Hiểu doanh nghiệp nhờ đi thực tế

PHAN LÊ| 17/04/2013 08:21

Các hội ngành nghề quận, huyện đang ngày càng nỗ lực trong công tác tiếp xúc trực tiếp doanh nghiệp (DN) hội viên để ghi nhận khó khăn mà DN đang gặp phải nhằm tìm ra hướng tháo gỡ cụ thể và thiết thực.

Hiểu doanh nghiệp nhờ đi thực tế

Các hội ngành nghề quận, huyện đang ngày càng nỗ lực trong công tác tiếp xúc trực tiếp doanh nghiệp (DN) hội viên để ghi nhận khó khăn mà DN đang gặp phải nhằm tìm ra hướng tháo gỡ cụ thể và thiết thực.

Đọc E-paper

Tích cực tiếp xúc doanh nghiệp

Hơn một năm trở lại đây, việc đi thực tế tìm hiểu tình hình kinh doanh của DN đã được các hội triển khai khá tích cực. Dù chưa đều đặn, song đây cũng là dấu hiệu cho thấy những đổi thay trong công tác điều hành hoạt động hội. Tuy nhiên, tùy vào nhu cầu của từng đơn vị mà các hội sẽ có những hình thức triển khai cụ thể với từng DN hội viên.

Như trường hợp của Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA), hằng tháng, hằng quý, Hội đều tổ chức những chuyến tham quan thực tế một DN hội viên, thường là những DN "sáng giá”, có thâm niên hoạt động trong ngành, hoặc DN vừa đạt được những thành quả nhất định trong sản xuất, có hệ thống dây chuyền, nhà máy, kho bãi hiện đại...

Đây là dịp giúp các DN trong Hội có cơ hội học hỏi, tìm hiểu lẫn nhau, đồng thời giúp Ban chấp hành Hội có điều kiện ghi nhận tình hình thực tế của DN hội viên.

Dù mới thành lập chưa được bao lâu, song Hội DN Bình Thạnh (BTBA) cũng không hề thua kém YBA trong công tác này. Quý I/2013, đại diện Ban chấp hành BTBA đã tổ chức ba đoàn đi thăm 14 DN hội viên trong các lĩnh vực xuất khẩu may mặc, ngân hàng, tư vấn thuế, dược phẩm, môi trường...

Đây được xem là một trong những hoạt động thiết thực của Hội được các DN hội viên nhiệt tình hưởng ứng, giúp Hội và các DN hội viên hiểu rõ hơn về sản phẩm, dịch vụ của nhau, từ đó tìm hướng xúc tiến thương mại, hợp tác.

Theo đánh giá của đại diện BTBA tại buổi họp CLB Tổng thư ký vào cuối tháng 2 vừa qua, chuyến đi thực tế đã giúp Ban chấp hành Hội thấy được những khó khăn của DN hội viên, ghi nhận nhiều ý kiến góp ý và đề xuất phương hướng hoạt động cho Hội từ các DN hội viên.

Tất cả các DN đều mong muốn Hội sẽ có nhiều phương thức kết nối, quảng bá và hỗ trợ DN, đặc biệt là xúc tiến thương mại và trở thành chiếc cầu nối DN với lãnh đạo địa phương. Điều này đã trở thành động lực giúp Hội có kế hoạch đẩy mạnh hơn các cơ hội giao thương, hợp tác giữa các DN hội viên trong năm 2013.

Trong khi đó, để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và lắng nghe những khó khăn của DN nhằm tiếp tục hành trình "gỡ khó”, đồng hành cùng DN, Hội Doanh nghiệp quận 10 tiếp cận DN bằng cách đi sâu, đi sát, cử đại diện đi thăm trực tiếp từng DN hội viên.

Kiên nhẫn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Không chỉ có các hội ngành nghề quận, huyện, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng rất tích cực trong công tác khảo sát thực tế DN nhằm lắng nghe và ghi nhận những bức xúc, kiến nghị từ phía DN. Đến nay, HUBA đều đặn đi thực tế ít nhất một DN/tuần.

Nói về tính hiệu quả của công tác này, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực HUBA, cho biết, qua quá trình thăm và làm việc trực tiếp với DN, HUBA đã dần tìm ra nhiều hướng gỡ khó cho DN.

Cụ thể là tiếp thu và chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp của những DN làm ăn tốt, cho những DN có nhu cầu học hỏi; nắm bắt kịp thời những khó khăn của DN trong từng trường hợp, từ đó có cơ sở kiến nghị lên các cơ quan quản lý một cách chi tiết để có hướng giải quyết rốt ráo; với những trường hợp chưa thể giải quyết được thì HUBA cũng có cơ sở để tiếp tục kiến nghị, nhờ các sở, ngành có liên quan can thiệp.

Theo ông Hưng, cách làm này không chỉ giúp DN được hỗ trợ một cách nhanh chóng, kịp thời mà ngay bản thân HUBA càng cảm nhận rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Thực tế, thông qua cách làm này của HUBA, khó khăn của nhiều DN đã được giải quyết kịp thời.

Chẳng hạn, Công ty CP Dệt May Thắng Lợi trước thực trạng khá bế tắc là không có tiền trả lương cho nhân viên do tiền thuê đất tăng cao, Công ty mới trả được một nửa số nợ, số còn lại chưa có khả năng chi trả nên một trong ba tài khoản của Công ty đã bị Chi cục Thuế quận Tân Phú phong tỏa.

Ngay sau khi biết được khó khăn của Thắng Lợi, HUBA đã trao đổi với Cục Thuế TP.HCM, tạo điều kiện cho đại diện của Công ty trình bày sự việc và nêu kiến nghị tại hội nghị đối thoại giữa DN và lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM diễn ra vào ngày 20/3/2013.

Chiều cùng ngày, Cục Thuế TP.HCM đã chỉ đạo Chi cục Thuế quận Tân Phú chấm dứt việc phong tỏa tài khoản để Công ty tiếp tục sản xuất, kinh doanh bình thường và đưa ra hướng giải quyết thuận lợi nhất cho Công ty trong việc giảm - giãn nộp tiền thuê đất.

Trường hợp khác, một DN trong ngành dây cáp điện gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, đến nay, sau quá trình làm việc giữa HUBA, đại diện Sở Công Thương TP.HCM, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM, Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP.HCM, DN này đã tiếp cận được vốn từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.

Có thể nói, việc ghi nhận những thành quả hoặc khó khăn của DN thông qua quá trình tiếp xúc trực tiếp với DN đã góp phần không nhỏ trong việc giúp ban chấp hành các hội có thể nghe, thấy và hiểu rõ hơn tình hình thực tế của DN. Và một khi hình thức này được nhân rộng thì việc gỡ khó hay kết nối các DN trong hội sẽ không còn quá khó thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiểu doanh nghiệp nhờ đi thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO