Bánh kẹo Việt gặp khó

Trịnh Tuấn Dũng| 26/02/2020 04:21

Bài viết này là góc nhìn chủ quan của cá nhân người tiêu dùng như tôi đến bánh kẹo Việt Nam để góp phần cùng doanh nhân có cái nhìn rõ hơn về sức ép thị trường và thị hiếu khách hàng.

Bánh kẹo Việt gặp khó

Bánh kẹo là một loại sản phẩm không đòi hỏi công nghệ cao, không phải mặt hàng thiết yếu, nhưng doanh thu không hề nhỏ. Bánh kẹo thương hiệu Việt Nam ngày nay phát triển ổn định về chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, bao bì được cải tiến, nhưng vẫn chưa đủ bứt phá để giành thị phần lớn hơn bánh kẹo ngoại nhập.

Có thể nói hình thức bên ngoài là yếu tố đầu tiên để người tiêu dùng chọn một loại bánh kẹo nào đó. Bao bì bắt mắt, sang trọng, mới lạ là một trong những tiêu chí chọn mua sản phẩm đòi hỏi thẩm mỹ cao như bánh kẹo. Trong những năm gần đây, ngành bánh kẹo Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể về hình thức, như hộp đựng bằng thiếc dập nổi, hộp giấy trang trí bắt mắt, hộp gỗ khắc hoa văn cùng giấy gói sang trọng. Tuy nhiên, so với các đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài, chừng đó là chưa đủ. Sự cải tiến về hình thức của bánh kẹo Việt vẫn chưa tạo được cú hích, chưa tạo được xu thế. Kẹo dừa Bến Tre là một trong những ví dụ cho việc hình thức bên ngoài chưa đủ để kích thích thị giác người tiêu dùng.

Ngoài hình thức, bánh kẹo Việt đã có những cải tiến đáng kể về chất lượng sản phẩm. Các thương hiệu bánh kẹo Việt đã áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để có được năng suất cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng đồng đều. Doanh nghiệp trong nước ngày càng chú trọng các tiêu chuẩn về sức khỏe, vệ sinh trong quy trình sản xuất bánh kẹo, nhưng nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ và chưa đồng bộ. 

Những cải tiến chất lượng bánh kẹo Việt là đáng khích lệ nhưng hầu như đã bỏ quên nguyên liệu và cách làm bánh kẹo của cha ông như các nước đã làm. Nhiều thương hiệu bánh kẹo nước ngoài dựa vào nguyên liệu và cách chế biến truyền thống, tạo nên những sản phẩm hiện đại rất hấp dẫn. Chẳng hạn, người Nhật với những chiếc bánh mochi độc đáo, sang trọng; người Pháp với quy bơ thơm lừng, béo ngậy; người Mỹ với sôcôla mới nhìn đã muốn ăn... 

Một lý do khác khiến ngành bánh kẹo Việt Nam gặp khó chính là vấn đề bảo đảm tiêu chuẩn cho sức khỏe người tiêu dùng. “Hàm lượng chất béo thấp” và “hàm lượng cholesterol thấp” là những tiêu chuẩn mà bánh kẹo Việt chưa đáp ứng được.

Việc phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu sản xuất bánh kẹo từ các đối tác nước ngoài cũng khiến giá thành sản phẩm thiếu ổn định, ít tính cạnh tranh, gây sức ép đến sự phát triển của doanh nghiệp bánh kẹo Việt.

Về khách quan, bánh kẹo là một ngành thực phẩm chủ yếu đáp ứng nhu cầu ăn vặt, tráng miệng, dùng bữa phụ hoặc để biếu tặng vào các dịp lễ, Tết, do đó sức tiêu thụ chưa đủ lớn để các doanh nghiệp bứt phá, tạo xu thế. 

Nhìn ra thế giới để thấy vai trò của hiệp hội ngành nghề trong việc gắn kết doanh nghiệp, đồng bộ tiêu chuẩn chất lượng, quảng bá và định hướng phát triển sản phẩm mang tính chất “dân tộc” là quan trọng như thế nào. Do đó, cần thành lập Hiệp hội Bánh Kẹo Việt Nam để cùng doanh nghiệp trong ngành hoạch định chiến lược, cùng nhau tạo xu thế cho bánh kẹo Việt, từ đó mới đủ sức cạnh tranh với đối thủ nước ngoài ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam.

Hy vọng một ngày nào đó, bánh kẹo truyền thống của người Việt sẽ được công nghiệp hóa và có mặt tại các siêu thị ở nhiều nước. Đừng để câu nói “Người Việt sính ngoại” làm lu mờ ý chí khắc phục khó khăn và bao biện cho sự thiếu quyết tâm của doanh nhân, mà hãy lấy nó làm động lực để tìm ra giải pháp hữu hiệu cho ngành bánh kẹo Việt trước những thách thức ngày càng lớn. 

(Bài dự thi Chương trình Doanh Nhân với Người tiêu dùng)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bánh kẹo Việt gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO