Doanh nghiệp Việt thay đổi để thích nghi với TPP

LÊ LOAN| 19/04/2016 04:21

Sẽ là sai lầm khi cho rằng TPP có quá nhiều thuận lợi, bởi so với 11 thành viên khác thì Việt Nam vẫn là quốc gia có năng lực khiêm tốn nhất.

Doanh nghiệp Việt thay đổi để thích nghi với TPP

Trong một chương trình về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thực hiện ngày 15/4 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ, hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ chịu tác động nhiều nhất khi TPP có hiệu lực.  

Đọc E-paper

Theo đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu khi vào các thị trường Nhật Bản, Canada, Mỹ..., những thị trường từng có nhiều hạn chế đối với hàng hóa của Việt Nam.

Ngược lại, nhiều loại hàng hóa trong khối TPP xuất vào Việt Nam cũng hưởng mức thuế ấy. Do vậy, doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh nhiều hơn ở lĩnh vực ô tô, thực phẩm, phân phối, ngân hàng, viễn thông... Nặng nề nhất là DN nhỏ và siêu nhỏ sẽ rất khó để cạnh tranh trực diện với DN các nước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khuyến cáo, sẽ là sai lầm khi cho rằng TPP có quá nhiều thuận lợi, bởi so với 11 thành viên khác thì Việt Nam vẫn là quốc gia có năng lực khiêm tốn nhất.

Trước đó, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP từng phân tích năm yếu tố tác động tiêu cực từ TPP đến Việt Nam, đó là nguồn nhân lực, quản trị, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, phong cách làm việc.

Để có thể bình đẳng trong kinh doanh, ông Mai Hoài Anh - Giám đốc Điều hành Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, Vinamilk đã và đang chuẩn bị chiến lược thâm nhập và phát triển thị phần tại các nước thành viên TPP bằng việc đầu tư hệ thống sản xuất hiện đại, nâng cao chất lượng các loại sữa. Đồng thời, Vinamilk từng bước thực hiện các đơn hàng, thiết lập nền tảng kinh doanh tại các thị trường trong khối này.

Theo ông Nguyễn Phúc Khoa - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), năm 2015, doanh thu của Satra đạt khoảng 2,2 tỷ USD. Để chuẩn bị cho lộ trình cắt giảm thuế khi thực hiện TPP, DN tập trung đầu tư cho các sản phẩm liên quan đến thực phẩm chế biến sẵn và rau quả tươi, đồng thời đang trong giai đoạn cải tiến và nâng cao năng suất lao động bằng cách đầu tư vào nguồn nhân lực.

Ở lĩnh vực tôn, thép, ông Lê Phước Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, cho hay, TPP là thời cơ lớn để DN phát huy sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xuất khẩu hàng hóa ra thị trường các nước. Song, điều đáng lo ngại hiện nay là khi TPP có hiệu lực, các DN thép sẽ phải đối mặt với việc thép có xuất xứ từ các quốc gia thành viên TPP nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.

Với ưu thế về giá, chất lượng thép nhập khẩu, số đông các DN nhỏ và vừa Việt Nam trong ngành thép sẽ rất khó cạnh tranh. Trước thực trạng này, ông Vũ cho rằng, Bộ Công Thương ngoài việc hỗ trợ thông tin về TPP cũng nên là "đầu tàu" trong việc hỗ trợ DN trong các cuộc điều tra tự vệ thương mại hoặc kiện chống bán phá giá.

Có thể thấy, vẫn có rất nhiều việc không chỉ cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, mà tự thân các DN phải thay đổi để thích nghi với thị trường. Theo bà Bùi Kim Thùy - Phó trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), quy tắc xuất xứ hàng hóa luôn là vấn đề then chốt của bất kỳ hiệp định hay thỏa thuận thương mại tự do nào, trong đó có TPP.

Nếu các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam không đáp ứng bộ quy tắc xuất xứ thì không bao giờ được hưởng mức thuế quan ưu đãi.

>TPP: Những ngoại lệ không áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi

>“Hóa giải” 3 mối lo của xuất nhập khẩu khi VND mất giá

> Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 60 tỷ USD

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Việt thay đổi để thích nghi với TPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO