TS. Donberger: Sáng tạo để phát triển

YÊN VŨ| 23/05/2012 06:54

TS. Dutz Donberger - Giám đốc chương trình SEPT của ĐH Leizpig (CHLBH Đức) đã trình bày đề tài “Quản lý sáng tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” trong một buổi hội thảo do CLB DNSG phối hợp với trường ĐH Việt Đức tổ chức.

TS. Donberger: Sáng tạo để phát triển

Chiều 22/5, CLB DNSG phối hợp với trường ĐH Việt Đức tổ chức hội thảo “Quản lý sáng tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” với phần trình bày của TS. Dutz Donberger - Giám đốc chương trình SEPT của ĐH Leizpig (CHLB Đức).

TS. Dutz Donberger trình bày tại hội thảo

TS. Donberger là chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực phát triển năng lực của doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, và là chủ nhiệm của nhiều đề tài nghiên cứu về DN vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Tại hội thảo, TS. Donberger đã trình bày nhiều nội dung xung quanh quá trình quản lý sáng tạo cho doanh nghiệp như: những thách thức trong quá trình quản lý năng lực mới, quy trình tạo ra thành tựu mới, sự tham gia của khách hàng trong quá trình này, xây dựng khái niệm mới cho sản phẩm, dịch vụ và quản lý theo công cụ “giá cả tới thị trường” hoặc “cơ hội tới thị trường”.

Theo TS. Donberger, sáng tạo là quá trình quan trọng đối với các DN vừa và nhỏ. Theo thống kê, trung bình 50-70% các dự án sáng tạo không thành công do thiếu nguồn lực hoặc hoạch định chưa đúng. Năm 2006, Nokia là tập đoàn đứng thứ 3 trong lĩnh vực sáng tạo, nhưng sau 6 năm, Nokia đã đánh mất vị trí của mình trên thị trường điện thoại di động. Điều này một phần là do Nokia đã không đẩy mạnh sự sáng tạo phù hợp với nhu cầu khách hàng.

Sáng tạo trong kinh doanh phải bao gồm hai phần: Nghĩ ra ý tưởng mới và thương mại hóa ý tưởng đó, và thành công trên thương trường. Động lực của sáng tạo cũng đến từ hai phía - từ nhu cầu của nghiên cứu khoa học và từ nhu cầu thị trường.

TS. Donberger nhận định, các nguồn lực dành cho nghiên cứu tại Việt Nam hiện nay còn rất hạn hẹp, nên chưa thể tận dụng tốt các sáng tạo từ nghiên cứu khoa học, mà thay vào đó, cần sáng tạo gắn với nhu cầu thực sự của thị trường.

"Ngày nay chúng ta có nhiều cách để tiếp cận khách hàng: trực diện, trực tuyến, giữa khách hàng và doanh nghiệp, giữa khách hàng với khách hàng... Doanh nghiệp cần khai thác hiệu quả các kênh này để nắm bắt những nhu cầu, "kẽ hở" thị trường", TS. Donberger nói.

Nhà chuyên môn chia sẻ: Sáng tạo cũng là một quá trình chứa đựng nhiều rủi ro. Khi doanh nghiệp chấp nhận đổi mới sáng tạo thì đồng thời cũng phải đối mặt với rủi ro rất lớn, và vì vậy càng cần có kế hoạch và chiến lược quản lý sáng tạo phù hợp, tận dụng hiệu quả các nguồn lực.

Nếu không có được những sáng tạo vượt bậc, doanh nghiệp vẫn có thể đi theo xu hướng “sáng tạo dần dần” để tạo nên sự thay đổi từ từ theo thời gian, cách làm này giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong quá trình sáng tạo, nhưng cũng vì thế mà khó đạt được thành công vượt bậc theo kiểu Mỹ - quốc gia rất mạnh về sáng tạo và nhà đầu tư sẵn sàng mạo hiểm.

TS. Donberger kể một câu chuyện: Cách đây 15 năm, giáo sư của ông đã dạy rằng: “Nếu cậu muốn tìm kiếm một ý tưởng kinh doanh mới mẻ trong lĩnh vực dịch vụ, hãy tìm một quyển danh bạn điện thoại của New York, đọc nó thật kỹ và xem những ý tưởng nào chưa có và đem nó về Châu Âu ứng dụng”.

TS. Donberger cho rằng, văn hóa Mỹ tạo nên những thành công nhờ liều lĩnh với những sáng tạo vượt bậc, nhưng điều này khó khả thi ở Việt Nam, cũng như tại Châu Âu. Với nguồn lực hạn chế, "dần dần" là một lựa chọn an toàn và hiệu quả cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ở Đức, sáng tạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng bởi cả hai lực đẩy, từ khoa học và từ thị trường, bên cạnh đó, các doanh nghiệp Đức còn tận dụng những nền tảng kỹ thuật sẵn có, liên kết giữa khoa học kỹ thuật với nhu cầu.

Sáng tạo không chỉ là những ý tưởng về sản phẩm, dịch vụ mới mà còn là cách thức mới để tiếp cận khách hàng, phân phối hàng hóa. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ giúp ích cho doanh nghiệp cải tiến hệ thống phân phối hiệu quả hơn. Một ví dụ là máy check in tự động ở mỗi khách sạn, bạn chỉ cần đưa hộ chiếu, máy sẽ tự động nhả ra chìa khóa phòng, cách làm này sẽ giúp tiết kiệm nhân công.

Một ví dụ khác, hệ thống bưu điện ở Đức phải đối mặt với một vấn đề lớn là khách hàng hiếm khi ở nhà, do đó, bưu điện giao nhận thư từ, bưu phẩm rất khó khăn. Khi có thư, khách hàng sẽ nhận tin nhắn với mật khẩu rồi tự đến các máy tự động vào bất kỳ lúc nào thuận tiện để nhận.

Ngoài ra, để cải tiến hiệu quả, doanh nghiệp nên quan tâm đến việc quản lý đầu vào của sản phẩm, ví dụ như sử dụng nhà kho hợp lý, thời gian lưu kho sản phẩm ngắn.

Vòng đời một sản phẩm trên thị trường cũng ngày càng ngắn. Ở Châu Âu, vòng đời của xe ô tô chỉ khoảng 3 năm và sau đó chúng ta phải cải tiến và đổi mới sản phẩm liên tục, do đó, quản lý thời gian trong quản lý sáng tạo đóng vai trò quan trọng. Doanh nghiệp phải dự đoán, nghiên cứu và đưa ra sáng tạo mới kịp thời, bắt kịp nhu cầu người sử dụng.

Khách hàng ngày càng nhạy cảm về giá, và họ luôn trông đợi sẽ nhận được sản phẩm tốt hơn. Hành vi mua sắm của khách hàng cũng thay đổi nhanh hơn so với thế hệ trước đây, nhưng đối với doanh nghiệp, sản phẩm ngày càng phức tạp và đòi hỏi thời gian nghiên cứu, sáng tạo nhiều hơn.

Để sáng tạo thành công cần đảm bảo 3 yếu tố: Thấu hiểu khách hàng, thời gian thích hợp để sản phẩm sáng tạo tiếp cận được thị trường và quản lý tốt giá bán. Giá dự kiến so với thực tế triển khai chênh lệch rất nhiều là thách thức lớn với doanh nghiệp.

Khách hàng có nhiều nhu cầu và ý tưởng khác nhau nhưng đây cũng là thử thách cho doanh nghiệp. Làm sao tìm được ý tưởng thỏa mãn số đông khách hàng trong vô vàn ý tưởng? Hãng giày Adidas thường tổ chức những cuộc thi vẽ mẫu giày với giải thưởng hấp dẫn để huy động ý tưởng dồi dào của khách hàng, từ đó chọn lựa những mẫu tốt nhất để phát triển.

Bước đầu tiên của quá trình sáng tạo là nhận diện đầy đủ cơ hội và thách thức, sau đó ra quyết định có tiếp tục theo đuổi ý tưởng đó hay không. Tiếp theo là xây dựng khái niệm, dự án và phân tích tính khả thi.

Tỷ lệ thất bại của các dự án sáng tạo rất cao - từ 50% đến 70%. Do đó, TS. Donberger tư vấn, trong mỗi bước của quá trình, ta phải đặt ra một bước ngoặt để quyết định có tiếp tục đầu tư hay không. Mục tiêu cao nhất của quản lý sáng tạo là hạn chế thấp nhất thiệt hại và rủi ro.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TS. Donberger: Sáng tạo để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO