng gần 0,5% GDP, cho thấy ngành công nghiệp môi trường Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu - đồng nghĩa, dư địa phát triển là rất lớn.

Ngoài ra, do các yêu cầu khắt khe từ những hiệp định thương mại, sự siết chặt trong quản lý của Chính phủ và ý thức về vấn đề môi trường của xã hội ngày càng cao, nhiều tổ chức, doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề xử lý nước thải. Theo đó, có 5 lĩnh vực ưu tiên đầu tư là sản xuất thiết bị xử lý môi trường; dịch vụ môi trường; tái chế, tái sử dụng chất thải; tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; cơ chế, chính sách và các hoạt động hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hợp tác Việt - Hàn: Cơ hội cho ngành xử lý nước thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO