Cần quy hoạch lại khu vực nuôi yến

HOÀNG NAM| 16/05/2013 09:31

Thời gian qua, các doanh nghiệp nuôi yến và các nhà khoa học luôn tỏ ra nghi ngờ kết quả xét nghiệm cúm H5N1 trên chim yến và cho rằng biện pháp xử lý được áp dụng quá vội vàng.

Cần quy hoạch lại khu vực nuôi yến

Thời gian qua, các doanh nghiệp nuôi yến và các nhà khoa học luôn tỏ ra nghi ngờ kết quả xét nghiệm cúm H5N1 trên chim yến và cho rằng biện pháp xử lý được áp dụng quá vội vàng.

Đọc E-paper

Theo đại diện Chi cục Thú y TP.HCM, từ thời gian phát hiện ngày 1/4 đến khi có quyết định xử lý là ngày 20/4, cơ quan thú y đã lấy mẫu rất nhiều lần trên chim yến bệnh, chim yến sống, phân và tổ yến (tổng cộng gần 200 mẫu).

Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR (tỷ lệ sai sót là 1/10.000.000) đều cho kết quả dương tính với virus cúm gia cầm H5N1, trong đó có cả kết quả dương tính đối với cá thể sống.

Khi ban hành quyết định xử lý các nhà nuôi chim yến có bệnh cúm gia cầm, các ngành chức năng đã rất cẩn trọng nhằm loại trừ nguy cơ dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và mầm bệnh tiếp tục phát tán ra các nhà yến khu vực xung quanh, gây thiệt hại về kinh tế, xã hội còn cao hơn gấp nhiều lần.

Bên cạnh đó, ngoài số chim yến chết là trên 5.000 con, tại các nhà yến xung quanh, mỗi ngày cơ quan chức năng cũng nhận được khoảng 30 - 40 con chim chết được giao nộp. Tuy nhiên, đây chỉ là số chim yến tơ, chim yến còn non chết trong khu vực nhà nuôi.

Thực tế chưa thống kê được số chim yến trưởng thành chết trong quá trình đi tìm thức ăn bên ngoài. Từ những kết quả trên, trước áp lực của nhà dân nơi có chim yến chết rơi xuống, cơ quan chức năng đủ cơ sở để ra quyết định tiêu hủy.

Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh cúm H5N1 trên chim yến, và nếu có cũng không thể tiêm phòng triệt để cho đàn yến được vì đây là chim hoang dã. Trong tình huống này các chủ cơ sở nuôi yến cần có sự hợp tác, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng hơn là suy tính thiệt hại của bản thân.

Hiện tại, TP.HCM có 402 nhà nuôi yến, trong đó đa số nhà nuôi tại Cần Giờ (197), còn lại là ở các quận 7, 9, Bình Thạnh và huyện Nhà Bè. Trong số các nhà yến này, Chi cục Thú y chỉ mới cấp phép nuôi thí điểm cho khoảng 11 nhà thuộc các cơ sở, công ty có đăng ký; các trường hợp còn lại đều là tự phát và không nằm trong quy hoạch.

Khoa học đã chứng minh, virus cúm A/H5N1 không thể tồn tại trên tế bào khô. Tổ yến là thành phần tế bào khô, cùng với nước yến là hai sản phẩm được trải qua quá trình thanh trùng kỹ lưỡng, do đó loại virus cúm này không thể tồn tại trong sản phẩm và không gây hại cho người.

Từ khi có thông tin chim yến nhiễm virus cúm, Chi cục Thú y TP.HCM đã giám sát, lấy mẫu chim yến tổng cộng 142 mẫu. Kết quả đến nay chưa phát hiện mẫu dương tính với virus cúm gia cầm cũng như chưa ghi nhận trường hợp chim yến bệnh chết bất thường trên địa bàn TP. HCM.

UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận - huyện xây dựng quy hoạch nuôi chim yến và quy chế quản lý việc dẫn dụ, gây nuôi chim yến trên địa bàn thành phố.

Theo đó, về lâu dài phải quy hoạch lại khu vực nuôi yến, tránh tự phát các nhà yến trong khu vực dân cư, đảm bảo khoảng cách giữa các nhà yến nhằm tránh thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra.

Nếu có dịch bệnh biện pháp xử lý sẽ là ngăn các lối vào nhà yến vào ban đêm và sử dụng thuốc tiêu độc, khử trùng với nồng độ phù hợp để diệt chim yến bệnh và mầm bệnh nhằm tránh lây lan ra môi trường xung quanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần quy hoạch lại khu vực nuôi yến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO