Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2022, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328.900 tỷ đồng, giảm 25% so cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, lượng trái phiếu phát hành giảm dần theo từng quý. Nếu quý I có 134.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, sang quý II giảm còn 122.400 tỷ đồng và đến quý III chỉ còn 65.900 tỷ đồng.
Tính riêng tháng 10, lượng trái phiếu được các doanh nghiệp phát hành là 5.800 tỷ đồng. Thế nhưng, chỉ 46,5% trái phiếu riêng lẻ phát hành có tài sản bảo đảm, còn lại 53,5% không có tài sản bảo đảm, trong đó chủ yếu là trái phiếu của các tổ chức tín dụng.
Trong khi việc phát hành mới bị đình trệ thì doanh nghiệp đang đứng trước sức ép phải mua lại trước hạn. Theo Bộ Tài chính, lượng trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong giai đoạn này là 152.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, khi lãi suất tiền gửi ngân hàng lên cao, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán lại trái phiếu doanh nghiệp để chuyển sang gửi tiết kiệm.
Trước đó, Bộ Tài chính đã nêu rõ nguyên tắc trái phiếu doanh nghiệp là tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, nhà đầu tư phải tính toán rủi ro khi đầu tư trái phiếu. Theo đó, cần cẩn trọng phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt.
Ngoài ra, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ. Thực chất, các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành chứ không đứng ra bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Do đó, khi doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn tài chính, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, bảo đảm quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhận định, thời gian tới, các doanh nghiệp cần rất nhiều vốn để sản xuất kinh doanh nên thị trường trái phiếu vẫn còn nhiều tiềm năng. Chính phủ vẫn chủ trương phát triển thị trường trái phiếu hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch và yêu cầu các chủ thể tham gia thị trường này phải tuân thủ theo đúng quy định.