TP.HCM đẩy mạnh đưa hàng Việt sang Lào

LÊ LOAN| 05/07/2017 03:52

Các dự án đầu tư của Việt Nam đều được Chính phủ Lào đánh giá là hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo, kinh tế, xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân Lào, giúp tăng nguồn thu ngân sách cho Chính phủ Lào

TP.HCM đẩy mạnh đưa hàng Việt sang Lào

Trước thực trạng hàng Việt đang ngày càng "vắng bóng" ở thị trường Lào do sự "vượt mặt" mạnh mẽ của hàng hóa đến từ Trung Quốc và Thái Lan, trong tháng 7/2017, TP.HCM sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt đưa hàng hóa sang Lào tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. 

Đọc E-paper

Trong chuyến thăm hữu nghị Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM, Thành ủy, UBND TP.HCM giao Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức đoàn DN mở rộng thị trường, thiết lập các kênh phân phối tại các chợ truyền thống, siêu thị và trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng Lào.

Tuần qua, trong chương trình làm việc giữa ITPC và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), đại diện phía ITPC đã chia sẻ những chương trình xúc tiến thương mại với mức kinh phí hỗ trợ DN lên đến 100% chi phí, bao gồm chi phí gian hàng, chi phí vận chuyển đưa hàng hóa sang Lào cũng như hỗ trợ các thủ tục nhập khẩu hàng vào Lào.

Bên cạnh đó, phía ITPC còn chuẩn bị 10 chuyến xe đưa đón người dân Lào từ các vùng lân cận đến tham quan hội chợ, nơi diễn ra sự kiện trưng bày hàng hóa của DN Việt Nam mang sang.

Theo ITPC, sự hỗ trợ này dành cho các DN Việt Nam, các đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập và đang hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành. Ưu tiên cho các DN là thành viên của các hiệp hội, hội ngành nghề ở TP.HCM, DN đăng ký tham gia bình ổn thị trường... đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm Thương mại - Dịch vụ - Du lịch TP.HCM tại Savanakhet 2017, diễn ra từ ngày 27 - 30/7, tại Trung tâm Savan ITECC (Savanakhet - Lào).

Ngoài ra, ITPC cũng hỗ trợ DN đưa hàng hóa vào trưng bày trong Chương trình triển lãm hàng hóa Việt Nam (25 và 26/7) diễn ra tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. Bên cạnh hai chương trình triển lãm và hội chợ, trong chuyến đi lần này, Đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM còn tham dự Hội nghị xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP.HCM vào Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (ngày 29/7) được tổ chức tại khách sạn Mường Thanh (thủ đô Viêng Chăn). Thông tin thêm về chuyến đi xúc tiến lần này, phía ITPC cho biết, gói hỗ trợ kinh phí không bao gồm chi phí đi lại, ăn ở của nhân sự DN.

Tính đến tháng 1/2017, Việt Nam được ghi nhận là quốc gia đứng thứ 2 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài của Lào. Cùng với những chính sách thu hút hấp dẫn, Việt Nam đã có gần 270 dự án đầu tư và kinh doanh tại quốc gia này, với tổng vốn đầu tư đạt 5,12 tỷ USD, trong đó có những dự án lớn trị giá hơn 1 tỷ USD vẫn đang được triển khai.

Cách nay hơn 10 năm, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Lào được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế nhập khẩu. Giai đoạn này trên thế giới cũng có hơn 30 quốc gia dành cho Lào chế độ ưu đãi phổ cập GSP đối với hàng xuất khẩu của Lào. Có thể nói, đây được xem là cơ hội giúp Việt Nam không những mở rộng giao thương với Lào mà còn thông qua Lào giao thương với thị trường khác.

Thế nhưng, theo đánh giá chung, DN Việt Nam thời điểm đó chưa khai thác hết lợi thế này. Theo đó, nhà đầu tư đến từ Việt Nam được xếp thứ 14 trong tổng số 35 đối tác đang đầu tư vào Lào, với tổng vốn đầu tư là 15 triệu USD (năm 2003). Dù cùng thời điểm nhưng khi nhìn sang các quốc gia lân cận, cụ thể là Thái Lan, quốc gia được xem là có hệ văn hóa và ngôn ngữ gần như tương đồng với Lào, lúc đó đã đưa hơn 1.000 mặt hàng chiếm lĩnh thị trường Lào, trở thành quốc gia có mức đầu tư lớn nhất vào Lào.

Thời điểm này, Trung Quốc cũng đã định vị trên đất Lào bằng việc hỗ trợ các tiểu thương đưa hàng hóa đến tận tay người dân ở các vùng nông thôn, ngõ ngách ở thành thị của nước Lào. Ngoài ra, Trung quốc còn đầu tư một trung tâm thương mại tại thủ đô Viêng Chăn. Dù diễn biến sơ bộ trong quá khứ đã cho thấy sự chênh lệch trong đầu tư vào Lào giữa Việt Nam với Thái Lan và Trung Quốc, nhưng đến nay, việc Việt Nam lọt vào top 2 nhà đầu tư lớn tại Lào đã minh chứng cho nỗ lực hợp tác giữa Chính phủ cùng các DN Việt Nam - Lào.

Nhìn chung, các dự án đầu tư của Việt Nam đều được Chính phủ Lào đánh giá là hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo, kinh tế, xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân Lào, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách cho Chính phủ Lào. Không những vậy, trong thời gian qua cũng đã diễn ra nhiều cuộc tiếp xúc giữa Chính phủ và lãnh đạo cao cấp hai nước với cộng đồng DN Việt Nam đang có hoạt động đầu tư tại Lào.

Điều này cho thấy mong muốn, quyết tâm của hai chính phủ trong việc nỗ lực tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác hữu nghị giữa hai nước láng giềng trong phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam hiện nay là hàng hóa vẫn chưa được cải thiện nhiều về số lượng cũng như chủng loại tại thị trường Lào. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, từ năm 2016 đến nay, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Lào có xu hướng giảm do sự bành trướng của hàng Thái Lan và Trung Quốc.

Nhận định về sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu, phía Vụ Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho rằng, do cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước chưa đa dạng, phụ thuộc chủ yếu vào một số mặt hàng chủ lực, nhạy cảm với biến động giá cả thế giới.

Mặc dù vậy, thông tin từ ITPC cho biết, hiện nay các nhà đầu tư Việt Nam đang tiến vào khu vực phía Trung và Nam Lào. Đây sẽ là cơ hội cho DN Việt đem hàng hóa mở rộng xúc tiến thương mại tại khu vực này.

>>Đầu tư sang Lào: Nhiều ưu đãi nhưng vẫn e dè

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM đẩy mạnh đưa hàng Việt sang Lào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO