Cử tri mong muốn gì vào các đại biểu nhiệm kỳ mới?

Mỹ Huyền| 13/04/2021 09:23

Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) đang trong giai đoạn hiệp thương. Tại TP.HCM, nơi đầu tàu và là động lực phát triển kinh tế của cả nước, bầu cử lần này đang nhận được nhiều sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân về những người đại biểu của dân có tâm - trí - tầm - tài để đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố.

Hinh-1-2-9495-1618299863.jpg

Cử tri TP.HCM mong muốn những đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ tới phải là người có tâm - trí - tầm - tài, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của cử tri - Ảnh: TL

Năng lực, tư duy vượt trội 

Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn, doanh nhân Lý Trường Chiến - người sáng lập Trí Tri Group chia sẻ trong lần bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tới đây sẽ chọn người có tâm - trí - tầm - tài, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của cử tri. Người được chọn phải có tư duy, tích cực tìm ra vướng mắc trong đời sống, từ đó có giải pháp tháo gỡ. “Để có thể đáp ứng yêu cầu trên, họ phải có năng lực vượt trội, có trí tuệ và tầm nhìn xa để có hành động vì lợi ích của cử tri, của đất nước”, ông Chiến nói.

Luật sư cấp cao Phạm Thị Thoa tại Công ty TNHH Luật Apolat Legal cũng nêu những tiêu chuẩn khi chọn người đại biểu nhân dân là phải đáp ứng điều kiện về năng lực và trình độ. Tiếp theo, họ phải đáp ứng điều kiện sức khỏe và thời gian để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bà kỳ vọng những vị đại biểu nhân dân kỳ này phải thực sự đại diện cho tiếng nói, lợi ích của nhân dân. Họ không chỉ có tâm, có tầm để cống hiến cho sự phát triển của Thành phố nói riêng, đất nước nói chung mà còn nêu cao tinh thần phòng chống tham nhũng, tham ô, lãng phí.

Còn luật sư Lê Trọng Thêm, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM lại có tiêu chí chọn đại biểu phải là người hành động và biết vận động quần chúng. Bởi theo ông, thực tế cho thấy có một số đại biểu khi vận động bầu cử thì đưa ra rất nhiều chương trình hành động hay nhưng khi trúng cử họ không hành động hoặc hành động rất ít. “Ngoài việc phải hành động quyết liệt với chương trình hành động đã đề ra, người đại biểu nhân dân phải biết truyền thông điệp để lan tỏa, vận động những đại biểu khác và quần chúng nhân dân cùng hành động thì mới có kết quả tốt trên diện rộng”, Luật sư Lê Trọng Thêm kỳ vọng.

Quan tâm đến khôi phục kinh tế, giá đất

Một trong những vấn đề cử tri quan tâm đó là việc hồi phục kinh tế thành phố sau đại dịch Covid-19. Luật sư Lê Trọng Thêm cho rằng, thời gian qua dịch bệnh làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp ở TP.HCM bị đình trệ. Hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, thu hẹp quy mô, giảm doanh số, lợi nhuận. Điều này ảnh hưởng đến việc làm hàng triệu lao động, đời sống người dân gặp khó khăn. Đây là vấn đề rất cần được sự quan tâm, chia sẻ của chính quyền. Do đó, ông mong muốn các vị đại biểu trúng cử phải đưa ra giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời để nhanh chóng khôi phục lại kinh tế cho Thành phố. 

Trong khi đó, một số ý kiến khác lại quan tâm đến các chính sách, đặc biệt là việc sử dụng ngân sách hỗ trợ làm sao cho đúng đối tượng, đúng nhu cầu của doanh nghiệp. Luật sư Phạm Thị Thoa cho rằng, trong năm 2020, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng khi triển khai vẫn còn gặp những quy định ràng buộc khiến rất khó tiếp cận. Do đó, bà đề nghị: “Chúng ta nên chấp nhận giúp nhầm còn hơn bỏ sót để hỗ trợ cho doanh nghiệp”. 

Một vấn đề khác cũng được cử tri quan tâm, đó là tình trạng sốt đất ở khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Cử tri mong muốn các đại biểu trúng cử trong kỳ bầu cử tới đây phải có tiếng nói và hành động quyết liệt với tình trạng đầu cơ, thổi giá đất. “Đại biểu phải có tiếng nói để lãnh đạo các quận, huyện vào cuộc kiểm soát mọi hoạt động sử dụng và giao dịch đất đai, hay tình hình thực hiện các dự án đầu tư để bảo đảm đúng quy định pháp luật. Thậm chí, cần phải gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với các hiện tượng sốt đất. Ngoài ra, còn cần tăng cường quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao bán... trên địa bàn”, bà Thoa nêu kiến nghị như vậy. 

Ngoài ra, ý kiến cử tri cũng đề xuất để tránh tình trạng người dân có tâm lý hùa theo đám đông mua bán bất động sản, chính quyền địa phương cần cung cấp thông tin kịp thời về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Các cơ quan chức năng liên quan, nhất là ở địa phương, từ cấp xã, huyện cần cương quyết xử lý tin đồn tạo sốt đất. Trong trường hợp cần thiết, Thành phố ban hành các văn bản pháp luật để hướng dẫn, quy định rõ trách nhiệm và hình thức xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm để răn đe.

Tương tự, luật sư Thêm cũng cho rằng ngoài việc đẩy nhanh việc số hóa quy hoạch để người dân dễ dàng tra cứu thông tin, cơ quan nhà nước cần xử lý nghiêm, kịp thời các cán bộ, ngành có liên quan đến quy hoạch cấu kết và loan tin với giới cò đất, giới đầu cơ bất chính nhằm ngăn chặn ngay “bong bóng” bất động sản. 

------------------------------------------------------

CÓ CƠ CHẾ ĐỂ CỬ TRI GIÁM SÁT CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

can-co-che-5380-1618299863.jpg

Cần có cơ chế khiếu nại, khiếu kiện cho nhân dân đối với các công chức, viên chức thực hiện thủ tục hành chính

Việc cải cách hành chính cũng được các cử tri chỉ ra. Luật sư Phạm Thị Thoa cho rằng, cải cách hành chính cần gắn với các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, cần hoàn thiện thể chế phân định rõ trách nhiệm trong phối hợp giải quyết thủ tục hành chính đi đôi với đào tạo nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức. Sau đó, cần kiểm tra, thanh tra công vụ thường xuyên nhằm khắc phục những lĩnh vực còn yếu kém. 

Đặc biệt, cần có cơ chế khiếu nại, khiếu kiện cho nhân dân đối với các công chức, viên chức thực hiện thủ tục hành chính để đảm bảo quá trình thực hiện nhanh gọn, minh bạch, không quan liêu. Cương quyết bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân. Ngoài ra, còn phải giảm số lượng văn bản chứa quy phạm pháp luật để hệ thống pháp luật đơn giản hơn, thống nhất, dễ tiếp cận, thuận lợi cho công tác thi hành và áp dụng pháp luật. Đồng thời, nên có văn bản, hướng dẫn rõ ràng để phân biệt rõ ràng các văn bản quy phạm pháp luật so với các loại văn bản pháp luật khác (văn bản điều hành, văn bản áp dụng, văn bản hành chính).

Hiến kế gửi đến đại biểu về giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, cử tri nêu kiến nghị Thành phố phải mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong phòng chống và xử lý tham nhũng và phát huy vai trò giám sát của nhân dân và công luận. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, các quỹ do nhân dân đóng góp và do nước ngoài viện trợ và bảo đảm công khai, minh bạch. 

Đáng chú ý, cử tri mong muốn bộ máy nhà nước tinh gọn hơn, khắc phục những chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ đang tồn tại. Ví dụ, những công việc về dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan hành chính nhà nước trực tiếp thực hiện có thể chuyển cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ hoặc doanh nghiệp làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cử tri mong muốn gì vào các đại biểu nhiệm kỳ mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO