Dùng chất lượng để giành lấy niềm tin của người tiêu dùng

Bùi Thị Thìn| 27/12/2019 04:13

Chất lượng”, đó mới là thứ duy nhất níu giữ khách hàng trung thành với hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp, giữ cho các doanh nghiệp ngày một lớn mạnh.

Gửi “bạn” - những kênh phân phối, những siêu thị, bách hóa, cửa hàng tiện lợi...

Gửi “anh” - những doanh nghiệp, những nhà sản xuất mà em luôn muốn được sẻ chia.  

Ai đó đã từng nói, người giàu nhất không phải là người có nhiều nhất mà là người cho nhiều nhất. "Không ai nghèo đi khi làm từ thiện. Tham gia Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng là cho đi và mình sẽ được nhận lại những gì mong ước". Thật ấm lòng khi được nghe và được thấy những hoạt động đã và đang diễn ra của Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng. Thật sự cảm ơn và trân trọng những tình cảm đó. Còn gì hạnh phúc hơn là với mỗi niềm tin khi lựa chọn hàng Việt Nam là được góp chút gì vào hoạt động từ thiện của các doanh nghiệp, là được chia sẻ đôi phần với những mảnh đời kém may mắn hơn mình. Đừng quên nuôi dưỡng những cảm xúc từ chính những khách hàng của mình. Đừng quên vẻ đẹp tâm hồn, lòng nhân ái, sự thông cảm, sẻ chia luôn dễ dàng lay động trái tim, luôn dễ dàng giành trọn niềm tin từ cộng đồng...

Chat-luong-hang-hoa-8340-1577420189.jpg

Niềm tin là thứ không dễ dàng có được, khi có được nó rồi, giữ gìn và làm cho nó ngày một lớn mạnh hơn lại càng khó. “Anh” à, sao người ta vẫn thích dùng hàng ngoại? Vì nó tốt! Đó là câu trả lời chắc nịch “em” nghe được. Vậy còn hàng Việt Nam? Con của em vẫn dùng sữa Vinamilk hàng ngày; khi mua thịt thì đến cửa hàng của Vissan; thực phẩm đông lạnh thì hay dùng của Cầu Tre...  Hàng Việt vẫn hiện diện hàng ngày mà sao không thay đổi được tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng? 

Có lẽ tâm lý vẫn là thứ khó lay chuyển nhất trên đời. Nhưng hãy dùng hình ảnh để đánh vào cảm xúc, dùng chất lượng để giành lấy trọn niềm tin của người tiêu dùng, dành sự quan tâm để lắng nghe ý kiến người tiêu dùng, và làm tất cả để gây dựng một thương hiệu trong lòng khách hàng. 

Giữa cuộc sống bộn bề lo toan, công nghệ và hiện đại làm ta quên mất việc nuôi dưỡng cảm xúc. Quan tâm đến cảm xúc của người tiêu dùng, một slogan cho cuộc sống đang bế tắc được in kèm sản phẩm: Hãy cho tôi được mỉm cười khi mọi thứ đang quay lưng. 

Dạo một vòng qua siêu thị, trung tâm bách hóa là cách mà em đang sống hằng ngày. Thực phẩm hiện đại, không gian mát mẻ nhưng vì sao chợ vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng mọi người. “Này, sao cô dạo này trẻ thế... Mua thêm bó rau nhé. Ôi sao dạo này thịt heo lên giá kinh... Khiếp thật!”. Có lẽ chợ là nơi đời nhất, nhiều cảm xúc nhất... Có những lúc trong lòng trống rỗng, bước vu vơ trong siêu thị hay các chuỗi bách hóa... nếu bên cạnh gian hàng những trái ớt sẽ là câu “Nề chi chuyện khó ai ơi, ớt còn xử được lo gì đời cay”. Hay bên quầy rau xà lách sẽ là “Cuộc sống mãi xanh như tần ô, xà lách. Tươi mới mỗi ngày, nạp đủ vitamin C”. Đừng chỉ đánh vào tâm lý chất lượng, giá cả, hãy quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc người tiêu dùng. Khi bài trí các gian hàng, hãy đặt mình vào vị trí người tiêu dùng. Bạn cần gì khi vui? Lúc buồn, điều gì khiến bạn nhẹ nhõm? Khi vội vàng, bạn sẽ chọn gì? Hãy để người tiêu dùng biết họ thật sự được quan tâm. Hãy đánh thức thị giác và ưu tiên cảm xúc.

“Anh” doanh nghiệp à, hay là mình cứ yêu thôi “anh” nhé. Vì khi yêu nhau, yêu người tiêu dùng, “anh” sẽ luôn muốn làm tất cả để dành được tình yêu nơi em, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng và làm mọi thứ để hòa hợp với nhau. 

Ở Nhật Bản, một đất nước mà bạn có thể đọc truyện tranh được in trên giấy toilet, nơi mà khi bạn chỉ vào một chút như nhà vệ sinh công cộng thì cũng sẽ làm bạn thật sự thoải mái. Đó là cách mà nhà sản xuất, các doanh nghiệp quan tâm đến người tiêu dùng cho dù là nhỏ nhặt nhất, nhưng lại dễ dàng khiến ta mỉm cười nhất, hài lòng nhất. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được mà đúng không? 

Điều mà khách hàng cần nhất, luôn là chất lượng, thêm những câu nói in trên sản phẩm, luôn dễ dàng đánh vào tâm lý khách hàng, luôn khiến ta chú ý hơn. Khi mà nhà nhà, người người, quan tâm đến môi trường hơn, đang dần đến nói không với túi ni lông thì những bao bì giấy, phải kèm cả quai xách nữa có phải là một trong những cách tiện lợi hơn cho người tiêu dùng. Càng hiện đại thì phong cách hoài cổ lại trở thành một trào lưu “hot” hơn bao giờ hết, mì gói đựng trong bao gói giấy, dùng lá chuối để gói bó rau... những bao bì, mẫu mã có vẻ hoài cổ, có thể sẽ tạo nên cơn sốt. Hãy luôn bắt nhịp với tâm lý khách hàng, dùng trái tim để dẫn lối trái tim...

Đón nhận thư góp ý từ người tiêu dùng, nghĩa là các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp... muốn đến gần hơn với người tiêu dùng, muốn hiểu hơn để đưa ra những lựa chọn phù hợp với mọi người. Nhưng có gần gũi thế nào, có am hiểu thế nào thì “chất lượng”, đó mới là thứ duy nhất níu giữ khách hàng với doanh nghiệp, giữ cho những chuỗi siêu thị như Co.opmart, Bách hóa Xanh,... ngày một lớn mạnh như hiện nay.

Chúc “Anh”, chúc “Bạn” luôn thật mạnh và thật khỏe!

Đủ “mạnh” để vươn xa hơn không chỉ trong phạm vi ao làng!

Đủ “khỏe” để đồng hành dài lâu cùng nhau...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dùng chất lượng để giành lấy niềm tin của người tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO