Bắt tay làm "bạn đồng hành"

NAM AN| 30/01/2013 03:46

Năm 2012 được đánh giá là năm chuyển động mạnh nhất của các tổ chức hội. "Tiếng nói chung" giữa hội và doanh nghiệp đã có, song "bạn đồng hành" cùng chuyển tải các đề xuất, kiến nghị thì vẫn còn ở rất xa.

Bắt tay làm

Năm 2012 được đánh giá là năm chuyển động mạnh nhất của các tổ chức hội. "Tiếng nói chung" giữa hội và doanh nghiệp (DN) đã có, song "bạn đồng hành" cùng chuyển tải các đề xuất, kiến nghị thì vẫn còn ở rất xa.

Đọc E-paper

Diễn đàn Xúc tiến thương mại và đầu tư 2012

Từ "hội hè” đến "hội họp"

Sáu tháng trước, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của các hội ngành nghề do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức ngày 16/7/2012, ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó giám đốc Sở cho biết, trong 6 tháng qua, nhiều hoạt động của các hội ngành nghề như: đào tạo nghề, hội thảo, hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đã được triển khai thực hiện, cải thiện rõ vai trò và bộ mặt của các tổ chức hội.

Điển hình là các buổi họp, họp mặt, đối thoại trực tiếp nhằm tìm hiểu tình hình khó khăn của DN, kịp thời kiến nghị lên các cấp chính quyền do các hội ngành nghề và Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) thực hiện đã bước đầu mang lại những hiệu ứng tích cực... Thì nay, sau gần một năm hoạt động, "phong độ” này không chỉ được giữ vững mà còn được nâng tầm hơn nữa.

Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động hội từ Sở Công Thương tại buổi họp mặt cuối năm với 23 tổ chức hội gồm: 2 hiệp hội, 20 hội và 1 CLB, ông Trương Minh Khách, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp của Sở, cho biết, các hội đã tổ chức hoạt động gắn kết khá tốt cho các thành viên trong ngành một cách kịp thời, hiệu quả.

Với nhiều chương trình cụ thể như: tổ chức các chương trình tham quan học tập cho các hội viên, các đoàn đại diện ban chấp hành hội đến làm việc và đề xuất các biện pháp thiết thực cho hoạt động kinh doanh của hội viên, tổ chức gặp gỡ lãnh đạo các ngành, cung cấp thông tin kịp thời thông qua bản tin, website của hội; tổ chức các chương trình đào tạo kiến thức về kinh nghiệm quản lý và điều hành, tuyên truyền pháp luật, trong đó có Luật Bảo vệ người tiêu dùng; tuyên truyền cho cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hỗ trợ hội viên tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học hỗ trợ sản xuất.

Trong công tác xúc tiến thương mại, các hội cũng dần chủ động và hoàn thiện hơn thông qua các chương trình như tổ chức đoàn tham quan, giao lưu trong nước, hội chợ thực phẩm, đồ gỗ, giao thương xúc tiến mở thị trường xuất khẩu mới...

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực HUBA, hầu hết các hội tại Việt Nam trước nay mang tính chính trị khá nhiều. Do đó, vấn đề đặt ra đầu tiên đối với DN luôn là vào hội để làm gì đã làm họ e ngại gia nhập. Tuy nhiên, trên thực tế, họ được nhiều hơn mất, bởi họ được nói, được kết nối, được cung cấp thông tin... ông Hưng nhấn mạnh.

Trước những thay đổi đó, các hội cho rằng Sở Công Thương nên có những động thái hỗ trợ kịp thời cũng như cùng đồng hành với hội trong công tác kiến nghị, đề xuất lên các cơ quan quản lý nhà nước.

Và đến lúc lên tiếng

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ với Sở Công Thương, ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, cho biết, việc Sở Công Thương yêu cầu các hội đề ra những phương án giải quyết khó khăn cho DN là tốt, nhưng thực tế hội lại không có đủ điều kiện để tổ chức thống kê số liệu hay lập hẳn một dự án để phân tích tình hình thị trường trong ngành.

Và điều này dẫn đến hiện trạng số liệu báo cáo không chuẩn xác do được tham khảo, tra cứu từ nhiều nguồn khác nhau trên báo, đài, internet... Xét ở góc độ nào đó, những kết quả báo cáo còn mang tính hành chính. Năm 2012 được xem là năm hoạt động mạnh mẽ của hầu hết các hội.

Do đó, để cải thiện những đóng góp từ hội, Sở cũng cần có một áp lực mạnh mẽ đối với các hội cũng như nên có chương trình cụ thể để các hội hoàn thiện hơn vai trò của mình.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM, cũng cho rằng, hiện nay các cơ chế, chính sách trước khi ban hành hầu như đều không cho các hội tham gia góp ý.

Và cứ thế, chính sách được các bộ, ngành đưa ra và áp dụng xuống các địa phương, nên việc vừa làm vừa sửa, thực hiện rồi hủy bỏ cứ liên tục tiếp diễn.

Trước vấn đề này, Chính phủ nên xem xét lại, cũng như rộng cửa để các hội có thể cùng tham gia. Theo ông Dưng, để phát triển vai trò của hội, không chỉ có tác động một chiều từ trên xuống, mà các hội cũng nên hợp tác, thực hiện nhiều chuyên đề, hội thảo... nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của các hội.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và mạnh hay yếu, các hội cũng cần có sự hợp tác cũng như có những kế hoạch phát triển dài hạn mới góp mặt cải thiện được hiện trạng kéo dài từ rất nhiều năm qua.

Theo đó, "chúng tôi chỉ kỳ vọng cơ quan quản lý nhà nước, trong đó, Sở Công Thương sẽ là nơi chuyển tải, truyền đạt ý kiến của hội để có những kiến nghị kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế của thị trường.

Vì hiện nay, những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam đều đang đứng trước nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp..., tạo nên những nguy hại rất lớn đối với DN. Do đó, khi ban hành chính sách, Nhà nước bắt buộc phải tham khảo từ các DN", ông Hùng nói.

Trước những nguyện vọng của các hội, và trong vai trò người mới tiếp quản công việc quản lý các hội từ tháng 12/2012, ông Lê Văn Khoa, Phó giám đốc Thường trực Sở Công Thương, cho biết, kể từ tháng 3/2013, Sở sẽ "ủy quyền" cho HUBA làm đầu mối ghi nhận những kiến nghị của các hội do Sở quản lý và sẽ làm việc trực tiếp với HUBA 1 tháng/lần, nội dung xoay quanh những khó khăn của hội viên các hội để từ đó kịp thời nắm bắt tình hình và giải quyết vấn đề phát sinh.

Ông Khoa hứa sẽ đồng hành cùng các hội đi "gõ cửa" từng đơn vị quản lý để được giải quyết vấn đề của hội kiến nghị nếu xét thấy hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bắt tay làm "bạn đồng hành"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO