Từ chuyện ly cà phê sữa đến đôi giày Việt Nam chất lượng cao

Nguyễn Lương Xin| 09/01/2020 06:07

Tôi năm nay đã bước qua cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng có lẽ suốt đời nếu như không có câu chuyện sau đây sẽ bị bạn bè và gia đình chê là “cố hữu”.

Từ chuyện ly cà phê sữa đến đôi giày Việt Nam chất lượng cao

Tôi không nghiện thứ gì ngoài cà phê, mà phải là cà phê sữa nóng. Cách đây gần 20 năm, vào buổi sáng trên đường đi công tác, tôi ghé vào một quán ở Hòa Vang - Đà Nẵng để uống ly cà phê sữa. Loại sữa mà chủ quán pha cà phê là sữa của một công ty Việt Nam sản xuất (xin được giấu tên). Sau khi uống về nhà thì bị đau bụng đi ngoài, phải nhập viện gần nửa tháng, nguyên nhân theo bác sĩ là tôi bị ngộ độc sữa.

Kể từ đó cho đến nay, không bao giờ tôi uống cà phê sữa nữa vì luôn ấn tượng không tốt về hàng Việt Nam sản xuất. Năm 2004, khi đi công tác ở Ý, tôi đã mua một đôi giày da với giá khá cao, ảnh hưởng đến tiền để mua quà cho vợ. Khi về nước, vợ tôi đã cằn nhằn sao mua giày đắt vậy, vì theo bà, ở Việt Nam có bao nhiêu loại giày còn tốt hơn nhưng giá chỉ bằng một phần thôi.

Tôi sằng giọng:

- Hàng Việt Nam mà tốt gì!

Bà vợ đáp:

- Ông chỉ sính ngoại thôi, ly sữa và đôi giày khác nhau xa, chuyện xảy ra lâu quá rồi, thế mà lúc nào ông cũng so sánh, rồi vơ đũa cả nắm là hàng Việt Nam kém chất lượng.

Đôi giày của Ý đúng là tốt, dùng hơn năm năm vẫn còn như mới, nhưng gần một năm bị đau chân nên tôi không dùng đến để vào ngăn tủ. Năm 2009, gia đình tôi có chuyến du lịch Thái Lan, tôi đem đôi giày Ý ra thì ôi thôi, nó cứng đờ ở xung quanh cổ chân, mang vào đau quá vội tháo ra.

Vợ tôi lại cằn nhằn: 

- Ông sính hàng ngoại ơi, giờ lấy gì đi du lịch đây?

- Bà để tôi tính, ngày mai thằng con về sẽ xin thêm tiền mua đôi khác vậy.

Vợ tôi không nói gì, chiều hôm đó bảo con gái chở ra siêu thị và đem về một đôi giày. Tôi nhìn kỹ hàng chữ Vina Giày, quay sang hỏi vợ:

- Giày Việt Nam à, tôi không dùng.

- Thì ông cứ mang thử đã, còn dùng hay không tính sau.

Tôi miễn cưỡng mang vào thấy cũng được, nhưng vội tháo ra:

- Trả đó, tôi không dùng.

- Ông không dùng thì để đấy tôi cho thằng em rể, nó cũng cỡ chân với ông đấy - vợ tôi đáp.

Ngày hôm sau con trai tôi về nói:

- Con chỉ mua giày nội cho ba thôi, hiện nay giày Việt Nam chất lượng cao nhiều lắm, mình là người Việt Nam mà ba cứ sính ngoại.

Nhưng rồi việc mua giày ngoại của tôi bị thất bại vì ngân quỹ đều do vợ quản lý, chỉ chờ có lương hưu thôi mà nửa tháng mới đến kỳ, trong khi ngày đi Thái đã đến gần nên tôi đành chấp nhận mang đôi Vina Giày vậy.

Những ngày ở Băng cốc, vợ và các con mua nhiều thứ mà họ thích, còn tôi chỉ lấy mấy trăm bạt mua một đôi giày mang thương hiệu Thái khá đẹp, mềm mại.

Năm 2012, gia đình tôi lại đi chơi ở Sapa, tôi lấy đôi giày Thái ra đi, thì thật buồn là mặt trên đều bị bong rộp, đế giày bị tách ra, tôi lẳng lặng ra mua hộp keo về dán lại. Vợ thấy thế lắc đầu:

- Lại hàng ngoại của ông đấy! Tôi im lặng không nói gì.

Tại Sapa, vào mùa mưa nên đường khá lầy lội, nhất là khi đi vào các làng dân tộc, nên đôi giày Thái mà tôi đi không sao chịu nổi, các lớp keo bong ra làm giày há miệng rồi tách ra làm hai. Tôi không biết làm sao, đành cởi giày ra cầm ở tay, bà vợ thấy thế bảo:

- Vứt đi chứ còn tiếc gì nữa, Ông định giữ làm kỷ niệm à!

Nói rồi bảo thằng con chạy về khách sạn lấy đôi Vina Giày để tôi mang, chứ đi chân đất à. Nhờ đôi Vina Giày mà trong thời gian một tuần ở Sapa, tôi có dịp đi thăm quan nhiều nơi, thật tình mà nói, chất lượng giày khá tốt, lại êm chân nữa.

Cho đến giờ này, sau hơn mười năm không đi giày ngoại, tôi đã dùng đôi  giày Việt Nam chất lượng cao cho mình trong các cuộc đi chơi cùng gia đình. Tuy không dám nói ra nhưng vợ và các con tôi đều thấy sự thay đổi đó, chính vì đôi Vina Giày đã làm cho tôi chuyển biến trong nhận thức, có lẽ tâm lý “sính ngoại” chỉ là tâm lý số ít, trong đó có tôi.

Theo tôi, để người tiêu dùng trong nước tiếp tục tin và yêu thích dùng hàng Việt thì người sản xuất phải không ngừng đổi mới, triệt để ứng dụng khoa học - công nghệ, khơi dậy bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước và thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế. Bên cạnh đó cần nâng cao giá trị hàng Việt để tạo được thành công cho sản phẩm của mình, các nhà sản xuất phải có những sản phẩm độc đáo, thẩm mỹ và giá thành hợp lý, đồng thời doanh nghiệp cần quan tâm đến truyền thống, tập quán, nét văn hoá… của dân tộc Việt Nam.

Mặt khác, qua cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì giữa nhà sản xuất và các nhà tiêu thụ sản phẩm phải có sự gắn kết với nhau hơn, đồng thời Nhà nước cũng nên có các chính sách như hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, lãi suất vay vốn ngắn hạn, chi phí phát triển thương hiệu, các hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ tồn tại và phát triển bền vững trong quá trình hòa nhập với quốc tế.  

Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn những bất cập trong chính sách điều hành, quản lý thị trường còn lỏng lẻo, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu tràn lan, nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào số lượng mà thiếu quan tâm đến chất lượng sản phẩm… nên chăng trong thời kỳ công nghệ 4.0, doanh nghiệp nên tạo lập mã hóa địa chỉ sản xuất và có nhiều dịch vụ trước, trong và sau khi bán hàng. Đồng thời, cần có tư duy kinh doanh chiến lược thay cho tư duy kinh doanh “chộp giật”, nhỏ lẻ. Nên đặt sự tin tưởng của khách hàng làm nền tảng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh chạy theo lợi nhuận trước mắt.

Từ những sự việc trên, đến nay tôi đã hoàn toàn tin tưởng vào hàng Việt và động viên gia đình cũng như mọi người xung quanh nên sử dụng hàng Việt chất lượng cao, đó không chỉ là niềm tự hào của mỗi chúng ta mà của cả dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ chuyện ly cà phê sữa đến đôi giày Việt Nam chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO