Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Phải sát với thực tế

LÊ LOAN| 19/04/2017 09:00

Để có thể trở nên hữu ích với doanh nghiệp (DN), Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cần rõ ràng, cụ thể, các quy định trong Luật phải chi tiết, tránh nói chung chung, và hơn thế nữa là cần phải đẩy mạnh vai trò của các hiệp hội DN.

Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Phải sát với thực tế

Để có thể trở nên hữu ích với doanh nghiệp (DN), Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cần rõ ràng, cụ thể, các quy định trong Luật phải chi tiết, tránh nói chung chung, và hơn thế nữa là cần phải đẩy mạnh vai trò của các hiệp hội DN.  

Đọc E-paper

Tuần qua, tại TP.HCM và Hà Nội đã liên tiếp diễn ra các cuộc hội thảo lấy ý kiến từ DN và đại diện các hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề nhằm hoàn thiện dự án Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận. Dự kiến dự án sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới đây.

Dù dự án Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được ghi nhận có nhiều nội dung tích cực liên quan đến việc hỗ trợ thông tin về đầu tư cho DN, thông tin thị trường, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực..., nhưng đến thời điểm này vẫn còn rất nhiều ý kiến từ DN và đại diện các hiệp hội DN cho rằng Luật chưa thể hiện rõ, đầy đủ thông tin cũng như những quy định cụ thể. Nếu không bổ sung, Luật sẽ khó áp dụng vào thực tiễn khi được thông qua.

Tại TP.HCM, khi nói về dự án Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, ông Nguyễn Đức Nghĩa - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý Thuế TP.HCM nêu ý kiến, tiêu chí xác định DN nhỏ và vừa cần được làm rõ, cũng như cần phân định rõ đối tượng được hỗ trợ là DN Việt Nam và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, nên tập trung hỗ trợ DN Việt Nam, vì các DN FDI khi vào Việt Nam cơ bản họ đã được hỗ trợ nhiều rồi.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa còn nói thêm về vấn đề thuế. Cụ thể, với quy định về hỗ trợ thuế cho DN, Luật cần nêu rõ con số với định mức hỗ trợ rõ ràng. Và nếu được thì Luật nên hướng đến việc điều tiết, hỗ trợ thuế giá trị gia tăng vì theo ông Nghĩa, thuế này được tính trong giá bán và sẽ giúp DN tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Ở góc độ DN, đối tượng đang được Luật hướng đến lại kỳ vọng Luật cần có cơ chế rõ ràng hơn để DN nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Vì nếu dự án Luật cứ để thông tin chung chung như hiện nay thì không thể khuyến khích các tổ chức tín dụng cho DN vay vốn.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Thị Kim Xuân - Trưởng Văn phòng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM cho biết, điểm yếu của các DN nhỏ và vừa là năng lực tài chính yếu, vốn ít, giá trị tài sản thấp... cho nên sẽ không đủ tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng.

Để cải thiện tình hình, dự án Luật cần điều chỉnh lại theo hướng tạo được cơ chế, chính sách, khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay thế chấp tài sản đảm bảo bằng bất động sản để DN nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận vốn.

Bà Xuân dẫn chứng, hiện nay, theo thông lệ quốc tế, có thể mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DN nhỏ và vừa bằng hình thức cho vay có tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Ở các nước, dư nợ cho vay bằng tài sản đảm bảo là bất động sản đang chiếm tới 70% tổng dư nợ, trong khi ở Việt Nam, đến thời điểm này, mức dư nợ cho vay bằng tài sản đảm bảo là bất động sản mới chỉ đạt 30% tổng dư nợ.

Bên cạnh rất nhiều ý kiến đóng góp cho dự án Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, các DN còn nhấn mạnh việc khuyến khích Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các trung tâm xúc tiến thương mại địa phương và các hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề trên cả nước, qua đó tạo sự gắn kết, giúp việc hỗ trợ DN thiết thực hơn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM cho hay, hiện nay, vai trò của các hiệp hội DN còn khá mờ nhạt, dự án Luật nên lưu ý điều này để các hiệp hội DN và DN có sự tương tác nhiều hơn trong tương lai.

Đại diện một số hiệp hội DN không đồng tình việc dự án Luật đưa trách nhiệm của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào Điều 29 của dự án Luật với quy định các nhóm trách nhiệm của Hiệp hội đối với DN gồm: tập hợp, liên kết, đại diện bảo vệ, huy động nguồn lực, hỗ trợ DN hội viên, cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ DN, cung cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành của Hiệp hội... cho đến đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho DN nhỏ và vừa. Điều này sẽ hình thành thêm một cấp hành chánh mới, dễ dẫn đến cơ chế xin - cho ở Hiệp hội.

Tại hội thảo góp ý cho dự án Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa ở TP. Hà Nội tuần qua, ông Trần Việt Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM phân tích, hiện nay, ngoài VCCI, DN chỉ cần thêm đầu mối là hiệp hội ngành nghề và hiệp hội DN địa phương.

Trước ý kiến này, nhiều DN cũng cho rằng, vai trò của các hội, hiệp hội đối với việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa là rất quan trọng và cần thiết, góp phần chủ yếu vào việc triển khai Luật trong thực tế. Bởi, các hội, hiệp hội sẽ vừa giúp cơ quan nhà nước lựa chọn đúng đối tượng cần hỗ trợ, vừa làm nhiệm vụ hỗ trợ, giám sát, triển khai thực hiện. Đây sẽ là nguồn lực đồng hành lâu dài cùng DN.

>>TP. Hồ Chí Minh đặt trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Phải sát với thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO