Hợp tác phát triển chuyển đổi số Nhật Bản - Việt Nam

H.Ng| 24/11/2021 09:30

Sáng 24/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Kishida Fumio, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ đại diện 17 doanh nghiệp Nhật Bản tại Chiyoda-ku, Tokyo, bàn về “Hợp tác phát triển chuyển đổi số”.

Hợp tác phát triển chuyển đổi số Nhật Bản - Việt Nam

Đơn vị tổ chức là Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp cùng Công ty FPT Nhật Bản. Khách mời phía Nhật Bản có đại diện 17 doanh nghiệp thuộc Top Fortune Global 500 như Hitachi, SBI, Sony, Daiwa Securities, SCSK, Dai Nippon Printing Co., KDDI...

Tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế của thế giới, cùng với chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh…Việt Nam có chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025 với 3 trụ cột là kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số, với mục tiêu đến 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP. 

Theo ông, Việt Nam thuận lợi để đẩy nhanh chuyển đổi số, như dân số vàng, có sẵn nền tảng công nghệ thông tin, viễn thông, nền kinh tế có độ mở cao với 17 hiệp định tự do đã ký kết, nên chuyển đổi số “vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển”.

Trao đổi tại sự kiện, ông Hitoshi Ito - Phó giám đốc, thành viên hội đồng quản trị Hitachi mong muốn tìm hiểu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của Việt Nam. Theo Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam có riêng một chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt, nhằm tăng tốc năng lực công nghệ và sức cạnh tranh. Mục tiêu đến năm 2025, 100% doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chương trình này, trong đó 100.000 doanh nghiệp đã nhận hỗ trợ, và 100 doanh nghiệp hỗ trợ chuyển đổi thành công.

Ông Dũng bày tỏ: “Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tham gia khâu cung cấp sản phẩm dịch vụ đầu vào, với các nền tảng số từ các tập đoàn có trình độ công nghệ cao. Bên cạnh đó là nguồn lực hỗ trợ trong chuyển đổi số, nâng cao trình độ năng lực, tham gia chuỗi giá trị”.

Ông Masao Tabuchi - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SCSK đặc biệt quan tâm đến chiến lược nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam. Ông muốn biết các doanh nghiệp Nhật Bản có thể hợp tác như thế nào trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các chương trình chuyển đổi số của Việt Nam.

thu-tuong-gap-go-17-doanh-nghi-8467-9827

Cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Việt Nam và 17 doanh nghiệp Nhật Bản sáng 24/11/2021 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết Việt Nam có 5 nhóm lĩnh vực quan tâm, mong muốn hợp tác để khai thác thế mạnh của hai nước, gồm hạ tầng số, thiết bị IoT, phát triển nền tảng công nghệ số như AI, blockchain, hợp tác phát triển công nghệ mới, phát triển nhân lực về kỹ năng số.

Tập đoàn Sony đánh giá cao nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và trình độ phát triển công nghệ kỹ thuật cao của Việt Nam và mong muốn tìm hiểu về chương trình phát triển 1,5 triệu nhân lực số vào năm 2030 của Việt Nam. 

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu lao động trong ngành công nghệ thông tin nhưng chưa đủ cho nhu cầu cần 2-2,5 triệu lao động ngành ngày trong giai đoạn 2025-2030. Một trong những giải pháp đang được tham mưu là chọn lựa các trường đại học số tuyển sinh, đào tạo online với trợ giúp AI để có nguồn nhân lực số dồi dào và chất lượng. 

Dữ liệu số cũng được các doanh nghiệp Nhật quan tâm như một mô hình kinh tế mới, với các biện pháp thúc đẩy từ Chính phủ Việt Nam. Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam coi dữ liệu là tài nguyên mới, với nhiều sáng kiến, thể lệ, chính sách nhằm thúc đẩy nguồn tài nguyên này. Trong đó có phát triển cổng dữ liệu quốc gia, cung cấp dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước. Việt Nam đặt mục tiêu lọt vào top 50 quốc gia về dữ liệu mở vào năm 2025.

Tổng kết, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp trước hết phải đến từ hoàn thiện thể chế, với thước đo sát sườn từ thực tiễn. Thứ hai là nguồn lực con người, bắt đầu từ nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số, các chương trình phải lấy con người - doanh nghiệp là trung tâm. Thứ ba, nguồn lực tài chính phải phù hợp, hiệu quả, khoa học. Thứ tư là đầu tư cho quản lý.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công tư khi nguồn lực nhà nước có hạn với vai trò dẫn dắt, kích hoạt cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hợp tác phát triển chuyển đổi số Nhật Bản - Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO