Họa sĩ "hạnh phúc nhất thế giới" ở làng Cầu Vồng

ĐOÀN LÊ| 08/09/2018 03:36

Ông Huang Yung Fu có lẽ là họa sĩ hạnh phúc nhất thế giới, bởi đã 5 năm nay, hằng ngày ông ngồi ngắm du khách từ khắp thế giới đến thưởng lãm, chụp ảnh và không thôi ngạc nhiên về ngôi làng của ông - làng Cầu Vồng.

Họa sĩ

Tôi nhìn thấy trong các giới thiệu về điểm tham quan văn hóa ở thành phố Đài Trung, địa danh làng Cầu Vồng luôn chiếm vị trí hàng đầu. Và ngạc nhiên làm sao, đây là tác phẩm của một cá nhân, một họa sĩ đã dùng những năm tháng cuối đời để giữ lại ký ức cho lịch sử phát triển đô thị!

Và dường như không thể khác, đã đến thành phố Đài Trung của đảo Đài Loan (Trung Quốc) thì du khách đều đến đây. Làng Cầu Vồng nằm ở quận Nam Đồn, chỉ 5 ngôi nhà, được sơn vẽ sặc sỡ, hai lối đi quanh co và một công viên bên cạnh, vậy mà mỗi năm thu hút khoảng 1 triệu lượt khách du lịch ghé thăm, chụp ảnh và tìm hiểu. Chỉ riêng con số du khách đó đã nói lên sự hấp dẫn của một công trình nghệ thuật.

Ông Huang Yung Fu sinh năm 1924, người gốc Quảng Đông, là cựu binh. Năm 1949, Đài Loan xây dựng hàng trăm ngôi làng dành cho quân nhân trên khắp hòn đảo, riêng quận Nam Đồn có 1.200 căn, ông Huang được phân một căn trong đó. Trước đây quận Nam Đồn là vùng nông nghiệp, đô thị hóa chỉ bắt đầu từ sau năm 1990. Trong nhiều năm, ông Huang Yung Fu nhìn thấy những ngôi làng cựu binh xuống cấp bắt đầu được thay thế bằng những khu chung cư hiện đại.

Họa sĩ Huang Yung Fu

Họa sĩ Huang Yung Fu

Những ngôi làng cựu chiến binh trong ký ức của những người ra đảo để có cuộc sống mới, nhưng cuộc sống ấy cũng sẽ dần mất đi, nhường cho những điều mới. Ông hiểu rõ quy luật ấy khi ngắm những con phố mới mọc lên rất nhanh. Mỗi gia đình nhận được một khoản tiền đền bù đủ để dời sang nơi ở mới. Nhiều người già không thích ứng được với sự thay đổi nơi ở đã gắn bó hàng chục năm từ ngày mới lập nghiệp, đã mắc chứng trầm cảm từ khi chuyển đến sống cô lập trong những khu tái định cư.

Tình trạng này trở nên phổ biến đến mức báo chí lúc ấy đã lên tiếng đánh động về "những cộng đồng đang chết", mang theo một giá trị lịch sử chưa có cách nào lưu giữ. Cách đây 5 năm, làng ông Huang cũng nhận được thông báo giải tỏa. Cả làng dọn đi, chỉ còn lại nhà ông Huang và 5 ngôi nhà khác chưa bị đập, không người ở.

Ngấp nghé tuổi 90, sống một mình, ông Huang không dọn đến ở khu tái định cư, không rời bỏ ngôi nhà ông gắn bó từ thời trẻ. Bắt đầu với hình vẽ một con chim trong nhà, ông vẽ dần ra tường ngoài, rồi bao phủ cả căn nhà bằng những hình thù ngẫu hứng: chim, thú, người, Lý Tiểu Long, robot... và vẽ sang tường những ngôi nhà hoang còn lại. Sinh viên Trường Mỹ thuật Đài Trung kéo đến giúp ông, cuối cùng khu nhà biến thành một tổ hợp hoạt hình rực rỡ sắc màu. Thế là làng Cầu Vồng thu hút hàng ngàn du khách.

Đến giờ ông Huang còn nhớ những ngày sôi động ấy. Ngày lệnh giải tỏa có hiệu lực đến gần, cùng với sự lên tiếng của báo chí, có hàng nghìn bức thư và đơn thu thập chữ ký của người dân Đài Trung và nhiều nơi khác gửi đến chính quyền thành phố, xin được giữ lại làng Cầu Vồng để vừa làm một điểm du lịch văn hóa, vừa để bảo tồn kiểu kiến trúc khu nhà tập thể của cựu binh như một phần lịch sử hiện đại. Cuối cùng thành phố đã chấp thuận giữ lại ngôi làng, đặt một trạm xe buýt ngay trước cổng và tổ chức những ngôi nhà hoang thành điểm dịch vụ phục vụ du khách.

unna2med-2515-1535515951.jpg

Hiện nay, ở tuổi 94, hàng ngày ông Huang vẫn dậy từ 3 giờ sáng, bước ra từ ngôi nhà sặc sỡ và cầm cọ đi khắp làng tu bổ những bức vẽ trên tường. Niềm vui lớn nhất của ông là ngồi ngắm khách qua lại chụp ảnh từng ngõ ngách. Đã 5 năm qua, mỗi năm làng Cầu Vồng đón khoảng 1 triệu lượt du khách.

Nơi đây cũng trở thành không gian tổ chức các triển lãm nghệ thuật đương đại của thành phố Đài Trung và là nguồn cảm hứng sáng tạo cho giới trẻ. Những gương mặt trẻ trung từ nhiều nơi trên thế giới đổ đến đây ngắm những bức tường nghệ thuật.

Đô thị hóa ở đâu cũng vậy, cũng tạo ra "những cộng đồng đang biến mất" mang theo những nếp sống, nếp văn hóa truyền thống, khi những tòa nhà bê tông vô hồn và hãnh tiến chọc thủng không gian mọc lên khắp nơi. Nhưng văn hóa không phải là bất biến mà luôn đồng hành với đời sống, một tiếp biến có ý nghĩa hay không luôn phụ thuộc vào ý thức của mỗi cộng đồng.

Tôi từng dõi theo cơn lốc xẻ vườn bán ở làng Kim Long, Huế khi du lịch phát triển. Những khu vườn Huế xanh mướt thế nào nhiều người biết. Nhưng có một biệt phủ xưa ở Kim Long, giữa vườn cây là những cựu nam sinh Quốc học, những tà áo dài lụa thướt tha của cựu nữ sinh Đồng Khánh tổ chức đêm nhạc Phạm Duy để khoản đãi một vị khách đặc biệt: TS. Eric Henry - Đại học North Carolina - người dịch Hồi ký Phạm Duy sang tiếng Anh, cũng từng là phiên dịch thuộc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ trên chiến trường Quảng Trị những năm 1970, nay trở lại Huế trong vai trò nhà nghiên cứu tân nhạc Việt Nam.

Hồi ức thập niên 1960 tràn về sống động: Huế nhỏ bé và cổ kính đón làn gió chướng hiện sinh đến từ phương Tây với giọng hát của Françoise Hardy, điện ảnh Làn sóng mới và triết học của Sartre, Camus, Heidegger, thời mà học giả Nguyễn Đắc Xuân kể là sách mới xuất bản ở Mỹ và Pháp thì sau đó vài ngày đã có ngay ở Sài Gòn và Huế. Huế đã sản sinh ra một Trịnh Công Sơn, và âm nhạc của Phạm Duy thì được đón nhận theo một cách "rất Huế”.

"Chúng ta gặp nhau và hát nhạc Phạm Duy hôm nay như một cách để giữ lại những đẹp đẽ đang dần mất đi trong đời sống". Và Bà mẹ quê, Giọt mưa trên lá, Đưa em tìm động hoa vàng, Ngày xưa hoàng thị, Tâm ca...  qua giọng hát của các cựu nữ sinh Đồng Khánh lả lướt giữa "tóc trắng đậm đà, êm ái ru tình già”. Những nàng Đồng Khánh ngồi quanh thảm cỏ, vẫn giữ nếp điệu đàng từ dáng đi đến lời thưa thốt.

Những chàng nhân sĩ ưu tư như thời ẩn mình trong "Tuyệt tình cốc". Một nàng bảy chục xuân xanh vận áo dài lụa kiềng bạc tóc cài hoa đầu nghiêng nghiêng hát theo, một chàng tóc trắng mắt lấp lánh kể chuyện giai nhân "Hoàng thị”. Ở đó, vẫn nhìn thấy vẻ đẹp thâm trầm của văn hóa đô thị Huế đã gắng gượng giữ gìn phẩm giá trước biến thiên thời cuộc.

Tôi cũng nhìn theo người làng Nam Ô Đà Nẵng tổ chức lễ hội Cầu ngư mùa xuân vừa qua, đó là lễ hội vắng vẻ nhất vì làng không còn, ngư dân chuyển nghề bỏ biển, bỏ tập tục! Làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, hình thành song song với quá trình mở đất của ông cha ta. Trải qua nhiều thế kỷ, nơi đây đã hình thành nên đời sống tinh thần khá phong phú với hệ thống di tích lịch sử, tâm linh có giá trị.

Vệt giải tỏa để xây dựng khu du lịch sinh thái Nam Ô ngang qua các di tích thờ phụng mà nhân dân và các chư phái tộc làng Nam Ô đang gìn giữ. Lăng Cá Ông, dinh Âm hồn, miếu Bà Liễu Hạnh nằm gọn trong khu du lịch, giờ trơ trọi sau khi nhà cửa của dân làng được chính quyền địa phương giải tỏa, để bàn giao đất cho chủ đầu tư.

Ông Huỳnh Văn Thắng (75 tuổi), Trưởng Ban Nghi lễ làng Nam Ô, chia sẻ: "Vì chủ trương chung của thành phố nên dân làng đã đồng thuận, tự tháo dỡ nhà cửa, nhường đất cho công trình. Dân làng di dời, nhưng nghi lễ truyền thống không thể bỏ. Năm nay, dân làng tổ chức nghi lễ nhưng ai cũng trĩu nặng lòng, cảm thấy buồn vì cảnh vật nay đã khác xưa, dân làng tan tác, con cháu vắng thưa người về. Hội không còn, chỉ còn phần lễ để các bậc cao niên tưởng nhớ tiền nhân, thần linh, cầu khấn rồi đây mọi việc sẽ êm bề, di tích nghi lễ còn mãi với thời gian".

Và bỗng nghĩ ở đâu cũng vậy, lịch sử của một đô thị, một vùng đất còn lại hay không đều nhờ đến sức mạnh của văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Họa sĩ "hạnh phúc nhất thế giới" ở làng Cầu Vồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO