Kinh tế địa phương

Hội quán nông dân Đồng Tháp vận động đổi mới tư duy làm kinh tế nông nghiệp

Thanh An 20/11/2023 - 16:31

Trong khuôn khổ của Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng lần I năm 2023, ngày 19/11 vừa qua, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” nhằm đánh giá, tôn vinh những đóng góp của các hội quán vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.

hinh-3-3-1037.jpg
Phiên tọa đàm thứ nhất "Vấn đề lý luận và thực tiễn về Hội quán"

Được biết, Tọa đàm sẽ được chia làm 2 phiên thảo luận gồm “Phát huy vai trò cộng đồng tự lực, tự quản, tự chủ, thực hiện tư duy kinh tế nông nghiệp” và “Hội quán tham gia bảo vệ môi trường, phát huy giá trị bản sắc văn hóa cộng đồng và phát triển du lịch nông nghiệp".

Đây là những hoạt động của tỉnh Đồng Tháp trong việc tuyên truyền vận động phát triển mô hình Hội quán ở tỉnh nha trên cơ sở tự nguyện của người nông dân và được xuất phát từ nhu cầu của chính nông dân, do nông dân đồng lòng lập ra để cùng sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản.

Kể từ khi triển khai mô hình hội quán đầu tiên vào năm 2016, trải qua 7 năm hình thành và phát triển, Đồng Tháp hiện có 145 Hội quán với trên 7.500 thành viên. đang hoạt động ở trong lĩnh vực sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, hoa kiểng, nuôi cá, du lịch và sản xuất bột. Từ mô hình hội quán đã có 38 hợp tác xã được thành lập với mục tiêu liên kết sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng. Điều đặc biệt mô hình hội quán đã mở ra hướng đi mới cho địa phương theo định hướng kinh tế tập thể, từng bước thay đổi nhận thức người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang hợp tác và liên kết.

Đồng thời, mô hình hội quán còn là điều kiện để phát triển mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn kết với phong trào khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đa giá trị, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và thay đổi bộ mặt nông thôn toàn tỉnh Đồng Tháp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, thông qua mô hình hội quán, trong những năm qua, nông nghiệp đã giữ vững vai trò nền tảng của nền kinh tế với mức tăng trưởng hơn 4,5 %/năm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh và duy trì tốc độ tăng trưởng khá ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh vô vàn khó khăn do đại dịch COVID-19, hội quán đã phát huy tốt vai trò tập hợp thành viên, vận động đổi mới tư duy làm kinh tế nông nghiệp, đến công tác khuyến học, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, hội quán còn góp phần phát triển mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn kết với phong trào khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đa giá trị, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và thay đổi bộ mặt nông thôn.

hinh-1-3-9751.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm

Cũng trong buổi Tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, để mô hình hội quán thực sự phát triển bền vững cần sự thống nhất từ người dân tự thành lập các hội quán và chính quyền là “cầu nối” để các hội quán tiếp xúc với chuyên gia để được tư vấn về kỹ thuật, quản trị sản xuất, phát triển cộng đồng hoặc liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản xuất chứ không “nghĩ thay”, “làm thay” hay “chỉ đạo” hoạt động của các Hội quán.

Ông Nghĩa kỳ vọng, từ Tọa đàm này, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, những người làm công tác dân vận và đặc biệt là những người trực tiếp tham gia quản lý, điều hành các Hội quán cùng nhau lý giải, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn; trao đổi kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp thúc đẩy hội quán nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thiết thực vào xây dựng phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Ngoài ra, hội quán cần hướng mạnh đến việc tiếp cận những mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị; kết hợp phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội quán nông dân Đồng Tháp vận động đổi mới tư duy làm kinh tế nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO