Đánh giá cao những đề án có lợi cho cộng đồng

ĐẶNG QUÝ YÊN| 13/04/2011 05:27

Nằm trong khuôn khổ những hoạt động của Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, buổi giao lưu đầu tiên giữa doanh nhân và sinh viên, được tổ chức tại Trường Đại học Hoa Sen, chi nhánh Cao Thắng, TP.HCM cuối tuần qua, đã mở ra cơ hội giúp Ban tổ chức có thể lắng nghe, đồng hành cùng các thí sinh nói riêng và các bạn sinh viên nói chung.

Đánh giá cao những đề án có lợi cho cộng đồng

Hội trường Trường Đại học Hoa Sen sáng ngày 9/4, sự lặng yên lắng nghe từng lời của diễn giả nhanh chóng được thay thế bằng sự sôi nổi, hào hứng, nhưng cũng không kém phần gay cấn ở phần giải đáp thắc mắc. Các diễn giả của chương trình đã phải chia việc cho nhau mới có thể giải tỏa hết những suy tư của các sinh viên đang học tập tại ngôi trường có lượng thí sinh lọt vào vòng 2 của Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can nhiều nhất hiện nay.

Xem E Paper số 138

Ưu tư của người đến sau

Các diễn giả giao lưu với sinh viên

Nằm trong khuôn khổ những hoạt động của Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, buổi giao lưu đầu tiên giữa doanh nhân và sinh viên, được tổ chức tại Trường Đại học Hoa Sen, chi nhánh Cao Thắng, TP.HCM cuối tuần qua, đã mở ra cơ hội giúp Ban tổ chức có thể lắng nghe, đồng hành cùng các thí sinh nói riêng và các bạn sinh viên nói chung.

Đại diện Ban tổ chức, bà Phan Thị Tuyết Mai, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Tài Nguyên, Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn, Phó ban tổ chức, đã một lần nữa giới thiệu lại mục đích, ý nghĩa và thể lệ tham gia Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can.

Là người có quá trình khởi nghiệp khá ấn tượng, theo bà Mai, cách tốt nhất để sinh viên khởi nghiệp “làm nháp” trước khi dấn thân vào thương trường chính là tham gia chương trình này.

“Bằng cách khuyến khích các bạn viết và bảo vệ đề án kinh doanh trước những doanh nhân thành đạt, chúng tôi mang đến cho các bạn cơ hội để kiểm tra xem mình có thực sự phù hợp với thương trường cũng như phù hợp với lĩnh vực nào để có sự lựa chọn tốt nhất cho tương lai”, bà Mai chia sẻ.

Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, các bạn sinh viên phải hội đủ những yêu cầu cơ bản của chương trình, như: hiểu biết về đạo làm giàu của danh nhân Lương Văn Can, có trình độ ngoại ngữ ở mức trung bình khá.

“Hiện nay còn rất nhiều sinh viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ nên không quan tâm trau dồi kỹ năng này. Bản thân tôi rất muốn tham gia Giải thưởng nhưng cũng không cảm thấy tự tin về trình độ ngoại ngữ của mình. Cơ hội đã có nhưng chính mình lại hạn chế mình”, bạn Hoàng Yến, sinh viên khoa Ngôn ngữ học, thú nhận.

Không bị hạn chế bởi trình độ ngoại ngữ, bạn Nguyễn Xuân Anh, sinh viên năm cuối Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, người đã vượt qua vòng sơ khảo ngay từ những ngày đầu khởi động Giải thưởng, lại tỏ ra băn khoăn về tính chất xã hội và khả năng tạo lợi nhuận tính bằng tiền của đề án kinh doanh khi tham gia chương trình.

Lắng nghe trăn trở của Xuân Anh, ông Lại Minh Duy, Tổng giám đốc Công ty Du lịch TST, giảng viên Trường Đại học Hùng Vương, khẳng định: “Lợi nhuận của kinh doanh không chỉ tính bằng tiền và không chỉ Ban tổ chức, mà xã hội cũng đánh giá cao những đề án kinh doanh có lợi cho cộng đồng”.

Phấn khởi của người đi trước

Sinh viên sôi nổi tham gia đưa câu hỏi

Không chỉ trao đổi về Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, nội dung buổi giao lưu còn được mở rộng ra các vấn đề: đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, kinh nghiệm khởi nghiệp...

Theo bạn Nguyễn Duy Khánh, sinh viên năm hai Khoa Kinh tế - Thương mại, rất khó áp dụng vào thực tế tất cả những lý thuyết của bộ môn Đạo đức kinh doanh mà các bạn đang được học ở trường.

Đồng tình với Duy Khánh, phần lớn các bạn sinh viên đều ngạc nhiên và nhiệt tình tranh luận khi biết bà Nhan Húc Quân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo Việt Nam, áp dụng quy định nghiêm cấm nhân viên nhận quà từ đối tác.

Có bạn cho rằng, tặng và nhận quà không xấu cũng như không mang mục đích xấu nếu món quà đó không có giá trị cao; cũng có bạn lo lắng, thiếu quà cáp cũng được xem như thiếu chất “bôi trơn” để công việc được trôi chảy...

Giải đáp thắc mắc này, bà Nhan Húc Quân chia sẻ: “Vấn đề cốt lõi của quà cáp chính là mục đích, nếu biết được mục đích của người tặng quà thì sẽ biết cách ứng xử với món quà ấy”.

Khép lại những thắc mắc về văn hóa, đạo đức kinh doanh, không khí buổi giao lưu lại một lần nữa nóng lên vì những tranh luận xung quanh vấn đề ứng xử, kỹ năng làm việc... khi chọn khởi nghiệp bằng con đường cống hiến sức lao động cho một doanh nghiệp.

Kể lại những tình huống mình đã trải qua, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Pathfinder, mang đến cho các bạn sinh viên cái nhìn cơ bản về văn hóa ứng xử trong môi trường lao động tập thể.

Ông Tuấn cho rằng, ngoài những kỹ năng làm việc, sinh viên còn cần phải có văn hóa ứng xử tốt thì mới có thể nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc. Và khi đã hòa nhập được rồi, cơ hội thăng tiến sẽ đến.

“Nếu không có buổi giao lưu này chúng tôi sẽ không biết các bạn sinh viên có nhiều trăn trở về khởi nghiệp đến vậy. Đây là tín hiệu đáng mừng”, ông Nguyễn Thanh Minh, Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn, nhận xét, khi chứng kiến hàng chục bạn trẻ nấn ná, chờ đợi để được trực tiếp trò chuyện với diễn giả dù chương trình đã kết thúc.

Hơn ba giờ đồng hồ của một buổi sáng cuối tuần dường như vẫn không đủ với những bạn trẻ đang đau đáu tìm con đường dẫn đến tương lai. Chương trình kết thúc mà cơn khát thông tin của người trẻ vẫn còn, điều này trở thành “đơn đặt hàng” cho những người làm công tác tổ chức. Bởi các bạn trẻ hẳn đã biết, cách học tốt nhất chính là học từ kinh nghiệm của người đi trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đánh giá cao những đề án có lợi cho cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO