Nâng tầm và mở rộng thương hiệu Việt

Vũ Thị Kim Ngân| 02/03/2020 08:26

Doanh nghiệp có tâm, có tầm luôn đau đáu tư duy học hỏi và thử nhiều biện pháp để cải tiến, phát triển sản phẩm, đưa hàng Việt vào lòng dân và ra thế giới. Hy vọng doanh nghiệp tin rằng họ chưa bao giờ cô đơn trong hành trình khó khăn nhưng rất ý nghĩa vì sự tự hào và chỗ đứng của thương hiệu Việt trên thị trường.

Nâng tầm và mở rộng thương hiệu Việt

Phàm ở đời, ai cũng đều giữ trong tim một niềm tự hào dân tộc, chỉ đợi có cơ hội liền thể hiện ra rất rõ ràng và mãnh liệt. Chẳng cần phải đến khi xa xứ, tôi mới nhớ về những điều mà chỉ ở Việt Nam, là người Việt Nam mới có; như những món nước chấm đặc trưng của mâm cơm Việt, các đặc sản ba miền, đến hộp cao sao vàng bôi vào liền “an tâm bách bệnh”, v.v… Nhưng mà, kể ra thì mới thấy, để Việt Nam có những sản phẩm khiến ta tự hào với thế giới về độ nổi tiếng cũng như chất lượng cao thì thực sự còn quá khiêm tốn.

Vấn đề tâm lý “sính hàng ngoại”, có lẽ là vì ở một số lĩnh vực, người Việt chưa tìm ra được nguồn hàng thuần Việt tiêu chuẩn như mong muốn. Tôi tin rằng, khi hàng Việt chuẩn chất lượng và độ tiện lợi nâng cao thì ai ai cũng đều sẵn sàng ủng hộ. Thật vậy, sản phẩm tốt chưa đủ, mà còn phải bắt kịp thị hiếu thay đổi liên tục của cuộc sống hiện đại. Qua mỗi lần thế giới "chuyển mình", nan đề đó nếu doanh nghiệp nào thực hiện tốt, đều có thể biến những thách thức trở thành cơ hội mà đạt được thành công và phát triển lâu dài. Thêm nữa, trong cuộc sống nói chung và kinh doanh nói riêng, chẳng điều gì là trường tồn bất biến. Nếu như không thay đổi và cải tiến mỗi ngày, “miếng bánh” thị phần chắc chắc sẽ mất dần đi. Một doanh nghiệp chỉ có thể mở rộng ra hoặc thu hẹp đi, chứ không bao giờ duy trì lâu dài ở cùng một trạng thái. Và thương hiệu của doanh nghiệp cũng vậy, nếu nó không “lớn” lên, tức là nó đang “chết dần” đi. Cơ hội và thách thức luôn đặt ra liên tục cho những doanh nghiệp tưởng như đã “sống” tốt. 

Có thế nói, việc nâng tầm và mở rộng thương hiệu của Saigon Co.op thực sự có hiệu quả khi doanh nghiệp này ra mắt thị trường “hàng nhãn riêng”. Trên thế giới, việc xây dựng hàng nhãn riêng đã phát triển từ khá lâu, tuy nhiên tại Việt Nam thì Saigon Co.op được coi là doanh nghiệp tiên phong thực hiện chiến lược này một cách khá bài bản, chuyên nghiệp. Hiện hàng nhãn riêng Co.opmart tập trung vào phân khúc hàng tiêu dùng thiết yếu có sức tiêu thụ mạnh như thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc,… với giá cả rẻ hơn nhưng chất lượng vẫn đảm bảo khi so ngang dòng cùng loại. Dù vẫn đang duy trì khá tốt, nhưng để gây ấn tượng về một số sản phẩm nổi trội nhằm mang lại dấu ấn đậm nét cho chuỗi cửa hàng của mình thì thực sự chưa có. Do vậy, thiết nghĩ việc xây dựng một vài dòng sản phẩm đặc trưng, khiến khách hàng "thích" đến nỗi "nhớ mãi chẳng quên" và chỉ luôn muốn tới đó để mua, thực sự là điều mà chuỗi phân phối bán lẻ như Co.opmart lẫn các doanh nghiệp Việt nói chung nên thực hiện hiệu quả hơn nữa trong tương lai. 

Là người Việt, chắc chắn ai cũng đều hi vọng về một hệ thống phân phối bán lẻ thuần Việt chuyên nghiệp, có thể cung cấp 100% hàng hóa Việt Nam đa dạng mọi lĩnh vực và đạt tiêu chuẩn cao. Nếu được như vậy, thì niềm tự hào thương hiệu Việu trong toàn dân và tiến trình nội địa hóa hàng tiêu dùng Việt sẽ không còn là điều quá xa xôi.

Ngoài ra, trong xã hội công nghệ thông tin hiện đại, vấn đề khủng hoảng truyền thông thực sự rất đáng lưu tâm. Vì vậy, tôi luôn mong rằng, từ những doanh nghiệp Việt có tiếng tăm đến cả các doanh nghiệp nhỏ ngày hôm nay mới bắt đầu thành lập hãy luôn giữ vững cho mình một triết lý kinh doanh đúng đắn và nhân văn. Đây cũng chính là một phần quan trọng trong “thương học phương châm”. Lạm bàn một chút về những kiến thức kinh doanh hay còn gọi là thương học, việc ứng dụng thành thạo các học thuyết kinh tế, các đúc kết kinh nghiệm lẫn những tri thức liên ngành như tâm lý học, xã hội học hay văn hóa học, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả đáng kinh ngạc cho hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Điển hình ở các “đế chế” tiếng tăm, họ đều nghiên cứu hẳn hoi và duy trì hiệu quả triết lý kinh doanh của mình, cũng như áp dụng bài bản các biện pháp marketing đánh vào tâm lý khách hàng và tiềm thức văn hóa của mỗi khu vực. Chỉ cần chú ý một chút đều thấy rõ, họ lựa chọn định vị thương hiệu bằng những giá trị cụ thể gắn với tháp nhu cầu của con người trong xã hội, như sản phẩm nào phục vụ vấn đề thế chất, sản phẩm nào đáp ứng việc giao lưu tình cảm, còn sản phẩm nào lại thỏa mãn được sự thể hiện bản thân cho khách hàng,…; rồi cách họ bật đèn rực rỡ hơn ở những quầy hàng mục tiêu khiến khách hàng không thể không chú ý rồi cố nhiên chẳng định mà mua; hoặc các chiến dịch bán hàng “hạn chế” và theo “mùa” nhằm đánh vào “nỗi sợ bị bỏ lỡ” của khách hàng vì không chi ra thì chẳng còn cơ hội; v.v…

Và điều cuối cùng, đó là việc liên kết các doanh nghiệp Việt lại với nhau. Ngoài thương hiệu riêng, sản phẩm riêng, các doanh nghiệp muốn phát triển “đường dài” cần thấy rõ được lợi ích to lớn của việc xây dựng thương hiệu chung cho ngành hàng. Nhiều khi khách hàng tin dùng sản phẩm của một doanh nghiệp mới chỉ bởi vì doanh nghiệp đó có mặt trong Hiệp hội uy tín của ngành hàng. Tôi mong rằng các Hiệp hội, Thương hội của nhiều ngành ở địa phương không chỉ là “hữu danh vô thực”. Việc liên kết những thế mạnh và hỗ trợ nhau lúc khó khăn giữa các doanh nghiệp cùng ngành và liên ngành sẽ tạo được sự điều tiết tốt trong cơ chế thị trường, tránh cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau, và hẳn nhiên “đủ sức” hoặc “dư sức” khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Chắc chắn, khi các doanh nghiệp Việt xác định rõ và bắt đầu từ những điều là sở trường của mình, phát triển đa kênh, liên kết chặt chẽ, cùng nhau đưa hàng Việt đi từ khâu nguyên liệu cho đến thành phẩm, thì sẽ không còn những chuyện “bi hài” về nguồn nguyên liệu Việt nhưng đến khi thành phẩm lại dán nhãn nước ngoài, như thanh sô-cô-la của thương hiệu ngon nhất thế giới ấy, vị vừa ngọt lại vừa đắng.

(Bài dự thi Chương trình Doanh Nhân với Người tiêu dùng)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nâng tầm và mở rộng thương hiệu Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO