Chậm vì chờ chính sách

LÊ LOAN| 18/05/2012 06:40

Giai đoạn 2006-2010 phản ánh cơ hội mới cho Việt Nam bứt phá nhờ đẩy nhanh hội nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA), song kết quả không như kỳ vọng.

Chậm vì chờ chính sách

Giai đoạn 2006-2010 phản ánh cơ hội mới cho Việt Nam bứt phá nhờ đẩy nhanh hội nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA), song kết quả không như kỳ vọng. Bất ổn kinh tế vĩ mô trở thành vấn đề nghiêm trọng do các cú sốc từ bên ngoài cùng những sai lầm trong chính sách. Việt Nam đã quá thiên về mục tiêu tăng trưởng dựa trên đầu tư và tín dụng.

Đọc E-paper

Xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên

Nhiều sức ép lớn



Đó là kết luận từ Diễn đàn “Diễn tiến tác động hội nhập đến hoạt động thương mại của Việt Nam” do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TP.HCM và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM phối hợp tổ chức, nhằm đánh giá tác động của hội nhập kinh tế quốc tế.

Các báo cáo tại diễn đàn này cho thấy, nếu việc gia nhập WTO gây sức ép lớn về mặt thể chế, dịch vụ, thì các hiệp định FTA song phương và khu vực lại tạo sức ép lớn lên thương mại hàng hóa do mức độ giảm thuế sâu.

Cơ cấu của nền kinh tế qua hai giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010 chưa có sự thay đổi rõ rệt, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa trên việc sử dụng nhiều nguồn lực, đặc biệt là vốn (tỷ lệ trung bình đạt 58,2%), lao động (18,6%), trong khi vai trò của tăng tổng năng suất (TFP) còn rất hạn chế (23,3%).

Sau khi gia nhập WTO, vốn đầu tư tăng nhanh nhưng tỷ trọng đầu tư vào các ngành chế biến, chế tạo giảm đi, còn đầu tư vào khu vực dịch vụ và bất động sản lại tăng. Thực trạng này cho thấy, đầu tư tăng nhưng không làm tăng mạnh năng lực sản xuất và xuất khẩu, mà lại góp phần gia tăng nhập siêu.

Do đó, nếu trừ phần xuất khẩu dầu thô thì khu vực FDI vẫn là khu vực nhập siêu. Đầu tư cao, chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư ngày càng lớn trong khi hiệu quả đầu tư ngày càng thấp (cùng với phản ứng chính sách không hợp lý) là nguyên nhân gốc rễ của lạm phát và những bất ổn kinh tế vĩ mô từ những năm qua.

Cấu trúc hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu dường như không có bước đột phá, xuất khẩu chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, các mặt hàng nông sản và các mặt hàng sử dụng nhiều lao động; chủ yếu xuất thô, giá trị thấp.

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dù hơn 600 mặt hàng nông sản có thể có thương hiệu tốt nhưng hiện Việt Nam chỉ có từ 20-30 nông phẩm có thương hiệu và có chỉ dẫn, cụ thể là gạo xuất khẩu.

Về vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ, nhấn mạnh, chất lượng nông sản Việt Nam đang rất thấp, không thâm nhập được vào hệ thống phân phối của các nước, mà chủ yếu bán qua trung gian.

Do đó, cần đẩy mạnh áp dụng khoa học, đưa công nghệ vào nông nghiệp để từ đó người nông dân có nền tảng đẩy mạnh chuỗi sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm. “Song, việc này không hề đơn giản vì còn phụ thuộc vào luật, nhưng hiện Việt Nam vẫn đang sửa luật, chưa thấy có gì đột phá”, ông Tuyển nói.

Hội nhập “không gian chính sách”


Khác với xuất khẩu, nhập khẩu dường như có những diễn biến tăng trưởng nhanh hơn hẳn sau khi Việt Nam gia nhập WTO, chủ yếu do tăng đầu tư. Tính từ năm 2007-2010, nhập khẩu tăng khoảng 1,9 lần, từ 44,9 tỷ USD lên 84 tỷ USD.

Theo đó, tốc độ nhập khẩu tăng bình quân 17%/năm. Nhập siêu từ Trung Quốc (TQ) là lớn nhất, trong khi đó, hàng hóa Việt Nam cũng chiếm đến 40% thị trường TQ. TQ đang chuyển cạnh tranh từ giá thấp sang chất lượng.

Do đó, hàng hóa Việt Nam có thể khai thác thị trường này trong một số năm trước mắt. “Đồng thời, sức ép nâng giá đồng nhân dân tệ (NDT) sẽ có lợi cho xuất khẩu Việt Nam.

Việc nâng giá đồng NDT không đi liền với giảm nhập khẩu hàng hóa từ TQ, nên nhu cầu nhập khẩu hàng Việt Nam sẽ không giảm, kéo kim ngạch nhập khẩu tăng lên khi NDT tăng giá”, ông Tuyển phân tích. Tuy nhiên, TQ sẽ dịch chuyển đầu tư từ miền Đông sang miền Tây và các nước khác, trong đó có Việt Nam. Vì thế, có khả năng Việt Nam sẽ tiếp nhận công nghệ lạc hậu của TQ.

Theo TS. Võ Trí Thành, quá trình hội nhập và thực hiện cam kết theo các tuyến hội nhập không đồng nghĩa với việc Việt Nam mất đi “không gian chính sách”. Theo đuổi các mục tiêu hội nhập và phát triển bền vững trong thời đại ngày nay phải được thực hiện bằng công cụ chính sách tinh vi hơn, khoa học hơn và có tính liên ngành, đa ngành hơn.

Để hạn chế những mặt tiêu cực trong hội nhập, trong giai đoạn 2011-2015, mục tiêu đến 2020, theo các chuyên gia, cần đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh chất lượng chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cũng như chương trình xây dựng thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Điều hành nhập khẩu phải có định hướng, ưu tiên nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị trong nước chưa sản xuất, chú trọng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng; thu hẹp chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư đi đôi với tiết kiệm nguyên liệu trong đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư; xây dựng chính sách và cơ chế bảo hộ thương mại hợp lý và tăng cường các giải pháp hạn chế nhập khẩu, giảm nhập siêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chậm vì chờ chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO