Hội nhập: Cần trí lực, tài lực và kinh nghiệm của kiều bào

HẢI ÂU - NGUYÊN BẢO| 16/11/2016 03:44

Cùng với đội ngũ trí thức trong nước, đội ngũ trí thức, doanh nhân kiều bào được xác định là nguồn lực quan trọng để đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Hội nhập: Cần trí lực, tài lực và kinh nghiệm của kiều bào

Cùng với đội ngũ trí thức trong nước, đội ngũ trí thức, doanh nhân kiều bào được xác định là nguồn lực quan trọng để đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. 

Đọc E-paper

Với 50 tham luận được trình bày và hàng chục tham luận khác được gửi về Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới với chủ đề "Kiều bào chung sức xây dựng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” cho thấy sự quan tâm và mong muốn đóng góp của đội ngũ chuyên gia, trí thức và doanh nhân kiều bào vào sự phát triển của TP.HCM.

Hầu hết các góp ý của bà con kiều bào đều tập trung vào 4 nhóm vấn đề then chốt, có thể tạo ra sự phát triển đột phá cho TP.HCM, như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức, đưa TP.HCM phát triển bền vững và đề xuất các giải pháp, cơ chế nhằm cải thiện môi trường, thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn TP.HCM.

"Đại sứ" hội nhập

Nhiều trí thức, doanh nhân thuộc thế hệ kiều bào đầu tiên đã chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và cả những kỷ niệm về ngày đầu họ về lại "quê cha, đất tổ” để làm ăn, kinh doanh và cả vai trò của một "đại sứ" kêu gọi đầu tư.

Có thể kể đến những cái tên đã quá quen thuộc trong giới doanh thương và khoa học TP.HCM như TS. Nguyễn Trí Dũng, Việt kiều Nhật (Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại sứ du lịch Kansai, Giám đốc Công ty Minh Trân...), ông Võ Quang Huệ - Tổng giám đốc Công ty Robert Bosch Việt Nam (Đức), hay vợ chồng GS. Trần Thanh Vân dù đã ngoài 80 tuổi nhưng niềm đam mê khoa học và khát vọng cống hiến cho đất nước vẫn còn trẻ mãi.

TS. Nguyễn Trí Dũng cho biết, ông đã bắt đầu kêu gọi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào TP.HCM từ những ngày đầu Khu chế xuất Tân Thuận hình thành (năm 1992), đến nay đã vận động được hơn trăm nhà đầu tư Nhật đến với TP.HCM và một số khu vực khác của Việt Nam.

Hiện ông đã thành lập mạng kết nối Việt - Nhật (Japan Vietnam Network) nhằm xúc tiến các hoạt động hợp tác giao lưu, chuyển giao công nghệ, đặc biệt trên cơ sở liên kết nhân dân và chính quyền địa phương hai nước.

Điều đáng nói, theo ông Vũ Hồng Nam - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, so với hai kỳ tổ chức trước đây, Hội nghị lần này thu hút được đông đảo kiều bào tham gia, với hơn 500 đại biểu từ 36 quốc gia, trong đó có những đại biểu tuổi đời dưới 30, thuộc thế hệ kiều bào thứ hai, ba, trở về từ Mỹ, Cộng hòa Czech...

Nhưng dù ở độ tuổi nào và ở bất cứ đâu thì tất cả kiều bào đều một lòng hướng về quê hương, với mong muốn được đóng góp trí lực, tài lực, kinh nghiệm cho sự phát triển của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, sự hiện diện của kiều bào tại TP.HCM, một trung tâm kinh tế năng động hàng đầu của cả nước, và tại Hội nghị lần này khẳng định một điều thiêng liêng rằng tiềm năng và nguồn lực phát triển của đất nước không chỉ nằm trong dải đất hình chữ S rộng hơn 330.000km2 mà còn ở rất nhiều nơi trên thế giới.

Có thể nói, ở đâu có người Việt thì ở đó có Việt Nam và đất nước lúc nào cũng sẵn sàng chào đón những người con Việt Nam trở về mang theo tấm lòng, hoài bão, ý tưởng và nguồn lực để đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm cả cộng đồng hơn 4,5 triệu kiều bào khắp thế giới, một bộ phận quan trọng đóng góp vào sự phát triển của TP.HCM và cả nước.

Thủ tướng bày tỏ, Việt Nam tự hào vì có nhiều kiều bào là doanh nhân thành đạt, nhà khoa học không chỉ đóng góp tài chính mà còn mang hàng hóa, giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới, và là cầu nối tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Dành tâm huyết cho TP.HCM

Xuyên suốt 6 phiên làm việc chính thức, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chính phủ và lãnh đạo TP.HCM đều dành sự quan tâm đặc biệt cho Hội nghị, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và góp ý của trí thức kiều bào đối với những tiềm năng và hạn chế cần khắc phục, nhằm thực hiện mục tiêu đưa TP.HCM một lần nữa trở lại đúng với danh xưng "Hòn ngọc Viễn Đông" và trở thành một trong những trung tâm kinh tế - tài chính, khoa học - công nghệ hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó có rất nhiều ý kiến xoay quanh việc xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh, bền vững và đáng sống.

GS. Nguyễn Đức Khương, Việt kiều Pháp, nhìn nhận, TP.HCM có đầy đủ tiềm năng để phát triển thành một thành phố bền vững, trong đó thành phố thông minh là giai đoạn đầu. Một câu hỏi đặt ra là chuyên gia và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp được gì? Câu trả lời là ở nhiều góc độ và dưới nhiều hình thức khác nhau.

Rất nhiều người Việt là nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu đang công tác ở khắp nơi trên thế giới đã và đang đóng góp ít nhiều vào sự phát triển chung của Việt Nam. Họ có thể làm tốt công tác tư vấn, là cầu nối hợp tác và trực tiếp thực hiện các dự án cụ thể ở Việt Nam. "Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam mà tôi làm chủ tịch có thể là một ví dụ về những đóng góp tập thể.

Hội thực hiện nhiều hoạt động khoa học, kỹ thuật tại Việt Nam và cũng đang cùng các sở, ban ngành của TP.HCM xem xét ba chủ đề: hệ sinh thái dữ liệu mở, cơ chế thúc đẩy đầu tư nước ngoài, giáo dục - đào tạo", ông Khương cho biết.

Trước khi Hội nghị diễn ra, đoàn công tác của UBND TP.HCM do Chủ tịch Nguyễn Thành Phong dẫn đầu đã đến Mỹ, châu Âu làm việc với các tập đoàn công nghệ lớn để học hỏi kinh nghiệm về xây dựng thành phố thông minh. Lãnh đạo TP.HCM cũng cho thấy quyết tâm trong việc thực hiện mục tiêu này, bởi đây được xem là nền tảng để Thành phố phát triển nhanh, bền vững và hiện đại.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, trong phiên thảo luận chuyên đề "Kiều bào tham gia đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ của TP.HCM", cho biết, một trong những nỗ lực của TP.HCM hiện nay là xây dựng thành phố thông minh, theo đó, bám sát hai định hướng: xây dựng chính quyền điện tử và ứng dụng những giải pháp công nghệ để giải quyết những vấn đề khiến dân chúng bức xúc như ngập nước, kẹt xe...

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, việc xây dựng chính quyền điện tử được hiểu trước hết là cải cách thủ tục hành chính, tức ứng dụng công nghệ trong giao dịch hành chính để tránh tiêu cực và tiết giảm thời gian cho doanh nghiệp, người dân, điều này nhằm cải thiện môi trường đầu tư của TP.HCM trong giai đoạn mới. Để thực hiện những mục tiêu này, Thành phố rất cần kinh nghiệm của trí thức kiều bào.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cũng bày tỏ sự cảm kích, sự tri ân sâu sắc trước nhiệt huyết của bà con kiều bào đã không quản ngại đường sá xa xôi, mang theo tình cảm lớn về dự Hội nghị, đưa ra những góp ý thẳng thắn, chí tình, có giá trị thực tiễn để cùng nhau khơi dậy tiềm năng to lớn của TP.HCM và biến các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội và kỳ vọng của bạn bè quốc tế đối với Thành phố thành hiện thực.

Bí thư nhấn mạnh, đội ngũ trí thức kiều bào là xung lực mới cho TP.HCM phát triển. Sau Hội nghị, lãnh đạo Thành phố sẽ cùng các sở, ngành xem xét hình thành cơ chế tương tác, trao đổi thường xuyên để được lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của bà con kiều bào. Bí thư tin rằng, với sự đóng góp của bà con kiều bào, tăng trưởng của TP.HCM trong tương lai sẽ không dừng lại ở một con số mà còn tiến xa hơn nữa.

>Chính sách thuế, hải quan: Còn lắm nhiêu khê cho DN Việt kiều

>Việt kiều mua nhà: Vẫn còn những khó khăn

>Kết nối với Việt kiều để xuất khẩu hàng hoá

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội nhập: Cần trí lực, tài lực và kinh nghiệm của kiều bào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO