Hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): Hội "đua" cùng doanh nghiệp

ĐỖ HẢI| 18/03/2015 00:00

Hội nhập AEC đang đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam từ nhân sự, vốn, năng suất lao động, đến trang thiết bị, cũng như quy trình sản xuất.

Hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): Hội

Hội nhập AEC đang đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam từ nhân sự, vốn, năng suất lao động, đến trang thiết bị, cũng như quy trình sản xuất.

Đọc E-paper

Ngay từ đầu năm 2015, nhiều chương trình liên quan đến những dự báo, chia sẻ cơ hội thị trường và những thách thức khi Việt Nam gia nhập AEC liên tục được các hội thực hiện. Đây được xem là hành động rất thiết thực, giúp nhìn rõ hơn thực trạng năng lực của DN Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo "Tối ưu hóa sản xuất và tối đa hóa năng suất" do Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, CLB Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN TP.HCM (BSA) tổ chức, các chuyên gia kinh tế đánh giá, năng suất lao động bình quân của Việt Nam hiện chỉ mới bằng ½ so với các nước trong khu vực ASEAN.

>Năng suất lao động Việt Nam: Thấp do đâu?

Điển hình, ở Thái Lan, Indonesia, chi phí lương bình quân đối với ngành dệt may là 3USD/giờ, Việt Nam chỉ mới đạt mức 1,5 USD/giờ. Con số so sánh này là từ kết quả Khảo sát năng suất lao động do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện trong năm 2014.

Theo ILO, các ngành có tỷ lệ thâm dụng lao động cao đang phải đối mặt với vấn đề nâng cao năng suất lao động để đảm bảo cạnh tranh. ILO lấy dẫn chứng ngành da giày, dệt may để tính toán năng suất lao động dựa trên thời gian và giá gia công. Cụ thể, số tiền lao động làm ra trong 1 giờ nhân với 208 giờ làm việc/tháng (theo Luật Lao động của Việt Nam).

Kết quả một lao động sẽ có thu nhập 312 USD/tháng (6,63 triệu đồng/tháng). Trừ chi phí quản lý, bảo hiểm, thu nhập tối đa của người lao động còn 3,4 triệu đồng/tháng. Có thể thấy mức tăng lương hiện nay đang cao hơn mức tăng năng suất.

Hội thảo "Xuất khẩu sang thị trường Mỹ - Cơ hội và thách thức" tại Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ lần thứ 8 VIFA - EXPO 2015 cũng đặt ra vấn đề tương tự. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho hay, năng suất lao động trong ngành này ở Việt Nam bằng 2/5 ở Thái Lan, bằng 1/5 ở Malaysia và bằng 1/17 ở Singapore.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách nhà nước, ý thức người lao động, trình độ quản lý, trang thiết bị của DN... ảnh hưởng đến năng suất lao động.

Thông tin chia sẻ tại hội thảo "Tối ưu hóa sản xuất và tối đa hóa năng suất" cho biết, kết quả khảo sát trên 100 DN về chuẩn hóa phương cách quản trị, cơ cấu lao động khoa học, cải tiến về công nghệ và đào tạo kỹ năng cho người lao động cho thấy: 85% không cập nhật, cải tiến quy trình làm việc hằng năm, 98% đào tạo kỹ năng cho nhân viên dưới 48 giờ/năm.

Theo ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc Công ty CP Lê & Associate (L&A), nâng cao năng suất có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi Việt Nam đã hội nhập kinh tế toàn cầu. DN hiện không còn cạnh tranh trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mà là cạnh tranh với DN của cả khu vực.

"Hiệp ước ASEAN + sẽ diễn ra sự dịch chuyển về đầu tư, lao động thì khả năng cạnh tranh về lao động giá rẻ sẽ không còn.. Tiết giảm chi phí là rất cần thiết đối với các DN. Trong năng suất thể hiện ở 4 nhóm cơ bản gồm: năng suất sử dụng máy móc, thiết bị, vốn, năng lượng, và lao động. Vì vậy, DN cần đầu tư cho từng nhóm phù hợp với khả năng của DN mình", ông Đức chia sẻ.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cũng đặt vấn đề, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI chiếm 68% trong tổng số 150 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam. Nhìn ở góc độ thu hút đầu tư nước ngoài, đây là thành quả, nhưng nếu nhìn ở góc độ sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam, thì đây là điều cần suy nghĩ.

>Việt Nam trước làn sóng FDI đang trở lại

Theo ông Minh, Việt Nam chủ động thu hút DN FDI để tạo công ăn việc làm, tạo sản phẩm, tạo tăng trưởng kinh tế. Từ đây giúp DN trong nước nhận được sự chuyển giao công nghệ mới.

Song thực tế, cũng cần nhìn nhận, các DN nội địa Việt Nam chưa đủ mạnh, khả năng tiếp thu khoa học, công nghệ còn yếu, đã trở thành nguyên nhân làm giảm thị phần xuất khẩu của DN Việt Nam so với các DN FDI. Ông Minh cho rằng, để đẩy mạnh khối DN trong nước, ngoài yếu tố nhân lực, vốn, thì yếu tố chính sách cũng phải được Nhà nước chú trọng.

Cụ thể, năm 2015 cần rút ngắn 50% thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý so với năm 2014. Cho phép và khuyến khích thành lập các công ty, các tổ chức tư vấn, dịch vụ cho DN như: đăng ký thuế, kê khai thuế, kê khai hải quan...

Chuyển Quỹ Xúc tiến thương mại và đầu tư, đào tạo, huấn luyện về cho các tổ chức hiệp hội, hội ngành nghề thực hiện; Nhà nước chỉ nên đóng vai trò cấp phép, kiểm tra, giám sát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): Hội "đua" cùng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO