Hợp lực phát triển cây cà phê Tây Nguyên

NHƯ QUỲNH| 15/03/2017 09:02

Không chỉ Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), các địa phương, DN, nhà khoa học cũng không ngừng tìm kiếm giải pháp nhằm phát triển, nâng cao vị thế của hạt cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hợp lực phát triển cây cà phê Tây Nguyên

Không chỉ Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), các địa phương, doanh nghiệp (DN), nhà khoa học cũng không ngừng tìm kiếm giải pháp nhằm phát triển, nâng cao vị thế của hạt cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. 

Đọc E-paper

Trong khuôn khổ chương trình "Đêm hội vào mùa" vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhằm khuyến khích nhà nông gắn bó với cây cà phê, các nhà khoa học, DN đã chia sẻ những giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng cây cà phê. Đây cũng là một phần trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017.

Chương trình do Công ty CP Phân bón Bình Điền phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, nằm trong chuỗi các hoạt động chính của Lễ hội.

Theo ông Y Giang Gry Niê Knơng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam có sản lượng cà phê xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới, với tổng kim ngạch trên 3 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, trong giai đoạn Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu, rộng với thị trường thế giới, cộng với biến đổi khí hậu, giá cả bấp bênh, người nông dân trồng cà phê cũng như những nhà sản xuất cà phê đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Không những thế, hiện nay diện tích cà phê già cỗi tại Tây Nguyên rất lớn, nông dân muốn tái canh cũng không dễ, vấn đề vốn, giá cả, đầu ra cho sản phẩm... cần được đặc biệt quan tâm.

Dự báo năm 2017, nền kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng vẫn chưa hết khó khăn. Nhằm tìm hướng đi mới giúp nông dân trong việc tái canh cà phê cũng như nâng cao chuỗi giá trị cà phê, tại buổi tọa đàm của "Đêm hội vào mùa", Công ty CP Phân bón Bình Điền đã hợp tác chiến lược với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk và Công ty CP Vinacafé Biên Hòa xây dựng và vận hành chương trình Hỗ trợ phát triển cà phê Buôn Ma Thuột.

Nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp và nhà nông cùng tìm hướng đi mới cho việc tái canh cà phê, nâng cao chuỗi giá trị cà phê

Theo đó, chương trình sẽ giúp nông dân trồng cà phê khắc phục những khó khăn họ đang phải đối mặt như: thiếu vốn, hiểu biết về quy trình, kỹ thuật canh tác còn hạn chế, đất trồng, tình trạng lão hóa của cây cà phê, kỹ thuật thu hoạch, chế biến đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và thân thiện môi trường...

"Tham gia chương trình, nông dân được giao lưu, trao đổi thông tin với cơ quan quản lý và các nhà khoa học về giải pháp nâng cao hiệu quả của việc trồng cà phê. Các nhà khoa học đã truyền đạt những kinh nghiệm bổ ích cho việc phát triển cây cà phê để áp dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Với sự vào cuộc của "4 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông), những khó khăn của người trồng cà phê sẽ được giải quyết, giúp họ vững tâm với loại cây trồng này", ông Y Giang Gry Niê Knơng khẳng định.

TS. Trương Hồng - Quyền viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên chia sẻ tại tọa đàm: "Để có thể gắn bó với cây cà phê, nông dân cần thực hiện các giải pháp như đầu tư cho khoa học công nghệ, trồng xen canh các loại cây có giá trị kinh tế để nâng cao năng suất, chất lượng. Tuy nhiên, nhà quản lý và DN cần có chính sách hỗ trợ nông dân trong việc tái canh cây cà phê, bao tiêu sản phẩm, tránh tình trạng "được mùa mất giá”.

Gia đình ông Trần Vũ Đức ở xã Cư Pô (Krông Búk, Đắk Lắk) trồng 6ha cà phê, nhưng hiện nay đã bị già cỗi và sản lượng giảm gần phân nửa so với trước đây, dẫn đến thu nhập giảm sút.

"Sau 9 năm, sản lượng vườn cà phê nhà tôi giảm đi một nửa, cộng với giá cả thị trường không ổn định, "được mùa mất giá” nên chúng tôi gặp không ít khó khăn. Để nâng cao năng suất cây trồng thì phải tái canh, nhưng chúng tôi không có vốn nên chẳng làm gì được", ông Đức nói.

Trước thực trạng này, đại diện cho DN, ông Lê Quốc Phong - Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cho hay, thông qua chương trình Hỗ trợ phát triển cà phê Buôn Ma Thuột, Công ty sẽ kêu gọi thêm sự chung tay góp sức từ nhiều DN và tổ chức khác trong và ngoài nước, đặc biệt là kêu gọi nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt cà phê, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ mới của khoa học kỹ thuật.

Nông dân cần liên kết với nhau và liên kết với DN để Tây Nguyên nói riêng và những vùng trồng cà phê trong cả nước nói chung phát triển bền vững.

>>Vicofa ra sức tái canh cây cà phê

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hợp lực phát triển cây cà phê Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO