Nghị định 09 gây khó cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm

ĐĂNG KHOA| 28/06/2018 00:12

Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ban hành ngày 28/1/2016 quy định "Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt" (có hiệu lực từ ngày 28/1/2017) và "Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm" (có hiệu lực từ ngày 28/1/2018).

Nghị định 09 gây khó cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm

Tuy nhiên, khi áp dụng đã có nhiều bất cập và doanh nghiệp đã gặp khó trong quá trình sản xuất, công bố, đưa sản phẩm ra thị trường.

Theo Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, một số loại thực phẩm không thể sử dụng muối iốt làm nguyên liệu chế biến theo quy định của Nghị định 09. Nếu sử dụng muối iốt sẽ tạo ra trạng thái cảm quan, màu sắc, mùi vị không đạt chất lượng so với sử dụng muối thường (không bổ sung iốt).

Quá trình sản xuất có bổ sung muối iốt đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản; sản xuất nước mắm, nước chấm; rau củ quả sấy khô; thịt gia cầm sấy; các sản phẩm từ ngũ cốc sấy; các loại bột gia vị, bột chế biến sẵn để làm các loại bánh ngọt và dùng trong chế biến các loại thực phẩm; các sản phẩm ăn liền...

Cụ thể, sản phẩm sẽ bị biến mùi, thay đổi vị, làm xáo trộn kế hoạch sản xuất, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, do iốt có tính thăng hoa, dễ tương tác với các thành phần khác trong thực phẩm và biến đổi khi gặp nhiệt nên đã làm gia tăng chi phí, đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Và nghịch lý đã xảy ra khi thành phẩm sau cùng cũng không chứa thành phần iốt.

Link bài viết

Tương tự, khi doanh nghiệp thực hiện quy định bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm cũng đã gặp rất nhiều khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào. Việt Nam hiện phải nhập khẩu số lượng lớn bột mì từ các nước, trong khi các nước xuất khẩu bột mì lại không quy định phải bổ sung sắt, kẽm và họ không chấp thuận đề nghị bổ sung 2 chất này từ doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, sau khi nhập bột mì về, doanh nghiệp phải tự bổ sung sắt, kẽm trước khi đưa vào sản xuất. Công đoạn này đã làm gia tăng chi phí và đẩy giá thành sản phẩm lên cao.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm được làm từ bột mì có bổ sung sắt và kẽm khi ra thành phẩm đã bị biến màu, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng. Ngoài ra, một số thị trường đã từ chối nhập khẩu các mặt hàng có bổ sung iốt và sản phẩm làm từ bột mì có bổ sung sắt, kẽm của doanh nghiệp Việt Nam.

Trước thực trạng này, thời gian qua, Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM đã nhiều lần gửi kiến nghị bằng văn bản và thông qua các buổi làm việc trực tiếp với Phó thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Cục An toàn Thực phẩm và Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) bày tỏ mong muốn Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành.

Ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP (Nghị quyết 19) về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Trong đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế "Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm theo hướng bãi bỏ quy định "muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt" tại điểm a Khoản 1 Điều 6, và bãi bỏ quy định "Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm" tại điểm b Khoản 1 Điều 6. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng".

Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 09 như chỉ đạo của Chính phủ để sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp đã và đang gặp phải.

Không thể tiếp tục ngồi chờ, chiều 25/6 vừa qua, Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM đã phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Hội Nước mắm Phú Quốc tổ chức hội thảo xoay quanh những bất cập kể trên để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đầu ngành như Vissan, Ba Huân, Acecook Việt Nam, ABC Bakery, Bidrico... và các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm. Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều đề nghị Bộ Y tế sửa đổi, thay thế Nghị định 09 theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 Chính phủ vừa ban hành để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Thanh-1151-1529991872.jpg

TS. Vũ Thế Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn Khoa học thuộc Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM: Thiếu hay thừa iốt đều bất lợi cho sức khỏe

- Vai trò của iốt là để tổng hợp hoóc môn tuyến giáp (thyroxine T4 & triiodothyronine T3), sửa chữa mô, biến dưỡng, tổng hợp protein... Người thiếu iốt sẽ bị bướu cổ, chậm tăng trưởng, ở trẻ em và thai nhi thì não kém phát triển. Tuy nhiên, thiếu hay thừa iốt đều bất lợi cho sức khỏe.

Trên thế giới ước tính có 2,2 tỷ người thiếu iốt, hơn 70% quốc gia có chương trình sử dụng muối iốt. Ngoại trừ nước Úc bắt buộc bỏ muối iốt vào bột sản xuất bánh mì, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không bắt buộc sử dụng muối iốt trong công nghiệp chế biến thực phẩm. Nếu thực phẩm có sử dụng muối iốt thì phải kê khai trên nhãn.

Theo tôi, iốt là một trong các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể nên cần được bổ sung. Tuy nhiên, phải truyền thông tốt để người dân sử dụng muối iốt hoặc thực phẩm tự nhiên có chứa iốt thay vì bắt buộc doanh nghiệp sử dụng iốt trong chế biến thực phẩm.

Nam-7683-1529991872.jpg

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep): Sử dụng muối iốt gây khó khăn cho doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm

- Nghị định 09 bắt buộc các nhà máy sản xuất muối ăn trực tiếp và các nhà máy chế biến thực phẩm phải sử dụng muối có bổ sung iốt. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm. Nhiều sản phẩm không cần bổ sung iốt để tránh gia tăng chi phí sản xuất, do iốt đã có sẵn trong nguồn nguyên liệu tự nhiên, chẳng hạn như thủy, hải sản.

Hơn nữa, iốt qua quá trình chế biến gia nhiệt hoặc thời gian chế biến lâu sẽ bay hơi, không còn tác dụng. Một số thị trường như Nhật, Úc không chấp nhận sản phẩm nhập khẩu mà trong thành phần có iốt. Do đó, một doanh nghiệp thành viên Vasep là Công ty Viet Food phải cam kết sử dụng muối không có iốt mới xuất khẩu sản phẩm được.

ong Asahira-Keita doanhnhansaigon

Ông Asahira Keita - Phó giám đốc Khối Marketing Công ty CP ACECOOK Việt Nam: Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngành thực phẩm giảm sút

- Hiện nay, Công ty ACECOOK chuyên sản xuất, kinh doanh thực phẩm ăn liền (mì, phở, bún, miến...) xuất khẩu đến 40 quốc gia. Chúng tôi đang sử dụng 4 loại nguyên liệu được phối trộn từ 2 - 3 loại bột mì khác nhau.

Dây chuyền sản xuất mì có tính tự động cao, được sử dụng chung cho cả sản xuất sản phẩm nội địa lẫn xuất khẩu. Vì vậy, sau khi sản xuất mì sử dụng nguyên liệu bột có vi chất sắt, kẽm xong, chuyển sang sản xuất sản phẩm xuất khẩu không được chứa sắt, kẽm thì phải vệ sinh cả dây chuyền để tránh nhiễm chéo.

Do đó, nếu muốn tiếp tục xuất khẩu, Công ty phải đầu tư hệ thống sản xuất riêng, thậm chí phải xây dựng nhà máy mới, dẫn đến chi phí đầu tư quá lớn, làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành hàng thực phẩm Việt Nam với các nước trong khu vực.

ba huynh kim chi doanhnhansaigon

Bà Huỳnh Kim Chi - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Bột mì: Chất lượng sản phẩm bị biến đổi khi bổ sung sắt, kẽm

- Trong quá trình sản xuất, công ty chúng tôi đã bổ sung vi chất dinh dưỡng (sắt và kẽm), kết quả là bột mì bị nổi đốm, màu sắc thành phẩm không ổn định và bị biến đổi, ảnh hưởng đến chất lượng.

Trong khi đó, quy định của từng quốc gia nhập khẩu rất khác nhau, hầu hết các nước nhập khẩu sản phẩm của chúng tôi như Mỹ, Canada... đều không yêu cầu bổ sung vi chất sắt và kẽm. Một số quốc gia khác chỉ cho phép bột mì bổ sung sắt mà không được bổ sung kẽm như Nhật Bản. Các doanh nghiệp trong nước cũng yêu cầu cung cấp sản phẩm không bổ sung sắt, kẽm vì ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cuối.

Đối với bột mì sử dụng để sản xuất trong nước thì bắt buộc phải được bổ sung sắt và kẽm theo đúng quy định của Nhà nước tại Nghị định 09. Chính vì thế, chúng tôi không thể sản xuất cùng một lúc nhiều sản phẩm vừa đáp ứng đúng quy định của Nhà nước, vừa phải đảm bảo yêu cầu của khách hàng nước ngoài.

Những khó khăn trên sẽ làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất lao động và năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm nội địa cũng như xuất khẩu của Công ty.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghị định 09 gây khó cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO