VACC kiến nghị kiểm tra giá thép tăng

Thùy Dương| 11/06/2021 01:04

Giá thép tăng cao phi mã đến 50% khiến giá công trình cũng tăng lên khoảng 15%, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, không ít doanh nghiệp, thành viên của Hiệp hội nguy cơ phá sản và đề nghị cơ quan quản lý kiểm tra nguyên nhân giá thép tăng.

Ông Nguyễn Hữu Quang - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây Dựng Trí Quang cho biết: "Hiện tại, giá các loại thép trên thị trường đã tăng bình quân từ 45-50% so với cuối năm 2020. Chẳng hạn, thép cuộn D6, D8 của các thương hiệu Hòa Phát, Pomina, Việt Nhật, Việt Đức, Việt Ý nếu vào cuối năm 2020 chỉ khoảng 12.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên hơn 18.000 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT) - tức là tăng 50%". Không riêng giá thép, theo ông Quang giá các loại vật liệu khác như xi măng, gạch, cát... cũng tăng từ 10-30% do tình hình cước vận tải tăng.

Ông Lê Hữu Nghĩa - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty TNHH TM-XD Lê Thành phân tích, so với cuối năm 2020, giá thép đã tăng trên 150%, gây nhiều khó khăn cho việc xây dựng các công trình mới, kéo lợi nhuận và kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng giảm mạnh, thậm chí phải chịu lỗ. 

Theo Phú Đông Group, trên nguyên tắc khi ký hợp đồng xây dựng, các nhà thầu thường đưa ra điều kiện trong trường hợp giá nguyên vật liệu biến đổi không quá 3%, thì nhà thầu và chủ đầu tư sẽ không có trách nhiệm điều chỉnh chi phí xây dựng. Trong trường hợp mức giá biến đổi quá 3%, hai bên sẽ chia sẻ đều 50-50, hoặc tự thỏa thuận phần giá vượt mức đã thống nhất. 

thep-5259-1623317050.jpg

Tuy vậy theo ông Quang, không phải chủ đầu tư nào cũng chấp nhận điều chỉnh lại hợp đồng. Do vậy, công ty ông cùng một số chủ thầu khác ở TP.HCM đã chịu lỗ khoảng 8% cho mỗi công trình. Để giảm mức độ thiệt hại, công ty chấp nhận mất toàn bộ lãi thi công các công trình, đồng thời tạm hoãn hai công trình đang thi công dang dở và không nhận thêm công trình mới. 

Ông Nghĩa cho rằng, nếu thép tăng giá trong giai đoạn ngắn, nhà thầu sẽ là người chịu hậu quả khi họ bị hợp đồng "cột chặt" từ trước, nhưng giá thép tăng mạnh và tăng trong thời gian dài như hiện nay thì chủ đầu tư sẽ phải chia sẻ rủi ro với nhà thầu. Điều đó cũng có nghĩa là, chủ đầu tư dự án sẽ phải tính toán lại giá bán căn hộ. 

Theo tính toán của các chủ đầu tư xây dựng, với một hợp đồng xây dựng 100 tỷ đồng, nhân công chiếm 20%, chi phí linh tinh chiếm 10% và vật liệu xây dựng chiếm 60-70% (nếu tính riêng chi phí vật tư cơ bản như thép, sắt, cát, xi măng, đá chiếm 36%). Khi giá thép tăng như hiện nay có thể khiến giá trị công trình bị đội lên trên 10%. 

Trước tình hình trên, VACC đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kiểm tra xử lý triệt để nguyên nhân giá thép tăng, giúp các doanh nghiệp xây dựng tồn tại, tránh những tổn thất không đáng có.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá mới.

Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn như thép, trường hợp cần thiết phải công bố giá vật liệu xây dựng hằng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.

Bộ Xây dựng đề nghị các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan đánh giá tác động của dịch Covid-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước, các dự án PPP, các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng. Từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói.

Cùng đó, Bộ Xây dựng cũng đang tổng hợp đề xuất các giải pháp để tháo gỡ cho các công trình xây dựng trước biến động giá thép. Đồng thời đánh giá tác động tăng giá thép tới hoạt động đầu tư xây dựng về Bộ Xây dựng để tổng hợp báo cáo Chính phủ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
VACC kiến nghị kiểm tra giá thép tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO