Lãnh đạo quận thăm, tặng hoa chúc mừng Hội Doanh nghiệp quận Gò Vấp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam |
LTS: Nhằm xây dựng và nâng cao vai trò vị trí của đội ngũ doanh nhân thành phố ngày càng lớn mạnh về lượng và chất, đóng góp vào quá trình xây dựng quốc gia thịnh vượng, ngày 12/1/2022, Tạp Chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Ban dân vận - Thành uỷ và Đảng đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức Hội thảo Phát huy vai vai trò và nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân TP.HCM. Nhân dịp này, Doanh Nhân Sài Gòn trân trọng giới thiệu bài viết về "Nâng cao năng lực của đội ngũ doanh nhân" của Hội Doanh nghiệp quận Gò Vấp.
Nhìn chung, những năm qua DN không chỉ tăng về số lượng mà quy mô và lĩnh vực hoạt động cũng chuyển biến mạnh mẽ, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng đã đề ra.
Xác định đội ngũ doanh nhân có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của quận đã triển khai nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DN, hỗ trợ nguồn lực để DN, doanh nhân ổn định phát triển.
Để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, Quận ủy và UBND quận chỉ đạo các đơn vị triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 với mục tiêu đổi mới từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ” gắn với kiểm tra việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong giải quyết hồ sơ hành chính cho tổ chức, cá nhân, DN.
Cấp ủy, chính quyền các cấp thúc đẩy các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện chương trình “Kết nối ngân hàng với DN” thông qua hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; đồng thời hướng dẫn các DN tham gia chương trình xúc tiến thương mại do Sở/ban ngành thành phố tổ chức.
Các hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh được triển khai tốt như 18 DN đăng ký tham gia Chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo do Sở Khoa học và Công nghệ TP tổ chức; 1 doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ; 3 doanh nghiệp được Sở Khoa học và Công nghệ TP cấp giấy chứng nhận DN khoa học và công nghệ.
Các hoạt động hỗ trợ DN khởi nghiệp được triển khai hiệu quả như thành lập điểm tư vấn khởi nghiệp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các loại hình DN, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, UBND quận thường xuyên tổ chức đối thoại, gặp mặt DN, doanh nhân (định kỳ 2 lần/năm), lắng nghe ý kiến, nhu cầu của DN; quan tâm công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; thực hiện tốt công tác tuyên dương, khen thưởng, tôn vinh DN có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất. Các cấp ủy địa phương còn tích cực xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các loại hình DN.
Đảng ủy DN quận và Hội DN quận tích cực vận động các DN tham gia các hoạt động thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện phong trào doanh nhân “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua đó, tạo sự lan tỏa, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế tại địa phương.
Lãnh đạo quận Gò Vấp lắng nghe và trao đổi với các chủ doanh nghiệp tại buổi gặp mặt |
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các DN từng bước góp phần phát triển kinh tế quận nhà, đạt nhiều thành tựu đáng quan trọng. Trong đó, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành kinh tế bình quân đạt 11,13% vượt chỉ tiêu Nghị quyết (11%/năm). Tỷ trọng thương mại - dịch vụ đến năm 2020 chiếm 70,96 % đạt kết quả theo chỉ tiêu Nghị quyết (70 -71 %).
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra thị trường xã hội bình quân tăng 19,08%. Trình độ quản lý, điều hành, ý thức về vai trò, trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân đối với cộng đồng xã hội và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được nâng cao và thể hiện rõ nét. Các tổ chức đảng, đoàn thể khẳng định được vai trò là người bạn đồng hành của DN, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng đảng, đoàn thể trong DN.
Tuy nhiên, đội ngũ doanh nhân còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ doanh nhân chưa được đào tạo bài bản, thiếu kinh nghiệm thương trường, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, thiếu tính liên kết, hợp tác để tạo sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm…
Ví dụ như có rất nhiều doanh nhân vẫn thất bại trong việc xây dựng và thiết lập ngân sách, với lý do “Hoạch định ngân sách ngốn quá nhiều thời gian”, “Tốt hơn hết nên tìm cách tăng doanh số”… nhưng dẫu là gì đi nữa thì ngân sách vẫn luôn là một phần không thế thiếu trong kế hoạch kinh doanh và sẽ giúp doanh nghiệp gây ấn tượng với các đối tác ngân hàng.
Công nghệ cũng chính là một vấn đề nan giải với các doanh nhân. Nguyên nhân có thể xuất phát từ quan điểm sai lầm phổ biến: công nghệ khá tốn kém và chỉ dành cho những công ty có quy mô nhất định. Ngoài ra, việc thu hút và giữ chân nhân tài luôn là một thách thức rất lớn, vì DN hạn chế đào tạo và nâng cao nguồn nhân lực kế thừa,…
Để đội ngũ doanh nhân chủ động hội nhập, đổi mới sáng tạo, phát triển toàn diện... đòi hỏi hệ thống chính trị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên…về vai trò của đội ngũ doanh nhân. Bên cạnh đó, tăng cường trao đổi, nắm bắt thông tin, lấy ý kiến của DN nhằm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho DN, doanh nhân hoạt động, giúp họ mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh.
Mặt khác, đội ngũ doanh nhân phải nhận thức đúng về quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nhân, gắn bó mục tiêu, khát vọng làm giàu chân chính với trách nhiệm xã hội của DN và doanh nhân. Bên cạnh đó, khắc phục những nhận thức phiến diện, định kiến về các thành phần kinh tế, xã hội, trong đó có các bộ phận doanh nhân trong các loại hình DN thuộc các thành phần kinh tế; nhạy bén nắm bắt, đón đầu xu thế phát triển của thị trường; tăng khả năng thích ứng để phát triển bền vững trong bối cảnh dịch bệnh.
Đồng thời, mỗi doanh nhân càng phải đề cao tinh thần dân tộc, văn hóa kinh doanh, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, cộng đồng, gắn kết vững chắc với cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ kép: khống chế dịch bệnh, đồng thời duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống cho người lao động.
(*) Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Gò Vấp